Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

  • Thread starter Liễu Ngân Đình
  • Ngày mở chủ đề
L

Liễu Ngân Đình

Author
Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

Trước khi bắt tay tìm hiểu để sử dụng công nghệ CNC, chúng ta hãy thử xem vì sao chúng lại được sử dụng rộng rãi như vậy. Có rất nhiều lợi ích từ những chiếc máy “thông minh” này, nhưng chúng ta chỉ liệt kê 3 điểm chính yếu:

Ba lợi ích của máy CNC

1 – Tự động hóa sản xuất:

Máy CNC không chỉ quan trọng trong ngành cơ khí mà còn trong nhiều ngành khác như may mặc, giày dép, điện tử v.v. Bất cứ máy CNC nào cũng cải thiện trình độ tự động hóa của doanh nghiệp: người vận hành ít, thậm chỉ không còn phải can thiệp vào hoạt động của máy. Sau khi nạp chương trình gia công, nhiều máy CNC có thể tự động chạy liên tục cho tới khi kết thúc, và như vậy giải phóng nhân lực cho công việc khác. Thứ nữa, ít xảy ra hỏng hóc do lỗi vận hành, thời gian gia công được dự báo chính xác, người vận hành không đòi hỏi phải có kỹ năng thao tác (chân tay) cao như điều khiển máy công cụ truyền thống.

2 – Độ chính xác và lặp lại cao của sản phẩm:

Các máy CNC thế hệ mới cho phép gia công các sản phẩm có độ chính xác và độ phức tạp cao mà máy công cụ truyền thống không thể làm được. Một khi chương trình gia công đã được kiểm tra và hiệu chỉnh, máy CNC sẽ đảm bảo cho “ra lò” hàng loạt sản phẩm phẩm với chất lượng đồng nhất. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất công nghiệp quy mô lớn

3 – Linh hoạt:

Chế tạo một chi tiết mới trên máy CNC đồng nghĩa với nạp cho máy một chương trình gia công mới. Được kết nối với các phần mềm CAD/CAM, công nghệ CNC trở nên vô cùng linh hoạt giúp các doanh nghiệp thích ứng với các thay đổi nhanh chóng và liên tục về mẫu mã và chủng loại sản phẩm của khách hàng.

Điều khiển chuyển động – Trái tim của CNC



Hình 1. Vận hành máy phay truyền thống: Pointer – Vạch khắc; Handwheel Dial – Tay quay chia độ; Table – Bàn máy; Spindle – Trục máy; Leadscrew – Trục vít me.

Vì chuyển động trên máy tiện có ít bậc tự do hơn trên máy phay nên các giới thiệu về CNC thường tập trung vào máy phay CNC như là trường hợp tổng quát. Có hai dạng chuyển động khi vận hành máy CNC: chuyển động chạy bàn (thông thường là các hướng X và Y) và chuyển động chạy dao (thường là hướng Z cho máy phay đứng, hướng Y cho máy phay ngang). Với các máy CNC có hơn 3 trục điều khiển, sẽ có thêm các chuyển động xoay quanh các hướng chính nêu ở trên. Phân chia chuyển động chạy bàn và chạy dao khác nhau tùy theo kết cấu và chức năng của máy công cụ.

Để có thể trình bày đơn giản và ngắn gọn, chúng ta quy ước gọi chung điều khiển chuyển động khi gia công chi tiết là điều khiển chạy dao.

Chúng ta hãy nhớ lại người thợ vận hành máy phay truyền thống như thế nào: người đứng máy phải chăm chú theo dõi vị trí của dao so với phôi, dùng cá hai tay điều khiển tay quay để chạy dao và/hoặc bàn máy. Quãng chạy được tính theo số vòng quay cộng thêm số vạch chia độ (xem H.1). Công việc đòi hỏi tập trung cao độ cũng như độ khéo léo, chuẩn xác của đôi tay người thợ. Năng suất gia công vì vậy không thể cao. Độ chính xác cũng khó đạt được mức cao cho các chi tiết phức tạp.

Còn bây giờ, với máy CNC, cơ cấu chấp hành là các động cơ servo với bộ điều khiển CNC thông qua một chương trình gia công (part program). Các dạng chuyển động (nhanh hay ăn dao, thẳng hay cung tròn), trục nào hoạt động, tốc độ ăn dao bao nhiêu đều có thể lập trình. Hình 1 ở trên cho thấy sơ đồ chuyển động của máy công cụ truyền thống, còn trên Hình 2 ta thấy sơ đồ các trục của máy CNC.


Hình 2. Máy CNC nhận chỉ thị định vị (Drive Motor Signal) từ chương trình CNC. Động cơ chủ động (Drive Motor) chạy số vòng tương ứng để quay trục vít me bi để dịch chuyển bàn máy (Table). Khi vị trí cần thiết đã tới, thiết bị phản hồi (feedback device) gửi tín hiệu tới bộ điều khiển (MCU) để kết thúc lệnh.

