Hiện trạng ngành Đúc của các tỉnh phía bắc

Author
Chào mọi người.

Mình đang tổng hợp về hiện trạng ngành Đúc Việt Nam. Riêng các tỉnh phía nam thì mình nắm được, còn các tỉnh phía bắc thì vẫn chưa có nguồn tham khảo.

Bạn nào có tài liệu hay ý kiến gì về hiện trạng ngành Đúc của các tỉnh phía bắc thì cho mình biết với nhé.

Trân trọng cảm ơn trước.

P/s: Đây là hiện trạng ngành đúc ở các tỉnh phía nam (thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phụ cận) - trích từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở "Khảo sát đánh giá trình độ công nghệ đúc hiện tại và đề xuất định hướng phát triển công nghệ đúc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận".

-
Hiện trạng của sản xuất đúc ở thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, thể hiện qua thiết bị và công nghệ đa phần lạc hậu, các sản phẩm làm ra thuộc trình độ trung bình. Các công nghệ đúc chính xác, đúc các vật liệu có mác còn ít. Đúc chi tiết bằng thép, nhất là thép hợp kim chưa đạt yêu cầu về thành phần và tổ chức. Mức độ phế phẩm còn ở mức cao.

-
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đã qua đào tạo còn thấp và có xu hướng già hóa. Các nguồn nhân lực nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ kỹ thuật đều không có.

-
Không có các Viện, Trung tâm nghiên cứu để phát triển về khoa học và công nghệ của ngành. Điều này làm hạn chế rất lớn việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là các công nghệ mới.

-
Điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và thu nhập người lao động trong ngành đúc rất thấp. Vì vậy, rất khó khuyến khích thanh niên học nghề đúc.

-
Giá nguyên liệu tăng nhanh trong thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của ngành. Các nguồn phế liệu trong nước dần cạn kiệt. Các hợp kim trung gian đều phải nhập khẩu.
 
L

Liễu Ngân Đình

  • Làng nghề - Sự phồn thịnh đánh đổi bằng độc hại
    [FONT=&quot]
    [/FONT]


