Hệ số ma sát ảnh hưởng thế nào đến mối ghép bu lông?

Tieubu

Chuyên gia cao cấp
Author
Hi, Tieubu lập topic này để mọi người tham gia thảo luận về vấn đề tưởng như đơn giản nhất trong ngành cơ khí nhưng để làm tốt, để mối ghép đảm bảo chất lượng thì Tieubu nghĩ cũng không hề đơn giản.

Theo thống kê thì phần lớn các lỗi là
1. Bu lông tự tháo
2. Bu lông bị phá hủy do mỏi
3. Bị phá hủy ở ngay trong lúc xiết
Phần nhỏ còn lại gồm các nguyên nhân khác như
4. Bu lông bị phá hủy do ăn mòn
5. Phá hủy chậm (phá hủy ở trạng thái bu lông chịu ứng lực tĩnh sau một thời gian dài sử dụng)
6. Phá hủy chưa rõ nguyên nhân (chiếm phần rất nhỏ).

Hệ số ma sát có liên quan gì đến các lỗi của mối ghép bu lông?

Nguyên lý của mối ghép bu lông là lợi dụng lực trượt nhỏ trên mặt nghiêng để tạo ra lực dọc trục lớn ghép chặt các chi tiết lại với nhau (chắc người phát minh ra bu lông học lóm cách của người Ai cập xây kim tự tháp :D )



Nguyên lý của mối ghép bu lông là lợi dụng lực trượt nhỏ trên mặt nghiêng để tạo ra lực dọc trục lớn ghép chặt các chi tiết lại với nhau (chắc người phát minh ra bu lông học lóm cách của người Ai cập xây kim tự tháp :D )

Lực dọc trục và mô men khi xiết bu lông được tính theo công thức
F = 2T/(d・μs/cosα + P/π + dw・μw)
Trong đó: F: Lực dọc trục (lực căng bu lông)
T: Mô men xiết bu lông
d: Đường kính hữu hiệu của bu lông
μs: hệ số ma sát giữa bu lông và đai ốc
μw: hệ số ma sát giữa bề mặt tiếp xúc bu lông với chi tiết ghép.
P: bước ren
π: số pi
α: 1/2 góc đỉnh ren
dw: hệ số đường kính mặt tiếp xúc bu lông.
dw = 2(do3 - dh3)/3(do2 - dh2)
do, dh: đường kính mặt tiếp xúc của bu lông, đường kính lỗ lắp bu lông
do3,dh3 : lũy thừa 3
do2, dh2: lũy thừa 2
Trong công thức trên, các thông số liên quan đến hình dáng bu lông là không đổi (d,α,P,dw)
Do đó, với cùng lực xiết bu lông, khi hệ số ma sát tăng thì lực dọc trục giảm.

Ví dụ:
Bu lông M10, bước ren P= 1.5 -> đường kính hữu hiệu d= 10 - 0.6495P =9.02575 mm
do = 16.27 (bu lông lục giác chìm)
dh = 10.8 (lỗ lắp bu lông)
-> dw = 13.719
cosα = 0.866 (α=60độ)
Lực xiết bu lông T: 40N.m

Khi hệ số ma sát μs,μw = 0.2 -> lực dọc trục F = 15.077KN
Khi hệ số ma sát μs,μw = 0.1 -> lực dọc trục F = 27.664KN



Ví dụ trên cho thấy khi hệ số ma sát thay đổi thì lực dọc trục thay đổi rất lớn, để đảm bảo lực kẹp hay lực dọc trục thì người thiết kế khi chọn bu lông cần phải xác định được một cách tương đối hệ số ma sát của mối ghép bu lông.

Trường hợp xác định hệ số ma sát bị sai lệch (do chọn nhầm bu lông) thì chuyện gì sẽ sảy ra?
Nếu hệ số ma sát thực tế lớn hơn hệ số ma sát thiết kế max thì khi bu lông được xiết với lực xiết lớn nhất sẽ không đảm bảo được lực dọc trục yêu cầu. -> Sảy ra hiện tượng tự tháo. (F thực tế 1)
Nếu hệ số ma sát thực thế nhỏ hơn hệ số ma sát thiết kế min thì khi bu lông được xiết với lực xiết lớn nhất sẽ vượt quá lực dọc trục yêu cầu -> phá hủy bu lông (F thực tế 2)



Do đó có thể thấy phần lớn các lỗi sảy ra trong mối ghép bu lông có liên quan đến hệ số ma sát.

