Tổ chức hoạt động R&D hiệu quả: Rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm bằng cách học hỏi & tiếp thụ công nghệ mới

Author
Từ những năm 2006 khi chúng tôi có cơ hội sang Hàn quốc du học, các hãng điện tử của Hàn quốc như Samsung, LG,..vẫn chưa đạt tầm vóc như bây giờ. Họ vẫn đang nỗ lực để vượt qua cái bóng của những gã khổng lồ Nhật Bản.
Ngày nay, nhìn vị thế của Samsung và so sánh với hiện tại của nhiều hãng điện tử vang bóng một thời, chúng ta ghi nhận sự tiến triển vượt bậc của họ.

Liệu điều đó có phải là may mắn, ngẫu nhiên?

Chúng tôi không nghĩ như vậy. Sự may mắn ngẫu nhiên không thể đem đến bước phát triển thần kỳ mang tính "hệ thống" như vậy.

Đó là hệ quả của chiến lược phát triển dài hạn, là quyết tâm của những con người ở đó, là cách mà họ tổ chức và tiếp cận công việc.

Chúng tôi biết nhiều người ở Samsung, LG, cả Hàn quốc và Việt Nam, và chúng tôi tin vào nhận định của mình.

Một trong những điểm mà chúng tôi khâm phục ở cách người Hàn "tiếp thu công nghệ" là tinh thần thái độ lăn xả, sẵn sàng tìm hiểu những công nghệ mới, từ thế giới, từ chính người hàng xóm Nhật bản của mình.

Có thể nhiều người chưa biết, người Hàn quốc xét trên đa số không mấy "yêu thương" người Nhật, chuyện thường xảy ra với những người hàng xóm sống cạnh nhau hàng nghìn năm và có nhiều va chạm trong quá khứ. Nhưng về công nghệ, họ luôn sẵn sàng tiếp nhận công nghệ của "đối thủ", nghiền ngẫm, cải tiến,...và tin có một ngày sẽ vượt qua. Và họ đã làm được!

Trên các phương tiện báo đài ở Việt Nam, các bạn mới chỉ thấy sự thần kỳ của điện tử Hàn quốc mà chưa khi nào có ai phân tích chi tiết, cụ thể xem điều thần kỳ ấy đến từ những hành động nào?.

Vốn dĩ, nhìn những gì chung chung luôn nhàn hạ hơn việc đào sâu chi tiết. Nhưng nếu thực sự muốn phát triển, lao vào việc và bắt đầu từ việc nhỏ nhất là điều không thể tránh. Còn nếu chỉ chung chung, chúng ta đang giống như ngồi máy lạnh hoạch định chính sách.

Khi còn làm việc tại một Lab nghiên cứu tại Seoul, mỗi tuần chúng tôi có một nhóm 5 người châu đầu lại để nghiên cứu patent (bằng sáng chế) trong lĩnh vực vật liệu. Rất nhiều trong số các patent đó là từ Hitachi, Nhật bản. Anh trưởng nhóm khi đó giải thích là muốn vươn lên sánh với Nhật thì phải học chính sáng chế của họ, hiểu đường lối họ đang đi, hiểu cách họ giải quyết vấn đề, hiểu cách học tư duy và đoán định xem họ làm việc như thế nào. Từ đó, ban đầu là làm theo, sau đó dần dần sẽ sáng tạo nên cái của riêng mình. Không chỉ ở chỗ tôi làm việc, rất nhiều chỗ khác cũng có cách tiếp cận tương tự. Chúng tôi rất nể phục sự chịu khó và quyết tâm của người Hàn. Và hiện tại, họ đang hưởng trái ngọt từ những nỗ lực ấy.

Tất nhiên, không phải mọi chuyện lúc nào cũng suôn sẻ, trong lúc làm việc, có khi khó khăn, khi chán việc, khi lười đột xuất, khi bất đồng ý kiến,...Nhưng nhìn toàn cục, đường lối tiếp cận đúng với việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, xét trên bình diện quan niệm của toàn xã hội, đã thực sự cho thấy hiệu quả.
Tôi thấy đúng, thấy tâm đắc và tin rằng, nếu ở Việt Nam cũng có những nơi dùng cách tiếp cận ấy, họ đương nhiên sẽ phát triển. Con đường để tiến lên là xác định được lối đi và xắn tay áo lên bắt đầu từ việc nhỏ nhất, cụ thể nhất. Tuyệt đối không có cách phát triển kỹ thuật nền móng mà lại chỉ dựa vào đọc báo, nghe đài, cafe chém gió xong gật gù phấn khởi. Work hard các bạn ạ.

Qua diễn đàn, chúng tôi làm việc trong công nghiệp Việt nam cũng đã hơn 18 năm và tiếp xúc vô số cá nhân, tập thể về cơ khí, CAD CAM, tự động hoá,...18 năm đủ để cho vài thế hệ kỹ sư thay đổi vai trò dẫn dắt. Nhưng những gì đang diễn ra quả thực không xứng với quãng thời gian ấy. Đâu đó vẫn có những điểm sáng hiếm hoi về phát triển công nghệ, nhưng chừng đó chưa bao giờ là đủ. Phần lớn chúng ta vẫn thích những gì dễ dễ, nhanh nhanh, tiện tiện.

Nhưng chúng tôi tin là những người nhiệt huyết và có năng lực vẫn còn nhiều. Đó là lý do mấy năm nay, Team DT&A chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các đoàn nước ngoài sang Việt Nam để giao lưu kỹ thuật. Mong muốn của tôi là kỹ sư, chuyên gia người Việt có thể thấy tận mắt, gặp tận nơi những người đang làm việc ở nơi có công nghệ tiên tiến, nhìn rõ họ đang làm những gì, cách họ xử lý vấn đề,...để học được những điều hay ho bổ ích từ họ, để rồi từ đó xây nên quyết tâm MÌNH CŨNG LÀM ĐƯỢC.
 
Lượt thích: Nova
Top