Làng nghềhôm nay đã biến hàng vạn nông dân thành tỷ phú, biến chốn thôn quê thành khucông nghiệp sôi động. Nhưng sự phồn thịnh đó đang phải đánh đổi với những hiểmhọa môi trường khôn lường, sức khỏe người dân đang ngày đêm bị khói bụi độc hại"gặm nhấm"...
Hằng năm,Đa Hội (xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) cung cấp cho thị trường cả nướckhoảng 200.000 tấn phôi đúc, 150.000 tấn thép cán, 1.000 tấn đinh và 8.000 tấnlưới, dây thép các loại. Làng Đa Hội có tới gần 200 doanh nghiệp và gần 1.000cơ sở, hộ sản xuất khác có quy mô tương đương doanh nghiệp.
Với mứctăng trưởng mạnh mẽ những năm qua, hiện nay Đa Hội có tới hàng trăm tỷ phú.Nhiều doanh nghiệp phát triển quy mô lớn đã mở rộng cơ sở vào tận TP.HCM, ĐồngNai, Bình Dương... thậm chí sang cả Lào.
Thế nhưng,làng nghề càng phát triển, ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng.
Tại cụmcông nghiệp làng nghề Đa Hội- mô hình đầu tiên của hàng vạn làng nghề trong cảnước- nơi này đúng nghĩa với cả hai từ "công nghiệp" và "làngnghề". Hàng chục xe tải to lớn kềnh càng gầm rú ra vào. Nối tiếp nhau lànhững công xưởng đồ sộ chất đầy những thanh phôi thép, những thanh thép chữ U,chữ V, thép ống, thép xoắn... đến đinh, ốc... Tất cả đều luộm thuộm, lờ nhờ vàtối sẫm. Nhiều hơn cả là những đống phế liệu sắt thép vụn với đủ loại lò xo,hộp, thùng, cọc, máy móc cũ, vỏ kim loại...
Lò đúcthép của Đa Hội được đắp bằng đất chịu lửa hoặc những lò trung tần vỏ kim loại,cao ngang mặt người, đường kính hơn 1m. Khi cắm điện, lò cháy rực và hàng tấnsắt phế thải được đưa vào đốt với hàng ngàn độ nóng. Mùi tạp chất bốc lên xoáyvào tận đáy phổi, ngột ngạt như bị bịt mũi. Khói xông vào mắt như muốn móc conngươi ra ngoài. Đầu óc choáng váng. Những người chưa quen ngửi thì không thểchịu đựng được...
Xã ChâuKhê có con sông Ngũ Huyện Khê. Xưa kia sông quanh năm êm đềm chảy, giờ đây lànơi chứa đựng toàn bộ lượng nước thải của làng nghề. Theo tính toán của Sở Tàinguyên- Môi trường tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày Đa Hội xả khoảng 15.000m3 nước thảira sông. Tuy nước thải chỉ làm mát và vệ sinh lò xưởng nhưng các cơ quan khoahọc cũng đo được những thông số đáng ngại: nước có hàm lượng chất rắn lơ lửng,các ion kim loại sắt, đồng, crôm, nitơ lớn hơn tiêu chuẩn cho phép, điển hìnhlà hàm lượng sắt vượt 93 lần, kẽm vượt 4,7 lần.
Nước mặt,nước ngầm khu vực làng nghề bị "biến chất". Trong khi hàm lượng cácchất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn từ 1-3 lần, dầu mỡ trong nước sông vượt1,3-2,7 lần thì hàm lượng ôxy hòa tan- chỉ số của sự sống trong nước- tại cốngthải chung của làng thấp hơn tiêu chuẩn cho phép tới năm lần. Mẫu trầm tích đáysông Ngũ Huyện Khê còn có hàm lượng đồng vượt tiêu chuẩn 1.008 lần. Nước ngầmkhu vực làng nghề đều có độ màu vượt giá trị tối đa 2,8 lần và nồng độ sắt vượt1,92 lần cho phép...
Kiểm tramẫu không khí tại làng nghề nung vôi ở Kiện Khê, Hà Nam, kết quả lượng bụi caogấp tám lần mức cho phép. Khí NO2 ở làng nghề gạch Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam caogấp 1.500 lần mức cho phép. Ở các làng nghề gốm sứ, gạch ngói Bình Dương, ThanhHóa, Hưng Yên, Quảng Nam... cũng đều bụi bẩn gấp năm lần trở lên. Đặc biệt, tạicác làng nghề tái chế kim loại, ngoài các loại khí ô nhiễm do đốt nhiên liệuthì hơi axit, kiềm, ôxít kim loại và khí nóng còn nguy hại gấp nhiều lần. Làngnghề đúc đồng Phước Kiều có hàm lượng bụi lên đến 12mg/m3, gấp 40 lần tiêuchuẩn cho phép.
Tại cáclàng nghề chế biến nông sản thực phẩm, không khí bị ô nhiễm không chỉ vì sửdụng nhiên liệu mà còn có sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ trong nước thải,chất thải rắn. Có lẽ không có làng nghề nào đến nay còn có thể giữ được sựtrong sạch môi trường nước.
Tại làngnghề làm giấy Phong Khê (Bắc Ninh), ai vào cũng thấy những con mương, đườngcống rãnh ngày đêm ồng ộc chảy với những thứ màu và mùi vô cùng khó tả. Nguồnthải đáng sợ này chảy thẳng xuống sông làm nguồn nước trên địa phận làng giấyđều có chỉ số các chất ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn, độ màu tương đối lớn, hàmlượng dầu mỡ vượt 2,1- 5,6 lần.
Làng nghềngành dệt nhuộm xả nước thải nguy hại hơn cả. Các loại hóa chất là xút, axit,thuốc tẩy giặt... đã biến các nguồn nước xung quanh thành những dòng nước chết.
Rất đáng quan ngại, cho đến nay chưa có nghiêncứu nào về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe người dân làng nghề vàhàng ngày, người dân làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm nặng nề.
Trần phương



Người thợ già Nguyễn Văn Là (53 tuổi) chuẩn bị các trang bị bảo hộ cho mình trước khi vào lò luyện thép.
 
