Giới thiệu về các phần mềm Product Data Management - PDM

Author
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng phần mềm CAD/CAM vào sản xuất đã được nhiều doanh nghiệp triển khai và đem lại nhiều hiệu quả to lớn. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của mình, các doanh nghiệp cũng dần phải đối mặt với một vấn đề đang âm thầm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất,kinh doanh. Đó chính là những khó khăn trong việc quản lí khối lượng dữ liệu ngày càng lớn. Việc lưu trữ và quản lí dữ liệu không khoa học sẽ dẫn đến tình trạng mất thời gian để tìm lại dữ liệu cũ, xóa nhầm hoặc ghi đè lên dữ liệu quan trọng ... Theo khảo sát của tổ chức Gartner Research, việc quản lí dữ liệu thủ công thường chiếm từ 40% đến 60% thời gian làm việc của một nhân viên. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu suất công việc và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp cần tìm cho mình một giải pháp quản dữ liệu thật sự hiệu quả …



1. Giới thiệu
Product Data Management – PDM là một dạng phần mềm chuyên dùng để quản lí dữ liệu tạo ra từ các phần mềm CAD/CAM. Khi mới ra đời nó chỉ có một vài tính năng đơn giản dùng trong việc quản lí bảng kê vật liệu (BOM) của các thiết kế 2D. Khi công nghệ thiết kế 3D dần dần thay thế công nghệ thiết kế 2D, các phần mềm PDM cũng được phát triển và ngày càng hoàn thiện, cung cấp cho người dùng những tính năng cao cấp để quản lí và chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn. Ngày nay, nó là sự lựa chọn tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các phần mềm quản lí dòng đời sản phẩm Product Lifecycle Management - PLM có quá nhiều tính năng phức tạp và quá đắt.


Bảng 1 : Một số phần mềm PDM phổ biến

2. Tính năng

Các phần mềm PDM của những hãng khác nhau thường khác nhau về giao diện nhưng nhìn chung chúng đều có những tính năng sau đây :

  • Quản lí dữ liệu. Đây là tính năng cơ bản của phần mềm PDM. Nó cung cấp cho người dùng thông tin đầy đủ nhất về một tập tin đã có như tập tin được thiết kế khi nào, ai thiết kế, được dùng ở đâu, bao nhiêu lần. Nếu tập tin có sự thay đổi, nó sẽ tự động cập nhật phiên bản mới nhất đồng thời ghi nhận lại do ai thay đổi và luôn tạo ra một bản sao để người dùng có thể truy xuất ngược lại khi cần thiết. Ngoài ra một số phần mềm PDM còn cung cấp thêm chức năng quản lí tập tin thiết kế bằng các phần mềm CAD khác hay in ấn hàng loạt bản vẽ.

  • Thiết kế đồng thời. Để mở một tập tin được quản lí bằng phần mềm PDM, nhân viên phải check out nó và sau khi hoàn tất công việc, nhân viên trả tập tin lại cơ sở dữ liệu bằng cách check in. Bằng việc yêu cầu check out/check in khi truy xuất dữ liệu, phần mềm PDM cho phép công việc thiết kế diễn ra đồng thời mà vẫn bảo đảm dữ liệu không bị ghi chồng lên nhau. Cụ thể, khi một nhân viên check out một tập tin nào đó thì các nhân viên khác chỉ có thể xem mà không thể thiết kế hay chỉnh sửa tập tin đó được.

  • Tìm kiếm nâng cao. Ngày nay 85% thiết kế mới được phát triển từ những thiết kế đã có. Do đó, mọi phần PDM đều được trang bị những tính năng tìm kiếm nâng cao để người dùng có thể nhanh chóng tìm lại những dữ liệu thiết kế trước đó. Ví dụ, phần mềm SolidWorks Enterprise PDM có thể tìm một tập tin theo thông tin metadata, theo đặc tính hình học, khối lượng, vật liệu của thiết kế thậm chí là theo những yêu cầu cụ thể do người dùng đặt ra.

  • Phân quyền truy cập dữ liệu. Mỗi người dùng khi truy cập vào cơ sở dữ liệu của phần mềm PDM đều được cấp quyền xem, hiệu chỉnh hay xóa tập tin tùy theo vai trò của người đó trong công việc. Tính năng này giúp mở rộng khả năng tương tác và làm việc theo nhóm trong khi vẫn bảo đảm tính an toàn cho các dữ liệu được truy xuất.