Một lệnh CNC thực hiện bên trong bộ điểu khiển sẽ báo cho mô tơ chủ động quay đúng số vòng cần thiết kéo theo trục vitme bi quay số vòng tương ứng. Tới lượt mình vitme bi kéo theo chuyển động thẳng của bàn máy hoặc dao. Thiết bị phản hồi ở đầu kia của vitme bi cho phép kiểm soát kết thúc lệnh đúng khi số vòng quay cần thiết được thực hiện. Chuyển động của các trục thực tế ra sao hay khái niệm về hệ tọa độ

Trên thực tế không bạn không cần xác định xem phải quay mô tơ bao nhiêu vòng. Chuyển động của các trục được điều khiển đơn giản hơn và logic hơn qua các tọa độ. Có hai hệ trục tọa độ hay được dùng nhất là hệ tọa độ vuông góc (hệ tọa độ Đề các) và hệ tọa độ cực (polar). Trong các máy gia công hệ tọa độ Đề các phổ biến hơn và chúng ta sẽ dùng nó trong các bài viết này.

Chúng ta đã được học về hệ tọa độ trong trường phổ thông và những kiến thức đó đủ cho chúng ta tiếp tục hành trình tìm hiểu công nghệ CNC. Điểm khác so với đồ thị của điểm và đường trong tọa độ toán học là với máy CNC, các giá trị tọa độ thực tế không liên tục mà thay đổi theo bước (increment), hay còn gọi là độ phân giải. Ví dụ với hệ đo mét, bước dịch chuyển tối thiểu thường là 1/1000mm, tức 0.001mm, còn trong hệ đo inch, bước dịch chuyển tối thiểu là 0.0001in. Với chuyển động quay, bước dịch chuyển của góc quay cho cả hai hệ đo thường được lấy là 0.001°.

Giống như hệ tọa độ toán học, mỗi trục trong hệ tọa độ của máy CNC đều có điểm gốc. Ứng với các bài toán kỹ thuật, chúng được gọi là điểm gốc (hay chuẩn, hay điểm 0) của chương trình, của phôi hay của chi tiết. Thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là program zero (hay program origin), work zero, part zero.



Hình 3 Hệ tọa độ vuông góc cho mặt gia công X-Y.

Hình 3 bên cạnh minh họa phương pháp tọa độ để điều khiển chuyển động trên máy CNC. Hai trục biễu diễn trên hình là hướng X và Y (trên máy CNC chúng còn có thể là Z, A, B, C, U, V và W).

Như ta thấy trên hình vẽ, góc trái thấp của phôi được chọn là điểm 0 cho cả hai trục. Đó chính là điểm gốc chương trình. Chương trình gia công sẽ xác định tất cả các kích thước xuất phát từ điểm gốc này.

Với kỹ thuật này, nếu muốn chạy dao sang phải 1 đơn vị đo (inch hay mm) so với điểm gốc thì bạn dùng lệnh X1.0, nếu muốn chạy dao lên trên 1 đơn vị đo so với điểm gốc thì bạn dùng Y1.0. Bộ điều khiển sẽ lập tức xem môtơ và trục vitme bi phải quay bao nhiêu vòng để tới mục tiêu.

Trong ví dụ ở Hình 3, tất cả các điểm đều nằm ở bên trên và bên phải điểm gốc. Một vùng như vậy được gọi là góc ¼ (quadrant), và cụ thể ở Hình 3 là góc phần tư số 1. Máy CNC về nguyên tắc có thể gia công ở các góc phần tư khác nhau và khi đó tọa độ các điểm có thể nhận các giá trị dương cũng như âm. Hình 4 ở dưới biễu diễn 4 góc phần tư và dấu của các tọa độ. Hình 5 cho thấy một ví dụ khi tọa độ gia công nằm ở các góc phần tư khác nhau.

Chuyển động tuyệt đối (absolute) và gia tăng (incremental)



Hình 4. Nếu các điểm gia công nằm ngoài góc phần tư số 1 thì ít nhất 1 tọa độ sẽ có dấu âm (-)

Cho tới giờ chúng ta đã ngầm giả định rằng chế độ tọa độ tuyệt đối được sử dụng trong chương trình. Ở chế độ này tọa độ điểm của chuyển động là tọa độ tuyệt đối tính từ điểm gốc. Tuy nhiên, còn có phương pháp khác để xác định tọa độ cho chuyển động: dùng tọa độ gia tăng (hay tương đối).

Ở chế độ (tọa độ) gia tăng, vị trí tiếp theo chuyển động được xác định theo vị trí hiện thời, chứ không phải theo điểm gốc. Nói cách khác, bạn phải luôn có câu hỏi trong đầu: “Điểm tiếp theo gia tăng bao nhiêu so với hiện giờ?” Hình 6 (bên dưới) so sánh các giá trị tọa độ tuyệt đối và gia tăng cho cùng hệ điểm.

Trong một số trường hợp, chương trình dùng tọa độ tương đối có vẻ dễ nhìn và dễ hiểu hơn. Song nhìn chung, phương pháp này dễ gây hiểu lầm. Cũng cần lưu ý rằng toàn bộ chương trình gia công xuất từ các phần mềm CAM đều sử dụng tọa độ tuyệt đối.

Bạn cần đặc biệt cẩn trọng khi làm việc ở chế độ tọa độ gia tăng. Nếu trong chế độ tuyệt đối có một lệnh sai tọa độ thì các lệnh khác không bị ảnh hưởng. Ngược lại, trong chế độ gia tăng, lỗi trong một câu lệnh thông thường sẽ kéo theo lỗi trong hầu hết các câu lệnh sau đó.



Hình 5. Điểm 0 chương trình nằm ở tâm vòng tròn. Các tọa độ bên dưới và bên trái gốc có giá trị âm.

