BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

  • Thread starter Liễu Ngân Đình
  • Ngày mở chủ đề
L

Liễu Ngân Đình

Author
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
(Trích)

* Điều 95:

1 - Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cho người lao động. Người lao động phải tuân thủ các qui định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và nội qui lao động của doanh nghiệp. Mọi tổ chức cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.

2 - Chính phủ lập chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của Nhà nước; đầu tư nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ, thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, qui trình, qui phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

3 - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia với Chính phủ trong việc xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.


* Điều 96:

1 - Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh theo qui định của pháp luật.

Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

2 - Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được đăng ký và kiểm định theo quy định của Chính phủ.


* Điều 97:

Người sử dụng lao động phải đảm bảo nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, ánh sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường.


* Điều 98:

1 - Người sử dụng lao động phải định kỳ kiểm tra, tu sửa máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2 - Người sử dụng lao động phải có đầy đủ các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị trong doanh nghiệp; nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại trong doanh nghiệp, phải bố trí đề phòng sự cố, có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đặt ở nơi mà mọi người dễ thấy, dễ đọc.


* Điều 99:

1 - Trong trường hợp nơi làm việc, máy, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hoặc phải ra lệnh ngừng hoạt động tại nơi làm việc và đối với máy, thiết bị đó cho tới khi nguy cơ đó được khắc phục.

2 - Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình và phải báo cáo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc nếu nguy cơ đó chưa được khắc phục.


* Điều 100:

Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, đễ gây tai nạn lao động phải được người sử dụng lao động trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế và trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động.


* Điều 101:

Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân

Người sử dụng lao động phải bảo đảm các phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng và qui cách theo qui định của pháp luật.


* Điều 102:

Khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khoẻ qui định cho từng loại việc, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những qui định, biện pháp an toàn- vệ sinh lao động và những khả năng tai nạn cần đề phòng trong công việc của từng người lao động.

Người lao động phải được khám sức khoẻ khi tuyển dụng và được khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ qui định. Chi phí khám sức khoẻ cho người lao động do người sử dụng lao động chịu.


* Điều 103:

Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức chăm lo sức khoẻ cho người lao động và phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động khi cần thiết.


* Điều 104:

Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật, hưởng chế độ ưu đãi về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo qui định của pháp luật.

Người làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng, khi hết giờ làm việc phải được người sử dụng lao động bảo đảm các biện pháp khử trùng, khử độc, vệ sinh cá nhân.


* Điều 105:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động.

Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo qui định của pháp luật.


* Điều 106:

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi đã tham khảo ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động.

Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khoẻ riêng biệt.


* Điều 107:

1. Người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa lao động.

2. Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức qui định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động, thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).


* Điều 108:

Tất cả các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo qui định của pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
Các câu hỏi về An toàn và Vệ sinh Lao động
Tin đưa ngày: 23/12/2006
Hỏi: Mức tiền phạt đối với những hành vi vi phạm những quy định về an toàn lao động được quy định như thế nào
Trả lời:
Mức một:
- Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Người lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động quy định tại khoản 1, điều 95 của Bộ luật Lao động;
2. Người lao động không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động mà người sử dụng lao động đã trang bị.

Mức hai:
- Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Vi phạm các quy định về tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những khả năng tai nạn lao động cần đề phòng được quy định tại điều 102 của Bộ luật Lao động;
2. Không thực hiện những quy định về giải quyết, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa quy định tại khoản 1, điều 107 của Bộ luật Lao động;

Mức ba:
- Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Vi phạm những quy định về trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; bồi dưỡng hiện vật cho những người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định tại điều 101 và điều 104 của Bộ luật Lao động;
2. Không thanh toán các khoản chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 2, điều 107 của Bộ luật Lao động;
3. Vi phạm các quy định về trợ cấp, bồi thường cho người lao động khi họ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 107 Bộ luật Lao động;
4. Không phải khai báo khi tai nạn lao động xảy ra, không thống kê báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điều 108 của Bộ luật Lao động;
5. Không định kỳ kiểm tra, tu sữa máy, thiết bị nhà xưởng, kho hàng theo quy định tại khoản 1, điều 98 của Bộ luật Lao động;