3. Lợi ích

  • Giải phóng nhân viên khỏi công việc quản lí dữ liệu để có thể tập trung toàn bộ thời gian vào việc thiết kế, phát triển sản phẩm

  • Hỗ trợ làm việc theo nhóm, phân chia công việc để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường

  • Tăng tốc thiết kế và báo giá nhanh cho khách khàng trên cơ sở sử dụng lại những thiết kế đã có

  • Kiểm soát tốt tình trạng vật tư, thành phẩm để chủ động trong việc thu mua nguyên liệu và phân phối sản phẩm

  • Tạo ra một cổng thông tin điện tử để chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong công ty hoặc với khách hàng ở khắp mọi nơi
4. Yêu cầu

Một phần mềm PDM tốt phải hội đủ những yếu tố sau đây :

  • Dễ dùng, thời gian huấn luyện nhanh và quản trị dễ dàng. Đây là yêu cầu cơ bản vì đối tượng sử dụng những phần mềm này là các nhân viên thiết kế chứ không phải các nhân viên chuyên về công nghệ thông tin.

  • Có khả năng mở rộng và kết nối với phần mềm PLM. Chức năng của phần mềm PDM chỉ là một modul của phần mềm Product Lifecycle Management do đó một phần mềm PDM tốt phải là một phần mềm có khả năng mở rộng và liên kết với những phần mềm PLM để các doanh nghiệp có thể dễ dàng nâng cấp khi qui mô doanh nghiệp được mở rộng trong tương lai

  • Không (hoặc hạn chế) yêu cầu phần cứng mới và không đòi hỏi nhiều chi phí, nhân lực của bộ phận IT. Yếu tố này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư và sử dụng phần mềm PDM.
5. Lựa chọn phần mềm PDM phù hợp

Việc đầu tư phần mềm PDM mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng cũng đồng thời đặt doanh nghiệp vào một bài toán lớn về mặt chi phí. Do đó, để đạt được tỉ lệ lệ hiệu năng/chi phí tốt nhất khi đầu tư một phần mềm PDM, các doanh nghiệp nên xem xét cẩn thận một số yếu tố sau đây :

  • Phần mềm CAD đang sử dụng. Đây là yếu tố đầu tiên được xem xét đến khi lựa chọn một phần mềm PDM vì mặc dù các phần mềm PDM đều có thể quản lí dữ liệu thiết kế từ nhiều phần mềm khác nhau nhưng nó sẽ phát huy tối đa sức mạnh khi làm việc với dữ liệu từ phần mềm CAD tương ứng với nó.

  • Qui mô của doanh nghiệp. Như đã trình bày ở trên, các phần mềm PDM có rất nhiều tính năng và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có nhu cầu dùng hết tất cả những tính năng này. Chính vì vậy, các nhà phát triển phần mềm PDM thường chia tính năng ra dạng các modul và doanh nghiệp chỉ cần chọn mua những modul cần thiết để tận dụng triệt để phần mềm và tiết kiệm chi phí. Do đó,trước khi đầu tư phần mềm PDM, các doanh nghiệp nên xem xét các yếu tố như số lượng máy tính dùng trong thiết kế, mức độ quản lí và chia sẻ dữ liệu, yêu cầu về mặc tùy biến và khả năng mở rộng qui mô trong tương lai … để có quyết định tối ưu nhất

  • Sự hỗ trợ của công ty bán phần mềm. Yếu tố này không kém phần quan trọng vì lựa chọn được công ty bán phần mềm uy tín sẽ giúp doanh nghiệp có được sự tư vấn kỹ lưỡng trước khi mua phần mềm, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sử dụng và nếu có những lỗi phát sinh, các công ty bán phần mềm sẽ là trung gian để liên hệ với hãng phát triển phần mềm để cập nhật những bản vá lỗi, bảo đảm công việc của doanh nghiệp không bị gián đoạn.
Tham khảo

Hoàng Khương

(Bản tin NEPTECH số 28 tháng 11/2011)

 
Last edited:
Top