Thiết lập điểm 0 chương trình

Luôn nhớ rằng bộ điều khiển CNC phải được thông báo, bằng cách này hay cách khác, về điểm 0 chương trình. Cách thức mà máy CNC và bộ điều khiển thực hiện việc này rất khác nhau.

Phương pháp cũ là thiết lập điểm 0 chương trình ngay bên trong chương trình gia công. Thông thường lệnh G92 (hoặc G50) được dùng, ít nhất ở đầu chương trình hay mỗi lần thay dao.

Phương pháp mới hơn và tốt hơn để thiết lập điểm 0 chương trình là dùng bù (offset). Các nhà sản xuất bộ điều khiển cho trung tâm gia công gọi bù để thiết lập 0 chương trình là bù gá (fixture offsets). Còn các nhà sản xuất trung tâm gia công tiện lại gọi đó là bù hình học (geometry offsets). Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này ở Bài #4

Chương trình CNC



Hình 6. So sánh tọa độ tuyệt đối và gia tăng.

Hầu hết các bộ điều khiển CNC hiện nay dùng định dạng địa chỉ lập trình là từ. Nói cách khác, một lệnh CNC giống như một câu, bao gồm các từ CNC với các địa chỉ là chữ hoặc giá trị số. Các địa chỉ chữ (X, Y, A…) xác định kiểu, còn các giá trị số xác định lượng của kiểu giá trị đó.

Bức tranh tương đồng với hoạt động của chương trình CNC có thể tìm thấy trong bất cứ tập hợp các chỉ thị bước-theo-bước nào. Lấy ví dụ có khách hàng tới thăm công ty bạn và bạn cần chỉ dẫn đường đi cho họ. Bạn viết hướng dẫn cho khách từ khi họ xuống sân bay. Để làm được, bạn phải hình dung trong đầu lộ trình từ sân bay tới công ty, rồi tuần tự từng điểm mốc một bạn mô tả chỉ thị cách đi. Khách hàng sẽ làm theo hướng dẫn của bạn, làm bước đầu tiên rồi tiếp theo cho tới khi tìm tới công ty bạn.

Ví dụ có vẻ như lan man, nhưng chủ ý ở đây là vai trò quan trọng của biểu đạt, tức là khả năng hình dung trước đường chạy dao. Không có nó thì khó mà lập trình CNC để gia công các chi tiết phức tạp được. Người điều khiển máy CNC có kinh nghiệm phải hình dung được bất cứ bước gia công nào trước khi thực hiện nó.

00001 (Đánh số chương trình)

N005 G54 G90 S400 M03 (chọn hệ tọa độ, chế độ tuyệt đối, quay trục dao ngược chiều kim đồng ở tốc độ 400 RPM)

N10 G00 X1. Y1. (chạy nhanh tới vị trí XY của lỗ đầu tiên)

N015 G43 H01 Z.1 M08 (xác định bù chiều cao dao, chạy nhanh tới mặt thoát dao để chuẩn bị khoan, bật dung dịch làm mát)

N020 G01 Z-1.25 F3.5 (bắt đầu khoan lỗ đầu tiên, tốc độ ăn dao 3.5 inch/phút)

N025 G00 Z.1 (Thoát dao nhanh khỏi lỗ)

N030 X2. (chạy dao nhanh tới lỗ thứ 2)

N035 G01 Z-1.25 (ăn dao lỗ thứ 2)

N040 G00 Z.1 M09 (thoát dao nhanh khỏi lỗ thứ 2, tắt dung dịch)

N045 G91 G28 Z0 (Quay lại vị trí tham chiếu của hướng Z)

N050 M30 (Kết thúc chương trình)


Chúng ta hãy thử phân tích một chương trình CNC ngắn cho ở bên. Chương trình khoan 2 lỗ trên máy CNC. Bạn chưa cần tập trung vội vào các câu lệnh cụ thể vì các chú thích trong ngoặc đủ để hiểu ý nghĩa của chúng. Mục đích chính ở đây là cấu trúc của chương trình CNC và tính chất tuần tự khi thực hiện các câu lệnh. Trước hết, bộ điều khiển sẽ đọc, dịch (ra mã trực tiếp điều khiển máy), rồi thực hiện lệnh đầu tiên. Xong lệnh đầu tiên mới đi tới lệnh tiếp theo: đọc-dịch-thực hiện. Cứ như vậy cho tới cuối chương trình.

Chú giải cho các ký hiệu trong câu lệnh CNC

Như bạn đã được giới thiệu, mỗi từ trong lệnh CNC có địa chỉ chữ và giá trị số. trên nguyên tắc các nhà sản xuất bộ điều khiển CNC khác nhau có những quy ước khác nhau cho bộ điều khiển của mình. Tuy vậy có những ký hiệu chính được dùng giống nhau và đã trở thành tiêu chuẩn như ở dưới đây

O – Đánh số chương trình (Để đặt tên chương trình)
N – Số thứ tự của câu (dòng) lệnh
G – chức năng chuẩn bị (Preparatory function –xem bên dưới)
X - Trục X
Y - Trục Y
Z - Trục Z
R - Bán kính
F - Tốc độ ăn dao
S - Tốc độ (quay) trục máy
H - Bù chiều dài (cao) dao
D - Bù bán kính dao
T - Ký hiệu dao
M - Các chức năng hỗ trợ

00001 (Đánh số chương trình)

