Những điều cần lưu ý khi phát triển một sản phẩm mới

Author
Ngày nay, nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm tối ưu, sản phẩm chất lượng đang ngày một cao, bên cạnh đó, không ít trong chúng ta có những ý tưởng về những sản phẩm mới và khao khát tạo ra, mang những sản phẩm hữu ích hơn, tuyệt vời hơn đến tay mọi người. Vậy thì làm thế nào để phát triển một sản phẩm mới?

Tôi là Neo Nguyen, một nhà Thiết Kế Công Nghiệp (Industrial Designer) sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Kể từ năm 2015 đến nay, tôi đã tham gia thiết kế và phát triển sản phẩm hơn 40 dự án với nhiều lĩnh vực sản phẩm khác nhau như: đồ điện điện tử, đồ gia dụng, thiết bị y tế, sản phẩm thông minh ... Từ những kinh nghiệm đó, tôi mong muốn chia sẻ một cách ngắn gọn nhất về quá trình phát triển một sản phẩm mới, đi từ quá trình xuất phát ý tưởng đến giai đoạn chuẩn bị cho sản xuất... dưới góc nhìn của Thiết Kế Công Nghiệp

Xuất phát ý tưởng

Ý tưởng đổi mới sáng tạo xuất phát từ đâu?

Đa số chúng ta chọn cách xem lại lịch sử phát triển của một sản phẩm nào đó (lấy ví dụ như thời điểm iPhone ra mắt), từ đó nghiên cứu phương pháp và hình thức hình thành ý tưởng để áp dụng nó ngược lại vào hiện tại, với phương pháp đổi mới sáng tạo này thường sản phẩm và ý tưởng sẽ không thành.

Nguồn ý tưởng và đổi mới sáng tạo xuất phát từ nhiều cách, nhưng gần như toàn bộ đều chung một mục đích là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề (problem) đang tồn tại. Đôi khi không phải là một điều gì đó quá nghiêm trọng hoặc phải ảnh hưởng xấu đến con người thì mới được gọi đó là vấn đề; định hình và gọi tên vấn đề có thể đơn giản từ việc chúng ta nhìn thấy một hoặc nhiều sản phẩm đang có không làm tốt, chưa phát huy được hết giá trị hay đơn giản là cách vận hành của sản phẩm đó còn chưa tối ưu.

Ví dụ: Benkon ra mắt thiết bị giúp giải quyết vấn đề về tối ưu trong vận hành máy lạnh như tự động điều chỉnh nhiệt độ, thời gian, từ đó giúp tiết kiệm chi phí và bổ trợ các tính năng thông minh hưu ích khác nhau cho cá nhân và doanh nghiệp.

Làm thế nào để bắt đầu với ý tưởng mới?

Tuy là một câu hỏi rất đơn giản nhưng đây còn có thể được xem là một môn học xuyên suốt trong quá trình học về Thiết Kế Công Nghiệp. Nhằm mang tính chất tổng quan trong bài viết này và dễ hiểu với mọi người thì tôi sẽ trình bày thông qua việc lấy ví dụ về một sản phẩm. Giả dụ chúng ta có ý tưởng phát triển một dòng chuột máy tính mới (mouse), việc đầu tiên chúng ta cần trả lời câu hỏi sau:

“Sản phẩm cơ bản cấu tạo ra sao?”

Trong chuột máy tính, kết cấu cơ bản nhất sẽ có PCB (vi mạch điện tử); nút bấm trái phải; vòng lăn; mắt laser; dây kết nối.

Từ điểm này chúng ta sẽ tạo ra sự nối kết với ý tưởng mới mà chúng ta có thông qua câu hỏi tiếp theo “Thành phần nào sẽ không được thay đổi?”, ví dụ như:

  • Ý tưởng mới: thay đổi cách cầm nắm để thoải mái hơn (thay đổi cách bố trí bên trong theo hình thức khác). > Thành phần sẽ không thay đổi: Toàn bộ kết cấu cơ bản.
  • Ý tưởng mới: tối ưu bấm chuột để có trải nghiệm tốt hơn (có thể thay đổi những linh kiện liên quan tới nút bấm chuột). > Thành phần sẽ không thay đổi: PCB; vòng lăn; mắt laser; dây kết nối.

Trong thiết kế và phát triển sản phẩm, việc định rõ các giá trị, thành phần được và không được thay đổi là điều rất quan trọng, từ đó Industrial Designer mới có thể bắt tay vẽ phác thảo thiết kế cho phù hợp với những ý tưởng mới.

Có thể bạn chưa biết: Nếu bạn là một người không chuyên, việc viết hay vẽ ra ngay khi có ý tưởng mới sẽ rất đơn giản, tuy nhiên đối với designer thì điều đó hoàn toàn ngược lại. Industrial Designer sáng tạo ra những thiết kế có tính thực tế, tùy thuộc vào độ lớn của ý tưởng mà những Industrial Designer sẽ cần được làm rõ những mắt xích quan trọng như thông tin chi tiết của sản phẩm (specification), chân dung đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường, danh sách đối thủ và phương pháp gia công sản xuất, từ cơ sở đó họ tìm ra giải pháp thông qua mọi yếu tố trong và ngoài sản phẩm.