Last edited by a moderator:
L

Liễu Ngân Đình

Xử lý ô nhiễm ở các làng nghề vẫn còn bỏ ngỏ


Ô nhiễm ở làng bún, miến xã Minh Khai (Hoài Đức - Hà Tây). Ảnh: KTNT (LĐĐT) - Sự phát triển của các làng nghề góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vào tổng thu nhập quốc nội, với 90% tổng giá trị sản phẩm được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu. Song sự xuống cấp của môi trường làng nghề đã ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đang là vấn đề đáng quan ngại.
Hiện cả nước có 1.450 làng nghề. Hầu hết các làng nghề đều sử dụng than củi và than đá nên gây ra ô nhiễm không khí như bụi, hơi nước, SO2, CO2, CO và NOx là hết sức phổ biến. Trong đó, các khí CO2, NOx là các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, các khí độc hại này còn được sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí các hợp chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải hữu cơ dạng rắn như H2S, NH3, CH4...
Các chất thải độc hại khó phân hủy cũng là một vấn đề môi trường nóng bỏng đặt ra cho các làng nghề, nhất là các làng nghề tái chế kim loại và dệt nhuộm, thuộc da. Kết quả phân tích chất lượng nước thải cho thấy: Hàm lượng độc hại đang ở mức đáng báo động, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Tại các làng nghề tái chế kim loại có nơi hàm lượng Pb2+ vượt tiêu chuẩn cho phép tới 4,1 lần, Cu2+- vượt quá 3,25 lần. Hàm lượng Phenol trong nước thải tại làng nghề tái chế giấy cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép 10 lần.
Tại hầu hết các làng nghề chỉ tiêu BOD, COD, SS đều lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, các chất gây ô nhiễm này không được xử lý sẽ phát sinh ra nhiều dạng khí gây ô nhiễm môi trường như CH4, H2S, NH3...
Các chất thải rắn nguy hại không được các làng nghề xử lý đến nơi đến chốn cũng đang gây ô nhiễm đất và nước. Hàng ngày làng nghề tái chế giấy Dương Ô (Bắc Ninh) thải ra 4,5- 5 tấn chất thải rắn như xỉ than, nilon, đinh, ghim; làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội) thải ra 3,5 tấn rác/ngày; làng nghề cơ khí Đa Hội (Bắc Ninh) thải ra khoảng 11 tấn/ngày gồm xỉ, sắt, kim loại vụn, than, phế liệu; làng nghề cơ khí Vân Chàng (Nam Định) thải ra 7 tấn/ngày trong đó có các chất thải chứa kim loại, xỉ than có chứa dầu mỡ khoáng. Trong khi đó, các chất thải rắn được thu gom rất thủ công, rồi đem chôn lấp đơn giản ở các bãi chôn lấp hở, thậm chí bị thải bỏ và đốt bừa bãi ngay trên các con đê làng hoặc đổ xuống dòng sông.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, cần phải xây dựng quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường, giáo dục nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề để họ nhận thức thấy cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế đem lại. Để từ đó họ thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần phải tiếp cận với những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm phòng ngừa phát sinh chất thải và biện pháp xử lý chất thải. Trong giai đoạn hiện nay, mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất của làng nghề đạt tới mức độ cao, đòi hỏi có sự can thiệt của Nhà nước về mặt thể chế, chính sách để làng nghề phát triển bền vững.
Với tình trạng như hiện nay, việc xử lý ô nhiễm môi trường vẫn còn bỏ ngỏ làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làng nghề, làm suy giảm chất lượng cuộc sống ở nông thôn.


Thông tấn xã VN



Nước thải có chứa hàm lượng dầu, rỉ sắt, hóa chất từ các xưởng sản xuất thép
được thải trực tiếp vào môi trường.


Không khí ngột ngạt khói, bụi trên những con đường làng Đa Hội do xe cơ giới cũng như khí thải từ các lò luyện thép thải ra.

Sản phẩm thép truyền thống của làng
Đa Hội đã mang lại nguồn lợi kinh tế
cao cho người dân làng quê.