N005 G54 G90 S400 M03 (chọn hệ tọa độ, chế độ tuyệt đối, quay trục dao ngược chiều kim đồng ở tốc độ 400 RPM)

N10 G00 X1. Y1. (chạy nhanh tới vị trí XY của lỗ đầu tiên)

N015 G43 H01 Z.1 M08 (xác định bù chiều cao dao, chạy nhanh tới mặt thoát dao để chuẩn bị khoan, bật dung dịch làm mát)

N020 G01 Z-1.25 F3.5 (bắt đầu khoan lỗ đầu tiên, tốc độ ăn dao 3.5 inch/phút)

N025 G00 Z.1 (Thoát dao nhanh khỏi lỗ)

N030 X2. (chạy dao nhanh tới lỗ thứ 2)

N035 G01 Z-1.25 (ăn dao lỗ thứ 2)

N040 G00 Z.1 M09 (thoát dao nhanh khỏi lỗ thứ 2, tắt dung dịch)

N045 G91 G28 Z0 (Quay lại vị trí tham chiếu của hướng Z)

N050 M30 (Kết thúc chương trình)

Nếu biết một số thuật ngữ tiếng Anh cơ khí hoặc gia công cắt gọt, bạn dễ dàng phát hiện các ký hiệu thường là chữ cái đầu của từ tương ứng: T (tool), S (spindle), F (feed rate) v.v.

Có hai địa chỉ chữ rất quan trọng là G và M. Chúng cho phép thiết lập các chức năng đặc biệt khi gia công. Chức năng chuẩn bị (G) thiết lập các chế độ. Ví dụ: G90 thiết lập chế độ tuyệt đối, còn G91 thiết lập chế độ gia tăng.

Giống như chức năng chuẩn bị, các lệnh M thiết lập một loạt các chức năng đặc biệt khác. Thông thường chúng bật/tắt chế độ nào đó, ví dụ bật/tắt dung dịch, chạy/stop trục dao v.v…

Ban đầu, việc đọc hay chuẩn bị một chương trình CNC dường như đòi hỏi phải ghi nhớ rất nhiều thứ. Thực tế, chỉ có khoảng 30-40 từ được dùng trong các chương trình CNC. Điều này cũng giống như bạn học một ngoại ngữ mới mà cả tổng cộng chỉ có 40 từ. Không quá khó phải không các bạn?

Lập trình dấu thập phân

Một số địa chỉ trong lập trình CNC làm việc với các giá trị số thực, tức là có dấu thập phân như gán tọa độ của các trục X, Y, Z, gán bán kính của cung R. tuy nhiên một số địa chỉ khác lại chỉ làm việc với số nguyên như S (tốc độ quay của trục), T (dao số mấy), N (số thứ tự của dòng lệnh), G (các lệnh chuẩn bị) và M (các lệnh phụ trợ). Bạn cần lưu ý điểm khác biệt này khi viết hay kiểm tra chương trình.

Các chức năng có thể lập trình khác

Danh sách các chức năng lập trình được rất khác nhau cho các thế hệ và thương hiệu máy gia công. Bởi vậy khi dùng máy nào bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng tài liệu kỹ thuật nhà sản xuất cung cập. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về khả năng lập trình tiêu biểu cho các máy CNC nói chung.
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
Bài #2 - Nắm vững tính năng máy – Phần I

Bài #2 - Nắm vững tính năng máy – Phần I

Nếu bạn đã từng làm việc với máy gia công cắt gọt truyền thống thì bạn cũng rõ bạn cần máy CNC thực hiện nguyên công nào cho bạn. Điểm khác so với trước kia là bạn phải đóng vai kép: vừa là người vận hành máy vừa là người lập trình. Ở Bài #2 này chúng ta sẽ tiếp cận máy CNC trong vai trò lập trình viên. Sau đó ở Bài #7, bạn sẽ quay lại với vai trò người vận hành máy.

Hiểu biết về nguyên lý gia công – chìa khóa thành công với bất kỳ máy CNC nào

Nếu bạn đã quen thuộc với máy gia công truyền thống (không CNC) thì sẽ không khó để bạn học sao cho máy CNC thực hiện những gì bạn muốn, tức là học lập trình, và dĩ nhiên là trong giới hạn mà máy có thể thực hiện được. Thực tế đã cho thấy những ai đã đứng máy thường cũng làm lập trình CNC tốt nhất, bên cạnh việc gá lắp và vận hành máy.

Lấy ví dụ, người mới học trung tâm tiện CNC đã phải biết thế nào là tiện thô và tiện tinh, doa thô và doa tinh, tiện rãnh, tiện ren và tiện vai. Hơn nữa, vì trung tâm gia công có thể thực hiện nhiều nguyên công trong một chương trình, bạn cũng phải nắm được cách chuyển tiếp để thực hiện toàn bộ quá trình.

Nói cách khác chương trình CNC chỉ là công cụ làm mạnh thêm tính năng của máy gia công, và để sử dụng chúng có hiệu quả, bạn vẫn phải có hiểu biết về kết cấu máy cũng như nguyên lý cắt gọt. điều hết sức thuận lợi là giờ đây không chỉ công cụ ngày càng tốt hơn, mà bạn còn có sự hỗ trợ kỹ thuật, thông tin không chỉ của các nhà cung cấp máy mà cả phần mềm CAD/CAM, dao cụ v.v…

Từ góc độ lập trình, khi tiếp cận bất cứ máy CNC nào, bạn cần tập trung vào bốn điểm chính yếu: 1 – các phần cấu thành chính của máy; 2 – bạn phải nhớ nằm lòng các hướng (trục) chuyển động của máy; 3 – bạn phải nắm chắc các thiết bị phụ trợ gắn với máy chính và 4 – bạn phải biết những tính năng lập trình được của máy và cách thực hiện chúng.