Mức bốn:
- Phạt tiền 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Không có các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị; không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động ở những nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại điều 98 của Bộ luật Lao động;
2. Vi phạm những quy định về trang bị phương tiện kỹ thuật,y tế và trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động ở những nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, dễ gây tai nạn lao động được quy định tại điều 100 của Bộ luật Lao động;

Mức năm:
- Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động, trong việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, tàng trữ, vận chuyển đối với các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, theo danh mục do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành;
2. Che dấu hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại điều 108 của Bộ luật Lao động;

Mức sáu:
- Phạt tiền 10.000.000 lao động đối với một trong các hành vi sau đây:
1. Không có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động khi xây dựng mới, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành;
2. Vi phạm các quy định về khai báo; đăng ký và xin cấp giấy phép đối với các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành;
3. Người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn lao động nghiêm trọng được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.

Hỏi: Những biện pháp chủ yếu để đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 96, Điều 97, Điều 98 BLLĐ quy định những biện pháp nhằm bảo vệ người lao động. Ngay từ việc xây dựng mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng bảo quản lưu giữ và tàng trữ các loại vật chất kỹ thuật có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có luận chứng về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh theo quy định của pháp luật. Trong luận chứng phải có những nội dung chính sau đây:

• Địa điểm quy mô khoảng cách từ công trình, cơ sở đến khu dân cư và các công trình khác.

• Những yếu tố nguy hiểm, có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động; các giải pháp phòng ngừa xử lý luận chứng phải được cơ quan thanh tra nhà nước về an toàn lao động vệ sinh lao động phối hợp với các cơ quan hữu quan chấp thuận.

• Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản vận chuyển các loại máy móc, thiết bị vật tư, năng lượng, điện, hóa chất, thuốc trừ sâu diệt cỏ, diệt chuột, việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.

• Các loại máy thiết bị vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được khai báo đăng ký và xin cấp giấy phép với cơ quan thanh tra nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Việc thực hiện tiêu chuẩn an toàn lao động vệ sinh lao động được quy định:

• Tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động là tiêu chuẩn quy phạm bắt buộc thực hiện. Căn cứ vào tiêu chuẩn quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động của Nhà nước, của ngành ban hành, người sử dụng lao động phải xây dựng quy trình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho từng loại máy, thiết bị, vật tư và nội quy an toàn, vệ sinh nơi làm việc đối với các loại máy móc thiết bị.

• Việc nhập khẩu các loại máy thiết bị vật tư các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được Bộ Thương Mại cho phép sau khi trao đổi và được sự nhất trí của cơ quan Thanh Tra Nhà Nước về an toàn lao động hoặc vệ sinh lao động.

Các nơi làm việc phải đạt tiêu chuẩn về an toàn lao động vệ sinh lao động, đạt tiêu chuẩn cho phép về các yếu tố gây mệt mỏi, gây nguy hiểm cho sức khỏe tính mạng của người lao động và được định kỳ kiểm tra đo lường để đề phòng lâu ngày có thể vượt quá tiêu chuẩn cho phép dễ gây tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Hỏi: Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì đối với người lao động bị tai nạn lao động?
Trả lời:
Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế và tiền lương từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động, cụ thể : tiền khám, chữa trị, tiền viện phí bồi dưỡng bệnh lý (nếu có).

Tiền lương trả trong thời gian chữa trị được tính theo mức tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng trước khi bị tai nạn lao động.

Sau khi điều trị ổn định thương tật người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp cho người bị tai nạn lao động và được tổ chức Bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của Bộ Y tế. (NĐ 12 CP ngày 26/01/1995). (TT 06 LĐTBXH ngày 04/04/1995)


CDIVietnam
 
Top