Đồ gá tiện chép hình tiết diện

Author
Tiện chép hình tiết diện để tiện ra vật không tròn xoay.
Gọi thế để phân biệt với tiện chép hình đường sinh. Tiện chép hình đường sinh gia công vật tròn xoay nhưng đường sinh, hoặc là thẳng nhưng không song song với đường tâm máy, hoặc là không thẳng.

Hình 1 là đồ gá để tiện lỗ 6 cạnh.



Lắp lên trục chính máy tiện có mâm 1 với mẫu để chép hình 2 và gá kẹp chấu bóp 3 để kẹp vật tiện 5 bằng đai ốc 4.
Phần kia của gá lắp lên ổ dao 9 của máy tiện. Khi mâm 1 quay, con lăn 14 bám theo biên dạng của mẫu 2 làm thanh 13 lắc quanh ổ trên đai ốc 12. Theo đó bu lông 8 cùng con trượt 7 và dao 6 di chuyển hướng kính, tiện ra tiết diện ứng với biên dạng của mẫu 2.
Lò xo 10 ép con lăn 14 vào vào biên dạng của mẫu 2. Dùng vít 11 di chuyển đai ốc 12 cùng tâm ổ quay của thanh 13 khi cần điều chỉnh để tiện tiết diện khác dựa trên cùng một biên dạng của mẫu 2.
Khi chỉnh gá, con lăn 14 phải tiếp xúc với mẫu 2 và dao 6 tiếp xúc với mặt lỗ gia công. Với đồ gá này có thể tiện lỗ 6 cạnh với kích thước giác từ 6 đến 50 mm và chiều sâu lỗ đến 90 mm.

Hình 2 là đồ gá tương tự cho trong một tài liệu khác với ghi chú là có thể tiện lỗ vuông cạnh từ 9,8 đến 45,5 mm, lỗ 6 cạnh với cạnh từ 13,8 đến 74,4 mm.



Con lăn dò 2 tiếp xúc với mẫu 1 ở điểm thấp nhất của biên dạng của mẫu 1. Quay vô lăng 5 đưa dao 6 đến tiếp xúc với mặt lỗ. Mở máy và cho chạy dao tự động. Tốc độ quay của mẫu 1 và chi tiết tiện không lớn, từ 45 đến 60 vòng/phút. Con lăn 2 tiếp xúc liên tục với biên dạng mẫu 1 nhờ lò xo 3, truyền sự thay đổi của biên dạng mẫu đến dao 6 qua thanh 4 và ổ dao 7.
Để nâng cao độ chính xác, mẫu được chế tạo lớn hơn vật tiện hàng chục lần.
Dùng dao là dao tiện lỗ đầu cong.
Lượng chạy dao từ 0,1 đến 0,2 mm/vòng.
Tuy nhiên kết cấu của trục con lăn 2 nối với thanh 4 không được thể hiện rõ.

Tiện hình nhiều cạnh bằng chép hình là phương pháp đơn giản nhất đối với chi tiết không cần độ chính xác cao.
Theo nguyên tắc trên cũng có thể làm đồ gá chép hình để tiện ngoài.

Bàn thêm:

1. Cách thiết kế biên dạng của mẫu 2 cho đồ gá hình 1 (xem hình a, b).
Giả sử cần tìm biên dạng mẫu để tiện hình 6 cạnh có giác là S1.
Gọi khoảng cách giữa tâm con lăn và tâm ổ quay thanh 13 là a1.
Gọi khoảng cách giữa tâm ổ quay thanh 13 và đường tâm bu lông 8 là b1.
Theo hình b có
m1/d1 = a1/b1 (*)
m1 = (a1/b1)d1
Trong đó
d1 là lượng thay đổi hướng tâm của biên dạng cần tiện.
m1 là lượng thay đổi hướng tâm của biên dạng mẫu tương ứng.
m1 lấy về tâm do đòn bẩy 13 đảo hướng.
Cho φ từng giá trị sẽ có từng cặp giá trị d1, m1 tương ứng và vẽ được các điểm M. Nối các điểm M sẽ được quỹ đạo tâm con lăn dò (đường đỏ). Đường offset của quỹ đạo này ra ngoài một khoảng bằng bán kính con lăn sẽ là biên dạng của mẫu cần tìm.



2. Cách điều chỉnh đồ gá để tiện hình 6 cạnh có giác là S2 một khi đã có mẫu để tiện hình 6 cạnh S1 với vị trí ổ quay thanh 13 là a1, b1.

Tại φ bất kỳ có d1 và d2 tương ứng.
d1/d2 = S1/S2
d1 = d2(S1/S2)
thay d1 trong (*) có
(m1/d2)(S2/S1) = a1/b1
m1/d2 = (a1/b1)(S1/S2)
m1/d2 = a2/b2
Suy ra
a2/b2 = (a1/b1)(S1/S2)
Từ đó điều chỉnh vị trí ổ quay thanh 13 để đạt a2 và b2 là tiện ra được hình 6 cạnh giác S2.

3. Góc cắt gọt của dao
Trong đồ gá này, khi tiện vùng đỉnh của đa giác, để cho mặt sau của dao không tì vào vật tiện hoặc góc trước không bị âm thì phải vát góc dao rất nhiều. Ví dụ để bảo đảm hai điều này, khi tiện điểm B của hình 6 cạnh, vừa thuộc cạnh AB vừa thuộc cạnh BC (hình c), góc còn lại của dao (góc sắc) phải là 30 độ, còn trường hợp hình vuông là 0 độ! Không rõ lúc đó phải mài dao ra sao.
Có lẽ muốn tiện ra lỗ vuông như đã nói ở đồ gá 2 thì đỉnh hình vuông phải lượn tròn khá nhiều để khỏi tiện phần bất lợi nhất.
Đã có tài liệu nêu giải pháp quay dao tự động theo từng điểm cắt gọt trên tiết diện để đạt yêu cầu về góc cắt gọt. Chắc là khá phiền phức.
 
Last edited:
Top