Hiểu biết tính năng máy

Để làm việc với máy CNC bạn không cần phải là nhà thiết kế máy nhưng bạn lại cần biết máy được kết cấu như thế nào. Có như vậy bạn mới hiểu được khả năng và giới hạn của máy. Điều này cũng giống như tay đua ô tô cần biết những cơ bản về giảm xóc, phanh, hoạt động của động cơ… để phát huy tối đa sức mạnh của xe đua,

Bạn phải ghi nhớ những tính năng kỹ thuật sau đây của máy CNC mà bạn đang lập trình cho chúng:

1. Tốc độ quay tối đa của trục chính v/phút (RPM – Recycle Per Minitue )?

2. Trục chính có mấy dải (bậc) tốc độ và giới hạn của mỗi dải?

3. Công suất mô tơ trục chính và các trục chạy dao?

4. Khoảng gia công cực đại theo mỗi hướng?

5. Máy có thể làm việc được với bao nhiêu dao?

6. Kết cấu băng máy (dạng vuông, dạng mộng và/hoặc bi (bạc đạn) đũa)

7. Tốc độ chạy bàn nhanh?

8. Tốc độ cắt tối đa (fastest cutting feed rate)?

Trên đây là những câu hỏi bạn cần tự hỏi mình mỗi khi làm việc với máy CNC mới. ngoài ra thì càng biết rõ về kết cấu và tính năng máy, bạn sẽ càng vững tâm hơn khi lập trình cho nó.

Hướng (trục) chuyển động

Bạn cần biết những hướng (trục) chuyển động nào có thể lập trình được trên máy CNC. Trục chuyển động được ký hiệu bằng các chữ cái và có thể khác nhau trên các máy. Tuy vậy vẫn có một số quy ước chung, ví dụ X, Y, Z, U, V và W cho các chuyển động thẳng và A, B, C cho các trục quay. Bạn cần xem kỹ tài liệu đi kèm theo máy để chắc chắn không có lầm lẫn nào với ký hiệu cũng như hướng +, - của các trục.

Chúng ta đã có một ví dụ chương trình gia công trong Bài #1 . bây giờ chẳng hạn nếu có lệnh X3.5 có nghĩa là chương trình yêu cầu máy chạy trục X tới tọa độ 3.5 đơn vị đo (mm hoặc inch), giả thiết chúng ta đang làm việc ở chế độ tuyệt đối, hoặc chạy trục X thêm 3.5 đơn vị đo, nếu chúng ta đang làm việc ở chế độ gia tăng.

Chuyển động quay cũng cần ký hiệu trục và góc quay (tính bằng độ). Ví dụ nếu đang ở chế độ tuyệt đối thì lệnh B45 sẽ quay quanh trục Y tới vị trí góc 45 0 tính từ điểm 0 của chương trình.

Điểm tham chiếu cho các trục

Hầu hết các máy CNC sử dụng một vị trí xuất phát hay tham chiếu (reference) chung cho các trục. Trong tiếng Anh vị trí này có nhiều tên gọi khác nhau: zero return position, grid zero position, home position. Dù gọi bằng cách nào đi nữa thì vị trí tham chiếu này phải được xác định rất chính xác. Thông thường mỗi khi bật máy, bàn máy sẽ tự động chạy về vị trí cơ sở này và sau đó bộ điều khiển sẽ đồng bộ lại các chuẩn với chuẩn tham chiếu của máy.

Các hệ thống phụ trợ cho máy

Bên cạnh các thành phần chính mà máy CNC nào cũng có, các hãng sản xuất có thể thực hiện các yêu cầu riêng biệt theo đặt hàng như băng tải phoi, bàn xoay NC, hệ thống làm mát bổ sung, hệ thống tự động đo bù dao, thay bàn máy tự động v.v… Các thiết bị hỗ trợ này cần được mô tả đầy đủ trong catalogue của nhà sản xuất máy hoặc của bên thứ ba (nhà sản xuất phụ độc lập)

Các chức năng lập trình được khác

Khi lập trình gia công bạn cũng cần biết những chức năng nào của máy CNC lập trình được và lệnh nào thực hiện nó. Ở những máy CNC rẻ tiền, có nhiều chức năng phải kích hoạt bằng tay qua bộ điều khiển. Còn với các máy CNC cao cấp hầu như toàn bộ các chức năng của máy có thể thực hiện qua chương trình gia công. Người vận hành máy chỉ việc gá phôi và cuối cùng là lấy chi tiết đã gia công xong ra khỏi máy. Một khi chương trình gia công đã chạy, người vận hành có thể chuyển sang làm việc khác.

Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, bạn cần đối chiếu tài liệu đi theo máy để chắc chắn các lệnh điều khiển máy giống hay có dị biệt với các lệnh bạn đã biết. Dưới đây chúng ta sẽ biết thêm một số chức năng và lệnh thường gặp nhất.

