Thiết Kế Công Nghiệp là gì? Vì sao doanh nghiệp cần có Thiết Kế Công Nghiệp?

Neo Nguyen

New Member
Author
1.png

Đầu tiên để hiểu được vì sao chúng ta cần có Thiết Kế Công Nghiệp thì mình sẽ làm rõ khái niệm cơ bản nhất của Thiết Kế Công Nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, Thiết Kế Công Nghiệp là một quá trình thiết kế sản phẩm phù hợp với quy mô sản xuất công nghiệp. Ở xã hội hiện tại, thẩm mỹ, ngoại quan của một sản phẩm gần như quyết định 80% ý định mua hàng, do đó công việc của Thiết Kế Công Nghiệp bên cạnh việc đảm bảo tính sản xuất công nghiệp mà còn phải mang tính thẩm mỹ vào sản phẩm. Họ cũng chính là cầu nối giữa 2 lĩnh vực gần như đối lập nhau: Nghệ Thuật - Thẩm Mỹ và Kỹ thuật - Sản Xuất, cầu nối này nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng được mong đợi của khách hàng cũng như phù hợp với tiêu chí của doanh nghiệp đề ra.

Hiện tại ở Việt Nam, ngành Thiết Kế Công Nghiệp đang phát triển khá mạnh cùng với các ngành công nghiệp trong nước, nhu cầu của các doanh nghiệp đối với việc sản xuất và đổi mới sản phẩm ngày một tăng cao bởi thị trường sản phẩm cũng dần sôi động hơn. Cùng mình điểm qua 3 lợi ích cơ bản mà Thiết Kế Công Nghiệp sẽ mang đến cho doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam:


2.png
1. Sản phẩm là phương thức giao tiếp giữa khách hàng & doanh nghiệp đã được người Thiết Kế Công Nghiệp “phiên dịch” dựa trên ngôn ngữ thiết kế riêng của doanh nghiệp hướng đến một nhóm khách hàng cụ thể.

Mỗi doanh nghiệp đều có nhận diện thương hiệu riêng cho mình, được phân biệt bởi các ngôn ngữ thiết kế hữu hình như đường nét, màu sắc, hình khối, hiệu ứng chất liệu,... Tùy vào từng sở thích và nhu cầu, khách hàng sẽ chọn được những thương hiệu và sản phẩm phù hợp với bản thân; đồng thời doanh nghiệp cũng nhận diện và phân họ ra thành các nhóm và phân khúc khách hàng khác nhau. Nhóm khách hàng này thường là cơ sở để doanh nghiệp phát triển sản phẩm hướng đến một thị trường riêng biệt hoặc để cạnh tranh với các sản phẩm cùng dòng trên thị trường chung. Vì thế nên người Thiết Kế Công Nghiệp sẽ nắm vai trò thiết kế sản phẩm dựa trên yếu tố thương hiệu của doanh nghiệp hoặc tạo ra ngôn ngữ thiết kế mà doanh nghiệp đó mong muốn, nhưng quan trọng nhất là sản phẩm cần được thiết kế có hình dáng, công năng phù hợp với đối tượng sử dụng. Bên cạnh đó, quá trình thiết kế sẽ thực hiện song song với quá trình nghiên cứu khách hàng, hình ảnh thương hiệu, thị trường… để tạo ra sản phẩm đáp ứng được những yếu tố trên. Một khi thiết kế đánh trúng được thị hiếu của khách hàng nhờ vào sự khác biệt trong nhận diện sản phẩm nghĩa là đã giúp nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị thương mại của doanh nghiệp và tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.


3.png
2. Thiết Kế Công Nghiệp là một mảnh ghép quan trọng giúp Doanh Nghiệp xây dựng, phát triển sản phẩm phù hợp với toàn bộ kế hoạch marketing, chiến lược kinh doanh, mục tiêu thị trường và vốn đầu tư.

Bản chất của Thiết Kế Công Nghiệp là thiết kế và phát triển sản phẩm dựa trên toàn bộ những yếu tố có liên quan, từ nội bộ doanh nghiệp cho đến thị trường - hay nói cách khác thiết kế đi liền với kinh doanh và ngược lại. Trước khi phát triển sản phẩm, doanh nghiệp luôn có những kế hoạch và chiến lược nhất định, dự toán trước khoản chi phí sản xuất dự kiến và khả năng sản xuất; người Thiết Kế Công Nghiệp sẽ dựa vào những yếu tố đó để cho ra các hướng thiết kế phù hợp. Nhờ vào kiến thức chuyên môn, họ có thể dễ dàng nắm bắt ý tưởng, triển khai bản vẽ, chọn lọc nên đưa ergonomic (công thái học, nhân trắc học) vào bộ phận nào để tăng trải nghiệm tốt cho người dùng, vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp để điều chỉnh thiết kế giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Ngoài ra trong lúc brainstorming (lên ý tưởng), họ có thể liệt kê và xếp hạng các yếu tố quan trọng cho sản phẩm, từ đó phân chia thành nhiều phiên bản khác nhau (concept) có thể tách riêng hoặc ghép chung để nâng cao công dụng tùy vào định hướng, mục tiêu thị trường hay đơn giản là một lựa chọn để phù hợp với chi phí và khả năng sản xuất. Mặc dù người Thiết Kế Công Nghiệp thiết kế và phát triển nên sản phẩm nhưng không có trách nhiệm gia công và sản xuất ra sản phẩm, tuy nhiên họ có kĩ năng thể hiện đầy đủ chi tiết các thông tin để các bên kĩ sư và sản xuất có thể thực hiện những bước tiếp theo dễ dàng, hoặc khi gặp vấn đề thì người Thiết Kế Công Nghiệp có thể tham gia trao đổi và điều chỉnh thiết kế sao cho không mất đi giá trị cốt lõi về thẩm mỹ, kỹ thuật hay đặc điểm nhận diện của thương hiệu trong sản phẩm.