Vết cháy trên cơ thể người thợ thép làng Đa Hội cho thấy sự khắc nghiệt của
nghề luyện thép thủ công.



Ảnh - Trọng Chính-
 
Last edited by a moderator:
L

Liễu Ngân Đình

Các làng nghề ở Bình Định đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhưng bên cạnh đó, các làng nghề lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, do nước thải, khí thải, chất thải rắn… ảnh hưởng đến sức khỏe của dân làng và người lao động.

Lao động làm việc trong các cơ sở nấu đúc kim loại thường xuyên tiếp xúc với khí thải độc hại.

* Thực trạng các làng nghề
Do hình thành và phát triển tự nhiên, tự phát theo nhu cầu của thị trường, các cơ sở sản xuất thường nằm ngay trong khu dân cư, tại nơi ở của các hộ gia đình nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng càng lớn. Tỷ lệ người lao động làng nghề mắc bệnh cao hơn hẳn so với người lao động thuần nông.
Trong số các làng nghề đang hoạt động ở Bình Định, gây ô nhiễm môi trường phổ biến là các cơ sở nấu đúc kim loại, chế biến tinh bột mì, rèn, làm gạch ngói, nấu rượu, làm bún, tiện gỗ, tráng bánh tráng…
Tại An Nhơn, do quy mô sản xuất của các làng nghề nấu đúc kim loại khá lớn và tập trung nên trong quá trình sản xuất, các cơ sở đã gây ô nhiễm nặng nề. Khu vực nấu đúc kim loại đã phát sinh các chất ô nhiễm chính của loại hình này là khí thải chứa bụi kim loại và các khí a-xít. Để sản xuất, các cơ sở lấy nguồn nhiên liệu đầu vào bao gồm chì từ các bình accu phế thải; nhôm, đồng, gang từ tole, vỏ bia lon, nước ngọt, các vỏ thiết bị máy móc làm bằng nhôm bị hư, thậm chí có vỏ của những quả đạn pháo hoặc các kíp nổ bằng nhôm. Đồng, gang cũng vậy từ các vật dụng, thiết bị máy bằng đồng và gang phế thải. Các phế liệu này được chủ cơ sở thu mua lại từ khắp nơi bởi những người thu gom ve chai.
Còn làng nghề sản xuất tinh bột mì thuộc xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) và xã Bình Tân (Tây Sơn) thì nước thải tinh bột mì với lưu lượng lớn và hàm lượng chất hữu cơ quá cao, khi chảy ra kênh rạch thì bốc mùi chua nồng. Độc tính của nước thải bột mì gây tác hại trực tiếp đến hệ thủy sinh vật, làm ảnh hưởng đáng kể đến đến hoạt động nuôi trồng thủy sản; gây ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm môi trường đất, làm thay đổi đặc tính đất và năng suất cây trồng.
Ở Bình Nghi (Tây Sơn), dọc quốc lộ 19, hàng loạt lò sản xuất gạch ngói nối tiếp nhau. Mỗi khi các lò cùng nhau cho nung gạch ngói thì khói đen bay nghi ngút, bao trùm cả khu vực rộng lớn…

-Nguỹen Phúc-
 
Author
Cảm ơn anh Đình. Đó là hiện trạng ở các làng nghề, còn ở Khu công nghiệp, công ty và nhà máy thì sao?
 