Điều khiển trục chính. Ký hiệu “ S ” được dùng để xác định vòng quay của trục chính với đơn vị là vòng/phút (RPM – Recycle Per Minitute ). Lệnh M03 điều khiển trục quay cùng chiều kim đồng hồ, còn M04 – quay ngược chiều kim đồng hồ; M05 dừng quay. Với máy tiện, nhiều khi cần sử dụng chức năng điều chỉnh vòng quay sao cho vận tốc dài không đổi. Khi đó tốc độ trục chính được đo bằng m/phút (MPM) hoặc fit mặt/phút ( surface feet per minute – SFPM)

Thay dao tự động (Trung tâm gia công). Ký hiệu T kèm theo số chỉ cho máy biết dao ở hộc số mấy được dùng. Hầu hết các máy sử dụng lệnh M06 để thực hiện lệnh thay dao.

Thay dao tự động (Trung tâm tiện). Ký hiệu T kèm theo 4 chữ số để xác định dao tiện. hai chữ số đầu xác định trạm dao và hai số cuối xác định hộc dao trên trạm đó. Ví dụ dao T0101 chỉ dao số 1 ở trạm số 1

Điều khiển tưới dung dịch. Lệnh M07 phun dung dịch dạng sương, M08 tưới tràn; còn M09 ngừng phun.

Thay bàn tự động. Lệnh M60 thường dùng cho việc thay bàn máy tự động.
Các lưu ý khác

Nhà sản xuất máy công cụ, mỗi khi ra đời máy thế hệ mới, thường có xu hướng thêm vào các chức năng mới. Danh sách các tính năng lập trình được của máy vì vậy ngày càng dài hơn và khác biệt tùy theo hãng sản xuất. Bạn cần xem kỹ danh mục các chức năng M trong tài liệu kèm theo để biết những chức năng mới có thể lập trình được đó.
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
Bài #3 - Các dạng chuyển động CNC

Bài #3 - Các dạng chuyển động CNC

Trong Bài #1, chúng ta đã xem các lệnh dịch chuyển trục tới vị trí nào đó trong hệ tọa độ X-Y. Tuy vậy chúng ta mới quan tâm tới việc máy CNC xác định vị trí điểm đến (end point) của mỗi chuyển động. Trên thực tế, để máy CNC hoạt động hiệu quả, chúng ta cần biết nhiều thứ hơn là chỉ có tọa độ đích.

Các nhà sản xuất bộ điều khiển CNC cố gắng làm cho các lệnh chuyển động trong chương trình được thực hiện dễ dàng. Để thực hiện những lệnh chuyển động thường gặp nhất, họ xây dựng các phương pháp nội suy (interpolation) khác nhau

Khái niệm nội suy

Giả sử bạn muốn thực hiện lệnh chạy dao chỉ theo một trục, ví dụ theo trục X từ điểm gốc sang phải 10mm. Lệnh cần dùng là X10 (giả thiết đang làm việc với hệ tọa độ tuyệt đối). Với lệnh này đầu dao sẽ chuyển động chính xác theo đường thẳng vì chỉ có một trục chuyển động).

Bây giờ bạn muốn đưa vào cả chuyển động theo chiều Y một khoảng 10mm, đồng thời với chuyển động theo trục Y nói ở trên. Để điều khiển dao chạy đúng theo đường thẳng tới điểm lập trình, ta phải đồng bộ được hai chuyển động theo trục X và Y. bên cạnh đó, cũng phải thông số tốc độ ăn dao (chạy bàn). Đây là ví dụ nội suy đơn giản nhất: nội suy đường thẳng (tuyến tính).



<!--[if !vml]--><!--[endif]-->
Hình 1. Chuyển động thực sinh ra trong nội suy tuyến tính. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một loạt các dịch chuyển rất nhỏ theo mỗi trục (zigzag). Kích thước bước chính là độ phân giải của máy, thông thường là 0.001mm hay 0.0001 inch.

Trong lệnh nội suy tuyến tính, đường thẳng thực tế bao gồm nhất nhiều zigzag rất nhỏ theo hai trục X, Y gộp lại… Với độ phân giải và độ chính xác của các máy CNC ngày nay, kết quả nhận được giống như máy đã thực hiện chuyển động theo đường thẳng tuyệt đối. Tuy vậy, Hình 1 cho thấy quỹ đạo thực mà bộ điều khiển CNC làm khi nội suy tuyến tính.

Hình 1. Chuyển động thực sinh ra trong nội suy tuyến tính. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một loạt các dịch chuyển rất nhỏ theo mỗi trục (zigzag). Kích thước bước chính là độ phân giải của máy, thông thường là 0.001mm hay 0.0001 inch.

Theo cách tương tự, nhiều ứng dụng của máy CNC cần thực hiện các chuyển động tròn, như vê (bo) tròn đầu của trục khi tiện hay phay cung tròn trên trung tâm gia công. Phép nội suy ở đây sẽ là nội suy cung tròn. Giống như với nội suy tuyến tính, bộ điều khiển sẽ sinh ra quỹ đạo gồm rất nhiều đoạn thẳng gấp khúc bám sát nhất với cung tròn lý thuyết. Hình 2 cho chúng ta thấy ví dụ của nội suy cung tròn.