Vậy chúng ta đã có nhà sản xuất bu lông nào cung cấp tương đối chính xác hệ số ma sát cho người sử dụng chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì cũng có thể nói chúng ta chưa thể sản xuất được bu lông theo đúng ý nghĩa của nó. Các đơn vi thiết kế (cụ thể là các kỹ sư) khi sử dụng mối ghép bu lông có tính đến hệ số ma sát này chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì... hàng VN chưa thể gọi là "chất lượng cao" được. Máy móc thiết bị sau một thời gian ngắn sử dụng sẽ không ổn định, rung lắc, phát sinh tiếng ồn v.v...
 
C

cdt_bk

Ðề: Hệ số ma sát ảnh hưởng thế nào đến mối ghép bu lông?

Xin chào bạn :
Thực sự thì vấn đề ma sát trong mối ghép bulong hay vít,vít cấy chỉ là một phần nhỏ trong các chỉ tiêu tính toán thiết kế bulong. Trong mối ghép bulong có thể chia làm 2 loại: Bulong ghép lỏng ( ghép có khe hở) và bulong ghép không có khe hở.
Bulong ghép có khe hở: Chịu chủ yếu các lực: Lực xiết chặt, momen trên ren, lực theo phương vuôg góc vơi bulong.Khi xiết bulong cần tạo ra 1 lực ma sát giữ các bulong không trượt khi chịu lực tác dụng bên ngoài. Do đó khi tính toán mối ghép loại lỏng để đảm bảo yêu cầu kĩ thuật thì người kĩ sư chỉ phải tính toán đường kính bulong do các hệ số mất, hệ số an toàn , ứng suất kéo cho phép ......... đều đã biết.
Bulong ghép không khe hở: Loại này chỉ tiêu tính toán không liên quan đến ma sat. Do loại này chịu ứng suất cắt và ứng suất dập.
Do đó mà bulong sẽ bị những loại hỏng:Bulong bị kéo đứt tại chân ren hoặc đầu sát đầu bulong.
Ren bị hỏng do dập, mòn, bị cắt đứt, uốn
Đầu bulong bị dập ,cắt , uốn
Đó là những gì mình được biết và được học. Mong mọi người đóng góp thêm để giúp mình hiểu biết thêm.
Chúc mọi người 1 ngày nghỉ vui vẻ.
 
L

LDANH

Ðề: Hệ số ma sát ảnh hưởng thế nào đến mối ghép bu lông?

Bạn Tieubu thân mến! bài viết của bạn rất hay, nhưng trong công thức tính lực xiết của bạn đưa ra, mình không thấy có yếu tố xét đến sức bền vật liệu, vậy công thức này phải xét cho bu lông có độ bền ở điều kiện tiêu chuẩn nào để từ đó suy ra các hệ số cho mỗi loại vật liệu làm bu lông (1.1;1.2;0.9;0.8...). Chúng ta đã biết: Bu lông - đai ốc là những chi tiết đã được tiêu chuẩn hóa trên toàn thế giới, và khi lựa chọn bu lông đai ốc cho các mối ghép ren thông thường người ta chỉ quan tâm đến cấp bền và đường kính bu lông, trong môi trường hóa chất, ăn mòn thì xét thêm yếu tố chống ăn mòn (mạ Crom, làm bằng thép không gỉ...). Lực xiết bu lông cũng được tra theo cấp bền của vật liệu và đường kính bu lông. khi làm việc trong môi trường rung động lớn dễ có khả năng nới lỏng bu lông như là: các đầm rung, các sàng rung, các máy búa, máy rung ép...vv thì thường dùng bu lông có ren bước nhỏ để tăng tính tự hãm hoặc các biện pháp chống trôi bằng vòng đệm răng, đệm vênh, khóa lẫn, hay bôi các loại keo loctite. Bu lông đã đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chỉ cần tra theo cấp bền và đường kính phù hợp với yêu cầu sử dụng, nhà cung cấp có uy tín, là mua về dùng ok. Đối với bu lông tự chế hoặc bu lông trôi nổi trong nước thì phải tính dư bền so với thiết kế đã chọn và phải xem xét kỹ, nhất là đối với những công trình, máy móc quan trọng. Khi chọn bu lông cần xét đến điều kiện mối ghép như bạn cdt_bk đã nêu.
Mình thấy là "Bu lông học" không đơn giản chút nào, các bạn tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này
 

Tieubu

Chuyên gia cao cấp
Author
Ðề: Hệ số ma sát ảnh hưởng thế nào đến mối ghép bu lông?