TAMAC

Active Member
Đọc mấy bài của anh Liễu Ngân Đình thấy buồn cho ngành đúc quá, thế thì các em SV chưa đi làm đã muốn thôi nghề mất. Theo tôi anh Đình mới đề cập đến một phần cúa đúc đó là nấu thép gù và cán thép xây dựng ở các làng nghề về phần này ở phía Bắc cũng như ở phía Nam đều có những Công ty (với vốn, thiết bị, công nghệ...) trong và ngoài nước rất mạnh tôi xin không đề cập đến mà chỉ nói về nghành đúc tạo ra chi tiết.
Ở phía Bắc ngành đúc cũng có tất cả những khó khăn như anh Võ Văn Thịnh đã đề cập tới đặc biệt là thiếu nhân lực có trình độ và say mê nghề. Duy nhất có 2 cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật đúc là ĐHBK Hà nội (kỹ sư - 5năm) và CĐ CN Thái nguyên (cử nhân - 3 năm) mà việc tuyển sinh cũng không nhiều (cũng ít người thi vào) còn các trường dạy nghề thì không có đúc. Theo tôi ở phía Bắc hiện nay có thể chia tương đối ra 4 vùng có ngành đúc tương đối mạnh: 1/ Hà Nội và xung quanh 2/ Hải Phòng 3/ Thái Nguyên 4/ Hà nam, Ninh Bình
Từng vùng có những thế mạnh riêng về mặt hàng đúc, Hà Nội với những nhà máy Cơ khí (có xưởng đúc) có truyền thống từ lâu, các Viện nghiên cứu... có khả năng thiết kế, đúc, gia công... các chi tiết phức tạp với nhiều công nghệ đúc, hợp kim khác nhau, những năm gần đây mạnh lên là những xưởng đúc của các nhà máy Cơ khí xây dựng do sự độc quyền về các sản phẩm cho các nhà máy Ximăng nên được đầu tư mạnh về trang thiết bị, sản phẩm chủ yếu là bi nghiền, tấm lót, ghi lạnh lò quay... làm khuôn trên máy hh cát - bentonit hoặc cát - nước thủy tinh, mác Cr24Ni12, Mn13, gang hợp kim... một số Công ty đầu tư mở rộng các lò điện cảm ứng từ 500kg - 3000 kg, hh làm khuôn cát Furan. đúc ống liên tục gang cầu...
Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên) có thế mạnh về nguồn nguyên liệu than, cát, phế liệu nên mạnh về hàng chi tiết gang với giá rẻ mà các nơi đều đến đặt hàng, C.ty Cơ khí Việt Nhật (thực ra chỉ có mỗi đúc) được đầu tư toàn bộ của Nhật rất mạnh về các Hộp số máy, vỏ bơm... gang, gang cầu khuôn Furan, hiện có một C.ty chuyên đúc mẫu cháy do Ucraina chuyển giao công nghệ.
Thái Nguyên là khu công nghiệp truyền thống, lại có nhiều nhà máy của quốc phòng được đầu tư mạnh để làm kinh tế hiện làm nhiều sản phẩm của ôtô, xe máy
Hà Nam, Ninh Bình có nhiều xưởng đúc tư nhân chuyên làm hàng thép cho các nhà máy Ximăng
 
A

Anhandsome

Đang hoc Đúc mà nghe bài của mấy anh viết làm em muốn nghỉ luôn. hix
Năm sau em tốt nghiệp muốn làm về Đúc ở TPHCM thì em có thể xin việc ở đâu vậy mấy anh? Hoặc ở khu vực gần TPHCM chứ đi ra miền Bắc chắc em đổi nghề quá:77:
 
L

Liễu Ngân Đình

Proban 100% cotton ca. 330g/m²
complies with EN470/1, 348, 531 (A, B2, C1, E1), 532, 533 index 3

Với bộ quần áo đơn giản thế này, các bạn đã bao giờ thấy ở VN có chưa?
Các bạn học về Đúc thì thường là những trường ĐH Danh tiếng của VN mà còn chưa thấy. Huống hồ những xưởng nhỏ, làng nghề.
Với các doanh nghiệp lớn ở VN thì những bồ quần áo dưới đây cũng còn là lạ lẫm.





Trung Quốc còn phải đầu tư quần áo chống cháy, cách nhiệt cho người lao động.
Nhưng ở VN thì ko, dù cty nhà nước cũng chỉ có một vài bộ lỗi thời gọi là mặc cho có khi đoàn kiểm tra ATLD về. Sau đó lại Trần như Nhộng.
Người ta có thể bỏ cả Triệu bạc để mua quần áo Tây phương để chưng diện. Nhưng không thể bỏ ngần ấy tiền để mua sự an toàn nghề nghiệp thông qua bộ quần áo.
Ngay cả các Trường ĐH còn không có để SV biết mà nâng cao ý thức trách nhiệm ngay khi còn đi học thì nói gì tới việc phát triển ngành nghề Đúc này?