Figure 2. Ví dụ nội suy cung tròn. <!--[if !supportLineBreakNewLine]--> <!--[endif]-->

Một số ứng dụng khác còn đòi hỏi phép nội suy thứ ba. Chẳng hạn, rất nhiều trường hợp các trung tâm gia công cần phay ren. Khi đó máy phải thực hiện chuyển động tròn theo hai trục, thông thường là X, Y và đồng thời với chúng là chuyển động thẳng theo trục thứ ba (thông thường là Z). Tổ hợp của chuyển động theo cả 3 trục như vậy tạo rãnh xoắn của ren. Chúng ta hình dung giống như đường xoắn trôn ốc, nhưng đường kính xoắn không thay đổi. để đáp ứng nhu cầu này, các nhà cung cấp bộ điều khiển CNC đưa ra tính năng nội suy xoắn (helical interpolation)

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->
Figure 2. Ví dụ nội suy cung tròn. <!--[if !supportLineBreakNewLine]--> <!--[endif]-->

Một dạng nội suy nữa cần cho trung tâm tiện có dao “sống”, tức là dao có thể quay được (giống như phay) trên ụ dao và có trục C quay phôi kẹp trong chấu. Nội suy trong tọa độ cực có thể được dùng để phay các hình bao quanh chu vi của phôi. Nội suy tọa độ cực cho phép người lập trình “trải phẳng” (khai triển) trục quay, xử lý chúng giống như trục thẳng để tiến hành các lệnh chuyển động.

Ba dạng chuyển động cơ bản nhất

Mặc dù các máy CNC, nhất là các máy thế hệ mới, có thể có thêm những dạng chuyển động khác nữa, 3 dạng chuyển động trên là phổ biến nhất và về nguyên tắc, đủ để lập trình gia công bất cứ biên dạng hình học nào (nhiều phần mềm CAM thậm chí chỉ dùng 2 chuyển động: nội suy tuyến tính và cung tròn để sinh tất cả các chương trình gia công)

Chúng ta cần lưu ý hai điểm chung cho các lệnh chuyển động. Thứ nhất, chúng làm việc theo chế độ lưu, có nghĩa lệnh chỉ cần viết 1 lần và sẽ có hiệu lực cho tất cả các dữ liệu tọa độ tiếp theo, cho tới khi nó bị thay (một lệnh khác xuất hiện). Thứ hai, chỉ cần đưa vào lệnh tọa độ điểm cuối, còn tọa độ điểm đầu chính là vị trí hiện thời của máy (tức là điểm cuối của lệnh trước nó).

Chạy nhanh (hay còn gọi là định vị)

Hầu như tất cả các máy CNC đều dùng lệnh G00 (hoặc G0) để thực hiện chạy nhanh. Trong lệnh phải có tọa độ đích của chuyển động.

Với lệnh này chuyển động tuyến tính của bàn (hoặc đầu dao) sẽ đạt giá trị tối đa có thể có của máy. Chúng được dùng để giảm thiểu thời gian chạy không tải (không cắt) trong quá trình gia công. Các ví dụ của chuyển động nhanh như định vị dao vào và ra khỏi vị trí cắt, chạy tránh đồ kẹp và các chướng ngại khác hay nói chung, các chuyển động không tải trong chương trình.

Các máy CNC hiện đại có thể đạt tốc độ chạy nhanh rất cao, ví dụ có máy tới 250m/ph! Vì vậy khi vận hành máy cần hết sức cẩn trọng và kiểm tra kỹ lưỡng các lệnh nhanh. Nếu không sự cố cũng chẳng khác gì bạn lái xe đâm vào xe khác vậy. Rất may là các bộ điều khiển CNC đều có chức năng giành kiểm soát lệnh này (làm chậm lại) giúp chúng ta kiểm tra chương trình dễ dàng hơn.

Chuyển động thẳng

Lệnh G01 (hoặc G1) được dùng để xác định tốc độ cắt (ăn dao hay chạy bàn) theo đường thẳng (feed rate). Trên trung tâm gia công tốc độ cắt (lưu ý phân biệt với vận tốc cắt là vận tốc dài của mũi dao so với phôi) được đo bằng mm/phút (mm/min) hoặc inch/phút (in/min, IPM). Với trung tâm tiện, tốc độ cắt còn được đo bằng mm/vòng hay inch/vòng (mm/rev, in/rev)

Chuyển động tròn

Hai lệnh G được dùng cho chuyển động tròn. G02 chỉ chuyển động tròn thuận chiều kim đồng hồ (TCKĐH) và G03 thực hiện chuyển động tròn ngược chiệu kim đồng hồ (NCKĐH). Trong dòng lệnh này, giá trị đi sau R chỉ bán kính cung tròn

Thay vì dùng ký hiệu bán kính R, trên một số bộ điều khiển CNC cũ, các véc tơ hướng (ký hiệu bới I, J, K) cho biết vị trí tâm của cung tròn. Bởi vậy bạn cũng cần kiểm tra các tài liệu hướng dẫn đi cùng máy để biết mình làm việc với hệ thống nào.

Ví dụ chương trình với 3 dạng chuyển động

Trong chương trình này chúng ta sẽ phay chung quanh biên dạng của phôi. Lưu ý dao được dùng là dao phay mặt đầu đường kinh 1” và để đơn giản, đường chạy dao được lập trình cho điểm tâm dao (ở Bài 4, chúng ta sẽ có chương trình cắt biên dạng thực, chứ không phải đường tâm).

