Bí quyết thành công trong quản lý công ty

Author
Mau-bien-ban-cuoc-hop_0904150923.jpg
Cấm làm thêm giờ, số giờ làm ít nhất trong các công ty ở Nhật, lược bỏ những quy định về liên lạc, báo cáo, thảo luận, cấp trên không có quyền áp đặt việc làm đối với cấp dưới, 5 năm một lần toàn bộ nhân viên công ty cùng gia đình được đi du lịch nước ngoài miễn phí, nhân viên nữ được nghỉ hưu sản tối đa 3 năm, tuổi hưu được kéo dài tới 70 tuổi ,… là những điều đặc biệt được thực hiện trong công ty Mirai Kogyo (nằm ở tỉnh Gifu, Nhật Bản). Đó cũng chính là bí quyết thành công trong quản lý nhân viên của giám đốc công ty, ông Akio Yamada (82 tuổi): “làm cho nhân viên hạnh phúc”.

Cấm làm thêm giờ
Giám đốc Akio Yamada.
Nguồn: nissay-mirai.jp
Công ty quy định công việc bắt buộc phải hoàn thành trong giờ hành chính, nhân viên có muốn làm thêm cũng không được. Tại một đất nước mà việc làm thêm giờ là điều hiển nhiên ở hầu hết các công ty thì đây quả là một điều đặc biệt. Lí do đơn giản mà giám đốc Yamada đưa ra là vì “một ngày chỉ có 24 giờ”. Nếu thử nghĩ tới một nhân viên sáng ngủ dậy từ 7 giờ, 8 giờ bắt đầu làm việc, tối về đến nhà là 19 giờ, nếu tính một ngày ngủ 8 tiếng, thì thời gian còn lại chỉ là 4 tiếng. Trong 4 tiếng đấy nếu lại phải ở lại công ty làm thêm nữa thì cuộc sống của nhân viên chỉ là đi làm, ăn, ngủ, chẳng khác gì một cỗ máy. Ông không muốn nhân viên mình sống một cuộc sống như thế, ông muốn họ đi làm về còn có thời gian đi đón con, ăn cơm với gia đình, làm những thú vui cho bản thân, tận hưởng cuộc sống vui vẻ bên ngoài công việc. Có như thế, nhân viên mới hạnh phúc.

Quả thực, nói về hiệu quả của quy tắc này, nếu như ở những công ty cho phép làm thêm giờ khác, nhân viên ỷ lại có giờ tăng ca mà làm việc tà tà, nếu không xong việc thì đăng kí làm thêm rồi nhận thêm lương, còn ở Mirai Kogyo, vì không được làm ngoài giờ nên nhân viên cố gắng hoàn thành công việc trong thời gian cho phép, hiệu suất làm việc tăng cao. Có nhân viên còn tâm sự, nhiều khi mình làm xong việc rồi mà thấy đồng nghiệp sắp hết giờ làm mà còn túi bụi việc chưa xong, lại tới giúp đỡ, thành ra tự nhiên mọi người trong công ty lại gắn bó với nhau hơn.

Mirai Kogyo là công ty đầu tiên ở tỉnh Gifu thực hiện chế độ nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, vào dịp nghỉ lễ Obon tháng tám, công ty nghỉ 10 ngày, Tết dương nghỉ 20 ngày, tuần lễ vàng tháng năm cũng nghỉ trọn cả tuần, một năm tổng cộng nghỉ 140 ngày. Một ngày công ty làm việc 7 tiếng 15 phút, từ 8 giờ 30 phút đến 16 giờ 45 phút, một năm số giờ làm việc là 1640 giờ, được coi là công ty có số giờ làm việc ngắn nhất Nhật Bản.

Lược bỏ những quy đinh về liên lạc, báo cáo, thảo luận
Nếu như ở hầu hết các công ty, việc liên lạc, báo cáo, thảo luận với cấp trên được coi quy định mà tất cả mọi người đương nhiên phải tuân theo, thì ở Mirai Kogyo, việc đó hoàn toàn không cần thiết. Mỗi nhân viên có quyền tự suy nghĩ, tự lập kế hoạch, tự thực hiện mà không cần phải thảo luận, liên lạc hay báo cáo với cấp trên. Và cấp trên cũng không có quyền ra lệnh, bắp ép cấp dưới phải làm theo ý mình. Cấp dưới vì không có chỉ đạo của cấp trên nên làm việc gì cũng phải tự suy nghĩ, tự hành động. Ví dụ như nhân viên muốn đi công tác, không cần phải thông qua phép của cấp trên, thậm chí không cần phải báo cáo, chỉ cần liên lạc với bên tài vụ xin cấp phí để đi công tác là được.

Theo như cách suy nghĩ của giám đốc Yamada, ở các công ty lớn có nhiều nhân viên thì việc liên lạc, báo cáo, thảo luận là cần thiết, còn đối với một công ty vừa và nhỏ như Mirai Kogyo thì việc đó chỉ tốn thời gian. Ông cho rằng cấp trên ngồi nơi xa công việc làm sao hiểu rõ bằng người nhân viên trực tiếp làm việc, nên nhân viên cần gì phải báo cáo với cấp trên xem mình làm như thế có được không.