Xin thẳng thắng, Tôi rất bi quan về ngành Đúc VN.
 
Hix mấy bộ quần áo này cháu chỉ được nhìn thấy qua một số video clip về Đúc ở trên youtube thôi. Còn thực tế ở VN có hay chưa thì cháu cũng không rõ nhưng cháu rõ một điều là người công nhân Đúc đôi khi vẫn còn cởi trần trong quá trình nung KL( đối với phạm vi nhỏ ).
 

TAMAC

Active Member
Có lẽ chúng ta lạc xa mất đề tài mà anh V V Thịnh đưa ra rồi, nhưng thôi tôi cũng phải theo nhịp với các anh vậy, việc để anh L N Đình và nhất là các bạn SV bi quan về ngành đúc VN theo tôi đáng phải suy ngẫm, việc đó có phần trách nhiệm của nhiều người trong mỗi chúng ta, nhất là các anh chị trong BQT, các điều hành viên. Thử đọc lại Box CN đúc trong thời gian qua ta thấy số lượng bài rất ít, kiến thức chuyên ngành không nhiều, sự tham gia của các chuyên gia về đúc không nhiều, anh Thịnh đã có bài về đổi mới phương hướng hoạt động được nhiều người tán thành, BQT cũng có ý kiến tham khảo để mở chuyên mục mới tôi nghĩ các anh, chị nên quan tâm đến ngành đúc vì không phải ai cũng hiểu hết về ngành này. Cách đây gần 30 năm khi bắt đầu vào ĐHBK HN tôi cũng như nhiều SV lúc đó chỉ thích học khoa Vô tuyến điện vì lúc đó TV là niềm mơ ước của mọi nhà, rồi tôi được phân học Đúc - Luyện kim, rồi ra trường được phân công công tác cũng không có lựa chọn nào cả dần dần tôi thấy yêu công việc của mình, cơ quan mình dù nhiều khi có nhiều việc không như ý muốn. Mỗi khi nhìn thấy một sản phẩm đúc mới lạ, khó đúc lại muốn tìm hiểu xem làm sao người ta lại làm được như vậy? Không phải chỉ có các làng nghề và ngành đúc là gây ô nhiễm mà cả các khu CN mới, hiện đại cũng vậy (Vedan là một VD) mà đây là sự tất yếu của bước đầu phát triển dần dần sẽ phải thay đổi nếu mỗi chúng ta biết chung sức, tôi chắc Mỹ, Nhật, Châu Âu ngày xa xưa cũng như ta bây giờ. Tôi không thấy bi quan về ngành đúc mà chỉ thấy buồn vì mọi người không hiểu hết và thông cảm cho những khó khăn của đúc mà thôi, tôi biết có nhiều người (làm ở Ngân hàng, Tin học...) còn bi quan về cả ngành Cơ khí Vn nữa cơ. Có một định kiến rằng đúc, rèn chỉ là khâu tạo phôi phục vụ cho Cơ khí, khi tôi làm KTV đúc ông QĐ xưởng nói với tôi rằng chú mày cố gắng lắm thì sau này cũng chỉ thay anh rồi về hưu mà thôi vì mình là nhà máy Cơ khí chứ không phải là nhà máy đúc, quan niệm của các sếp là mấy anh đúc thì chỉ có đất và cát mà thôi. Tuy nhiên tôi lại thấy nhiều đơn vị có các sếp rất am hiểu và quan tâm đến đúc, những nơi như vậy đều ăn nên làm ra vì chi phí vật tư, nhiên liệu... đầu vào của đúc và rèn chiếm đến 40% thậm chí 50% doanh thu của một nhà máy Cơ khí. Tản mạn như vậy có lẽ để mọi người hiểu thêm về ngành đúc, mỗi khi đi chơi xa nhìn thấy các pho tượng, các quả chuông do các nghệ nhân đúc tạo nên tôi lại càng thấy yêu nghề của mình, có lẽ mọi người nên đến tham quan khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình) thì sẽ thấy, rồi còn trống đồng một niềm tự hào của VN có phải do ...?
 