O0002 (Số của chương trình)

N005 G54 G90 S350 M03 (Chọn hệ tọa độ -- ở đây là hệ inch, chọn chế độ tọa độ tuyệt đối, khởi động trục chính TCKĐH ở 350 RPM)

N010 G00 X-.625 Y-.25 (Chạy nhanh tới điểm 1)

N015 G43 H01 Z-.25 (Đặt bù chiều cao dao, chạy dao nhanh tới gần mặt gia công)

N020 G01 X5.25 F3.5 (Cắt theo đường thẳng tởi điểm 2)

N025 G03 X6.25 Y.75 R1.0 (Cắt theo cung tròn NCKĐH tới điểm3)

N030 G01 Y3.25 (Cắt theo đường thẳng tởi điểm 4)

N035 G03 X5.25 Y4.25 R1.0 (Cắt theo cung tròn NCKĐH tới điểm 5)

N040 G01 X.75 (Cắt theo đường thẳng tởi điểm 6)

N045 G03 X-.25 Y3.25 R1.0 (Cắt theo cung tròn NCKĐH tới điểm 7)

N050 G01 Y.75 (Cắt theo đường thẳng tởi điểm 8)

N055 G03 X.75 Y-.25 R1.0 (Cắt theo cung tròn NCKĐH tới điểm 9)

N060 G00 Z.1 (Nhấc dao nhanh khỏi phôi theo chiều Z)

N065 G91 G28 Z0 (Chạy nhanh tới điểm tham chiếu của máy theo chiều Z)

N070 M30 (Kết thúc chương trình)

Trước mắt, chưa cần bạn hiểu hết ý nghĩa các lệnh khác trong chương trình này mà chỉ cần tập trung vào các lệnh chuyển động (G00, G01, and G02/G03). Trong quá trình tìm hiểu tiếp theo bạn sẽ dần nắm bắt các lệnh chưa biết đó. Còn ở đây, các chú thích trong ngoặc sẽ giải nghĩa cho từng câu lệnh.

Cần luôn ghi nhớ rằng các bộ điều khiển CNC – hầu hết giống nhau ở các lệnh cơ bản – nhưng đều có những điểm khác biệt. Chẳng hạn, có bộ điều khiển hạn chế cung tròn tối đa trong một câu lệnh là bao nhiêu. Một số bộ điều khiển, như đã nói ở trên, lại yêu cầu đưa vào véc tơ hướng thay vì thông số R. một số lại tích hợp với lệnh bo góc hoặc chém cạnh, nhờ đó giảm được số dòng lệnh trong chương trình. Vì vậy bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng tài liệu đi theo máy để nắm cho chắc, tránh để xảy ra sự cố mà có hối cũng không kịp nữa rồi.

http://www.viettech-corp.com
 
vậy anh có phần mềm nào về CNC hoặc PLC của Fanuc,Mitsubishi.Giới thiệu cho anh em tham khảo luôn đi.Thanks
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
Giới thiệu xong, chắc ngón tay mình to bằng Quả Chuối mất. ;D
 
Điều khiển chuyển động – Trái tim của CNC



Như hình trên thì máy của bác là mấy trục vậy?( table có thể xoay được)
 
Điều khiển chuyển động – Trái tim của CNC



Như hình trên thì máy của bác là mấy trục vậy?( table có thể xoay được)
Không hiểu bạn nhìn đâu ra cái "thây bồ" có thể quay được. Bạn chú ý, bàn máy ở trong hình chỉ có thể chuyển động tịnh tiến dọc theo trục vít me chứ ko phải quay quanh trục vít me nhé.
 
Không hiểu bạn nhìn đâu ra cái "thây bồ" có thể quay được. Bạn chú ý, bàn máy ở trong hình chỉ có thể chuyển động tịnh tiến dọc theo trục vít me chứ ko phải quay quanh trục vít me nhé.
__________________

Mình viết thiếu. Nếu cái table co thể quay được thì máy đó được gọi là mấy trục.
 

lddung

Chuyên gia cao cấp
Không hiểu bạn nhìn đâu ra cái "thây bồ" có thể quay được. Bạn chú ý, bàn máy ở trong hình chỉ có thể chuyển động tịnh tiến dọc theo trục vít me chứ ko phải quay quanh trục vít me nhé.
__________________

Mình viết thiếu. Nếu cái table co thể quay được thì máy đó được gọi là mấy trục.
Máy như hình vẽ có lẽ là máy 3 trục,nếu bàn máy mà xoay được thì cộng thêm cho nó 1 trục xoay nữa là xong!:3:
 
N

ngocphuongvinhlong

Author
Ðề: Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

Mong thầy viết tiếp những bài tiếp theo cho trò được học hỏi ah. Cổ vũ thầy rất nhiều ạ!!!!:36:
 
K

karmangialai

Author
Ðề: Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

Típ đi bác, em đang mù tịt CNC đây, toàn là học lóm của bọn Hàn, nó chẳng chịu chỉ cho em ^^. đọc tài liệu của bác làm em hiểu nhìu hơn ^^. Thanks bác.
 
T

thanhsonck1

Author
Ðề: Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

vui lòng cho mình những bài tiếp theo đc ko ?mình rất cần thiết.cảm ơn nhiều nhé :26:
 

lddung

Chuyên gia cao cấp
Ðề: Bài #1 - Đại cương và cơ sở về CNC

nếu muốn đọc tiếp các bài thì anh em có thể vào trang nguồn gốc của những bài giảng này mà bác LND đã trích dẫn http://www.viettech-corp.com/
 
Lượt thích: umy
Top