Thử nghiệm, đánh giá tính thực thi, hợp lý

Trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm, sẽ có nhiều concept thiết kế được tạo nên và không ít trong số đó có nhiều tiềm năng, việc tiếp theo là thử nghiệm, đánh giá một cách nhanh chóng, hiệu quả xem độ thực thi của các concept đó như thế nào khi đối chiếu với định hướng ban đầu. Sau đây là một vài phương pháp kiểm chứng thường được áp dụng trong quá trình thiết kế:

  • Kiểm chứng thông qua hình ảnh diễn họa (rendered image - thường được thực hiện bằng các phần mềm 3D trên máy tính). Bằng cách này, nhiều doanh nghiệp đã có thể kiểm tra độ hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng tiềm năng, thậm chí trước khi sản phẩm trở thành một sản phẩm thực tế hay được sản xuất số lượng lớn.
  • Kiểm chứng thông qua mô hình sản phẩm bằng công nghệ in 3D, việc cầm và tương tác thực tế sẽ cho những đánh giá, nhận xét chân thực hơn. Bên cạnh, công nghệ in 3D ngày nay đã phát triển rất mạnh và có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu về làm mô hình sản phẩm.

Phương pháp gia công sản xuất

Phương pháp gia công nào phù hợp với startup?

Một khi ý tưởng, thiết kế của sản phẩm mới thành hình, việc hiện thực hóa thành sản phẩm mẫu là việc cần thiết. Tuy nhiên, không giống với sản xuất số lượng lớn (khuôn mẫu), việc gia công sản phẩm mẫu sẽ không tốn chi phí đầu tư ban đầu, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người đầu tư. Sau đây là một vài phương pháp gia công phù hợp với mức đầu tư vừa và nhỏ dành cho những dự án phát triển sản phẩm mới:

  • Cắt laser (tấm kim loại, nhựa…) - phù hợp những chi tiết, thành phần cấu thành từ tấm
  • Cắt CNC (nhôm, gỗ, nhựa…) - phù hợp những chi tiết, thành phần dạng khối
  • Cấn, uốn - bending (có thể từ thành phẩm sau khi cắt laser)

Có thể bạn chưa biết: Industrial Designer trong quá trình thực hiện thiết kế sản phẩm đã suy nghĩ chuẩn bị trước phương pháp phù hợp để gia công từng thành phần của sản phẩm. Tuy nhiên, các Industrial Designer luôn cần sự phối hợp với các Kỹ Sư (Engineer, Mechanical Engineer) để phát triển những thiết kế có thể gia công được trở thành sản phẩm có thể sản xuất số lượng lớn được.

Các vấn đề thường gặp phải

Việc phát triển sản phẩm là một con đường vốn không đơn giản, tôi cũng đã từng tham gia và chứng kiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trên con đường này, các trường hợp thường xuyên xảy ra nhất làm ở các vấn đề sau:

  • Xem nhẹ việc sản xuất hoặc buộc sản xuất chạy theo ý tưởng thiết kế
    Hiểu một cách đơn giản, sản phẩm thì cần phải sản xuất được và chính vì yếu tố đó mà ý tưởng cần cân đối với năng lực và phương pháp sản xuất. Ngoài ra, nếu chúng ta muốn sản xuất chạy theo thiết kế và ý tưởng mới, hãy chuẩn bị ngân sách đủ lớn.
  • Phát triển sản phẩm mới quá phức tạp so với ngân sách hay thời gian đặt ra
    Đây là một trong những trường hợp thường xuyên gặp phải khiến doanh nghiệp loay hoay mãi không thể tạo ra được sản phẩm như mong đợi. Phát triển sản phẩm luôn cần một ngân sách tương xứng và một kế hoạch thời gian hợp lý.

Bản thân tôi là một người đã tham gia nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau, có những dự án kéo dài từ vài tháng đến vài năm, việc phát triển sản phẩm là một quy trình tương đối phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro. Vậy nên trong khuôn khổ bài viết, tôi cũng đã đưa vào những nội dung quan trọng nhất và cần thiết nhất để giúp cho quá trình này được suôn sẻ hơn. Hi vọng đây cũng sẽ là một đòn bẩy nhỏ cho doanh nghiệp, start-up hay bất kỳ ai đang có những ý tưởng sản phẩm mới sẽ sớm mang chúng đến tay mọi người.

Neo.
 

NPT

Active Member
Em có thắc mắc là ngoài những lưu ý trên, để dự án phát triển sản phẩm mới được tốt thì cần có những gì khác nữa ạ. Anh chia sẻ thêm nhé
 

Neo Nguyen

New Member
Author
Em có thắc mắc là ngoài những lưu ý trên, để dự án phát triển sản phẩm mới được tốt thì cần có những gì khác nữa ạ. Anh chia sẻ thêm nhé
Chào bạn, mình nghĩ ý "tốt" ở đây trong một dự án phát triển sản phẩm mới đó là ra được sản phẩm được xx% như yêu cầu (xx ở đây là do chủ đầu tư hoặc product owner đặt ra), có khá nhiều yếu tố chi phối một dự án ví dụ như kinh phí, thời gian, nhân lực... vậy nên việc có một chiến lược, một kế hoạch thiết kế - phát triển sản phẩm càng chuyên nghiệp sẽ càng giúp cho sản phẩm ý tưởng sớm trở thành sản phẩm đời thật.
Theo kinh nghiệm bản thân, đại đa số những start-up bắt đầu sản phẩm mới mà mình từng làm việc cùng, họ thất bại nhiều nhất do nguyên nhân chính 90% nằm ở khâu lên kế hoạch và quản lý dự án, không cân đối được mọi yếu tố xoay quanh quá trình phát triển sản phẩm (như mình đã đề cập ở trên).
 
Lượt thích: NPT
Top