Do đó khi tính toán mối ghép loại lỏng để đảm bảo yêu cầu kĩ thuật thì người kĩ sư chỉ phải tính toán đường kính bulong do các hệ số mất(hệ số ma sát?), hệ số an toàn , ứng suất kéo cho phép ......... đều đã biết.
Do đó mà bulong sẽ bị những loại hỏng:Bulong bị kéo đứt tại chân ren hoặc đầu sát đầu bulong.
Ren bị hỏng do dập, mòn, bị cắt đứt, uốn
Đầu bulong bị dập ,cắt , uốn
Hi,
Tại sao mình nói người thiết kế nên biết về nó? Ảnh hưởng của nó thì mình đã nói ở trên, có 2 ảnh hưởng lớn đến mối ghép bu lông là hiện tượng tự tháo và phá hủy bu lông do lực dọc trục quá lớn trong trường hợp hệ số ma sát nhỏ. (Là loại hỏng bạn nêu ở trên mà nguyên nhân là do lực xiết quá lớn gây ra kéo đứt ren hoặc đứt đầu bu lông)
Hệ số ma sát đều đã biết do nhà sản xuất bu lông cung cấp? -> Dù rằng nhà sản xuất cung cấp cho mình thì vẫn cần phải kiểm nghiệm lại xem thông số họ đưa ra có đúng hay không? có phù hợp với điều kiện ứng dụng của mình hay không? Giả sử khi có sự cố sảy ra bạn có thể trả lời "Tôi sử dụng thông số do nhà sản xuất A cung cấp để thiết kế, thắc mắc thì đi hỏi nhà sản xuất A" được không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Một ví dụ điển hình là người ta sử dụng vít me bi thay cho vít me thường để nâng cao "hiệu suất", theo mình hiểu cái hiệu suất chung chung đó chính là hệ số ma sát của vít me bi 0.002~0.004, còn vít me thường hệ số ma sát thường trong khoảng 0.15~0.30.

nhưng trong công thức tính lực xiết của bạn đưa ra, mình không thấy có yếu tố xét đến sức bền vật liệu, vậy công thức này phải xét cho bu lông có độ bền ở điều kiện tiêu chuẩn nào để từ đó suy ra các hệ số cho mỗi loại vật liệu làm bu lông (1.1;1.2;0.9;0.8...).
Bạn nói đúng công thức ở trên không liên quan đến sức bền của bu lông vì nó chỉ là liên hệ giữa lực xiết bu lông với lực dọc trục được sinh ra. Ứng với lực xiết là x thì phát sinh ra lực dọc trục y để kẹp giữ chặt chi tiết. Yếu tố vật liệu chỉ xét đến là ma sát của vật liệu với nhau.
Để xác định độ bền của bu lông thì có topic đã nói đến vấn đề đó, mình sẽ tìm đường link sau.
-------------------
Cách xác định hệ số ma sát của mối ghép bu lông:
(giữa bu lông và đai ốc, giữa bề mặt bu lông và chi tiết ghép)



Với thiết bị đo như trên có thể xác định được hệ số ma sát giữa bu lông với đai ốc và hệ số ma sát giữa bề mặt của bu lông với chi tiết ghép.
Nutrunner xiết bu lông với lực xiết đã được thiết đặt, đồng hồ đo lực xiết phía trên kiểm nghiệm lại lực thực tế đã xiết và được sử dụng để tính toán
Đồng hồ đo lực xiết và lực dọc trục bên dưới hiển thị giá trị lực xiết và lực dọc trục
Từ đó có thể tính toán hệ số ma sát của bu lông với đai ốc: F = 2Ts/(d・μs/cosα + P/π)
Hệ số ma sát của bề mặt bu lông với chi tiết ghép:
Tw= T-Ts
F = 2Tw/(dw・μw)
Ts: trị số lực xiết của đồng hồ đo bên dưới (lực xiết tác động lên đai ốc)
T: Trị số lực xiết của đồng hồ đo bên trên
F: Trị số lực dọc trục của đồng hồ đo.
Tw: Lực xiết tác động lên bề mặt mối ghép

Hình ảnh thiết bị
 
Last edited:
Top