4.png
3. Thiết kế công nghiệp giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Có 2 yếu tố quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường đó là: ngoại quan sản phẩm đủ ấn tượng để kích thích người tiêu dùng quyết định mua hàng, và sản phẩm mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng để họ sử dụng lâu dài hoặc tạo cho họ mong muốn trở lại mua hàng lần nữa. Bởi vì từ những giai đoạn đầu tiên của quá trình Thiết Kế Công Nghiệp, người thiết kế phát triển ý tưởng sản phẩm dựa trên những nghiên cứu về sở thích, cảm xúc, thói quen và hành vi hoạt động hằng ngày của đối tượng sử dụng. Sản phẩm không chỉ cần có hình dáng đẹp, có thẩm mỹ mà còn phải phù hợp với người tiêu dùng , phù hợp cả về văn hóa, sở thích, tính cách, độ tuổi, nhu cầu, thói quen, môi trường sử dụng…. Dựa vào biểu hiện, phản ứng của khách hàng, Thiết Kế Công Nghiệp có thể đánh giá, nâng cấp điều chỉnh hoặc lưu làm dữ liệu nghiên cứu cho sản phẩm tiếp theo. Từ đó tạo thành một vòng lặp giúp sản phẩm của doanh nghiệp có xu hướng phát triển hơn và tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng theo từng thời kỳ, tạo sự gắn bó giữa người tiêu dùng với thương hiệu, doanh nghiệp. Do đó, để sản phẩm của doanh nghiệp luôn phát triển mạnh và bền vững thì việc có một đội ngũ Thiết Kế Công Nghiệp chuyên nghiệp là yếu tố tiên quyết.

Ngoài lợi ích mà Thiết Kế Công Nghiệp có thể mang lại cho doanh nghiệp, thì còn có những lợi ích khác cho người tiêu dùng và cả môi trường. Thiết Kế Công Nghiệp là thiết kế phù hợp quy mô sản xuất lớn, và nước ta nói riêng cũng đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, vậy nên đầu tư cho Thiết Kế Công Nghiệp tại Việt Nam là một điều hoàn toàn hợp lí và cần thiết.

Có thể bạn đã biết, sản phẩm hoàn toàn có thể thay đổi tư duy sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng. Tại Úc, họ đã áp dụng mô hình ghế trên tàu subway có thể xoay chiều để khách có thể ngồi đối mặt nhau. Chúng ta cũng có thể thấy các kiểu ghế tương tự cùng chức năng ở nhiều nước khác, nhưng chúng được thiết kế khác nhau, cách sử dụng khác nhau dẫn đến tư duy và thói quen của người tiêu dùng cũng sẽ khác nhau. Nhật bản cũng là một ví dụ về sự phát triển thiết kế sản phẩm dù đó chỉ là đồ dùng hằng ngày, hoặc đồ dùng một lần; họ có những sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày mà chỉ những người phát triển sản phẩm, thiết kế công nghiệp mới đủ quan tâm để nhìn thấy nhu cầu. Một số những sản phẩm tại Nhật còn phù hợp với người Việt Nam và được bày bán rất đa dạng trong các cửa hàng Nhật Bản như Hachi-Hachi, Daiso…


5.png
Thiết kế công nghiệp và câu chuyện sản phẩm bền vững

Ngoài ra, khi nói về sản phẩm của doanh nghiệp thì cũng nên đề cập đến môi trường, tuy Thiết Kế Công Nghiệp không hoàn toàn kiểm soát được những vấn đề to lớn như khí thải, rác thải, lãng phí tài nguyên… nhưng bởi sự liên kết Thiết Kế Công Nghiệp về quy trình sản xuất và quá trình cấu thành, phát triển sản phẩm chính là nền tảng cơ bản để họ có thể tư vấn, đề xuất cho doanh nghiệp có những cân đối về phương pháp sản xuất, lựa chọn vật liệu nhưng vẫn đạt được những yêu cầu cần thiết cho sản phẩm thiết kế trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Neo Nguyen.
 
Em đang thắc mắc là không biết thiết kế công nghiệp này thực tế có hiệu quả gì tại Việt Nam hay chưa ạ? Mong anh chia sẻ, em cảm ơn anh nhiều ạ
 
Top