Ngoài việc không cần phải báo cáo, liên lạc với cấp trên, nhân viên trong công ty còn có những tự do khác như không nhất thiết phải mặc đồng phục, ngay cả đối với công nhân làm ở công trường. Khi đi công tác cũng không cần lấy hóa đơn khách sạn vẫn nhận được phí trọ. Công ty cho tùy ý nếu muốn ở khách sạn sang, đắt hơn phí cho phép thì tự bỏ thêm tiền, hoặc ngủ ở nhà người quen rồi nhận tiền trọ khách sạn đều được. Nhân viên được tạo điều kiện thoải mái nhất để làm việc.

Gửi thư góp ý được tiền
Một điều đặc biệt nhất được giới báo chí Nhật chú ý ở Mirai Kogyo là việc gửi thư góp ý được tiền. Mỗi lá thư góp ý, người gửi được nhận 500 yen. Với những góp ý hay, được thưởng tối đa là 30 nghìn yen.

Giám đốc Yamada với khẩu hiệu “Luôn luôn suy nghĩ”. Nguồn: matome.naver.jp
Khẩu hiệu được đề ra trong công ty là “luôn luôn suy nghĩ”. Quả thực vậy, việc gửi thư góp ý được tiền này được thực hiện với mục đích làm cho tất cả nhân viên phải luôn biết suy nghĩ làm thế nào để làm công việc tốt hơn, làm thế nào để công ty phát triển hơn, và đề xướng thực hiện. Đương nhiên, vì cứ gửi góp ý, không kể là ý tốt hay không vẫn nhận được tiền, nên sẽ xuất hiện những đối tượng “tích cực” đóng góp ý kiến chỉ để nhận thêm một khoản tiền tiêu vặt. Tuy nhiên, nói về hiệu quả của việc góp ý được tiền này, giám đốc Yamada cho biết đã có rất nhiều ý kiến hay, xuất sắc đóng góp cho công ty, có trường hợp quả thực thời gian đầu gửi rất nhiều ý kiến như chỉ để nhận tiền, nhưng càng về sau lại càng đưa nhiều ý kiến hay, người đấy là đã bắt đầu biết suy nghĩ.​

Tổ chức du lịch nước ngoài cho toàn bộ nhân viên
Cứ 5 năm một lần, công ty lại tổ chức một chuyến du lịch nước ngoài cho toàn bộ nhân viên trong công ty cùng gia đình. Tổng kinh phí cho cả chuyến đi là 100 triệu yen. Trong chuyến đi sẽ có 50 câu đố được đưa ra. Người trả lời đúng hết toàn bộ 50 câu sẽ được thưởng nửa năm nghỉ nhận lương. Năm 2011, công ty dự định đi du lịch Ai Cập, nhưng do tình hình chính trị bất ổn, chuyến đi bị hủy và toàn bộ số tiền 100 triệu yen được gửi tới vùng Tohoku bị thiên tai.

Để có thể hào phóng chi một khoản tiền lớn như vậy, giám đốc Yamada phải lập những quy tắc về tiết kiệm một cách triệt để trong công ty. Chẳng hạn như, bóng điện ngoài hành lang khi không có người thì luôn được tắt, mỗi nhân viên khi rời khỏi bàn của mình phải có nhiệm vụ tắt đèn bàn, cả một tầng chỉ có một máy photo,… Ngoài ra, ông còn giảm chi tiêu bằng cách không thành lập phòng nhân sự, không thuê bảo vệ. Nói về lí do, ví dụ như về việc không thuê bảo vệ, ông giải thích một năm tính phải trả lương cho một người bảo vệ là 7 triệu yen, thì nếu thiệt hại về mất mát quá 7 triệu yen thì ông mới thuê bảo vệ. Về việc không thành lập phòng nhân sự cũng vậy, nếu việc tuyển nhân viên mới được giao phó cho các bộ phận tự tiến hành thì công ty đã tiết kiệm được một khoản khá lớn thay vì trả lương cho nhân viên.

Thực hiện giảm chi tiêu triệt để như vậy nhưng quan điểm về tiết kiệm của giám đốc lại hoàn toàn khác. Ông cho rằng phần tiết kiệm được cần phải chia cho nhân viên. Giảm nhiều chi tiêu rồi tổ chức một chuyến đi du lịch nước ngoài cho toàn công ty, làm cho nhân viên vui rồi sẽ cố gắng làm việc thì đó cũng đâu phải chi tiêu vô ích.

Giám đốc Akio Yamada được một tờ báo của Hàn Quốc vinh danh bầu chọn là một trong những doanh nhân Nhật Bản được giới kinh doanh Hàn Quốc chú ý nhất năm 2011, cùng với các tên tuổi nổi tiếng khác như nhà sáng lập Panasonic, nhà sáng lập Kyosera, giám đốc công ty Uniqlo. Mỗi năm ông được mời đến khoảng 120 buổi giảng dạy, và có khoảng 5000 người tới công ty ông tham quan. Ông nổi tiếng không chỉ vì là một nhà lãnh đạo giỏi mà còn là con người dám thực hiện những điều mà người khác không dám làm. Trong một buổi giảng dạy của ông, có người phát biểu rằng “Những điều đặc biệt trong Mirai Kogyo thật đáng khâm phục, những điều mà công ty tôi khó có thể làm được”. Ông Yamada đã đáp lại rằng “Những điều đặc biệt ở công ty tôi không phải quá khó mà không làm được, chẳng qua là có dám làm hay không thôi”.


Nguồn: “日本一社員がしあわせな会社の「へん」なきまり” Akio Yamada, 2011
 

Attachments

Lượt thích: dql
Top