Có lẽ nếu chỉ đọc bài của Điều hành viên Liễu Ngân Đình thì chắc chẳng có ai theo ngành đúc nữa rồi. Mặc dù mình gắn bó với nghề đúc này chưa được bao lâu nhưng theo mình biết thì đúc đúng là có vất vả, độc hại, thiếu an toàn nhưng đó là chỉ với những cơ sở đúc tư nhân, lạc hậu mà thôi. Hiện tại đã có rất nhiều cơ sở đúc đã đầu tư vào việc vệ sinh, an toàn lao động, trang thiết bị máy móc khá hiện đại (Như Công ty Futu1 ở trên Thái Nguyên, công ty đúc áp lực TSUKUBA, các công ty đúc áp lực....) Nếu có điều kiện vào tham quan các chỗ này bạn sẽ thấy lạc quan về tương lai của ngành đúc. :D. Thân
 

Mesia™

Active Member
Vấn đề mấu chốt vẫn là công nghệ và thiết bị, công nghệ và thiết bị càng tiên tiến thì vấn đề an toàn lao động và môi trường làm việc càng được bảo đảm hơn. Các bạn còn đang là SV nên dành một chút thời gian ( cuối tuần hoặc là dịp nghỉ hè ) để đi thăm quan các cơ sở mới đầu tư công nghệ và thiết bị mới để lạc quan và yêu nghề hơn. không chỉ riêng với ngành đúc mà còn nghiều ngành khác nữa
 

TAMAC

Active Member
Xin tiếp tục có vài lời về đề tài anh V V Thịnh đưa ra dù có thể là hơi lan man một chút.

Vào cuối những năm 50 đầu 60 của thế kỷ trước (nghe như kể chuyện cổ tích vậy), miền Bắc bắt đầu xây dựng một loạt các nhà máy Cơ khí để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và các kế hoạch kinh tế 5 năm. Có nhà máy xây dựng mới; có nhà máy là sự sáp nhập của các tổ hợp tác Cơ khí, công cụ từ thời trước để lại. Những năm tiếp theo, hàng loạt các nhà máy cơ khí chuyên ngành cũng ra đời; phần lớn các nhà máy này đều có xưởng đúc để phục vụ việc tạo phôi các chi tiết cho chính mình. Đầu tiên phải kể đến Nhà mày chế tạo máy công cụ số 1 (nay là Cơ khí Hà nội - Hameco), đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp Việt Nam một thời, nhà máy chuyên sản xuất các loại máy công cụ (máy cái) cho gia công cơ khí. Tiếp đó là các nhà máy: Cơ khí Trần Hưng Đạo (sản xuất động cơ diezen), Cơ khí Mai Động, Cơ khí Quang Trung (Hà Nội), Cơ khí nông nghiệp Hà Tây (sản xuất máy nông nghiệp), Đúc Tân Long, Cơ khí Duyên hải (Hải Phòng), Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả (Quảng Ninh), Nhà máy đóng tàu Bến Kiền, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng), Phụ tùng số 1 (Thái Nguyên) chuyên sx xéc măng, sơ mi ...

Cho tới những năm 70, đầu 80, các nhà máy này vẫn sx theo kế hoạch do nhà nước đề ra. Công nghệ làm khuôn vẫn chủ yếu sử dụng vật liệu là hh cát - đất sét kaolinit, gia công khuôn bằng tay, các khuôn lớn hoặc ruột được sấy khô trong lò buồng đốt than. Khuôn gang thì rắc hoặc sơn bột phấn chì. Khuôn thép thì có sơn khuôn bằng bột đá + nước mật. Nấu luyện gang chủ yếu dùng lò chõ, lò đứng có 1 hoặc 2, 3 hàng mắt gió với than cốc của Liên Xô cũ. Nấu thép bằng lò điện hồ quang (0,5 - 3 tấn/mẻ), lò cảm ứng trung tần của LX (120 - 180 kg/mẻ). Các sản phẩm đúc chủ yếu phục vụ cho chính sản xuất cơ khí của nhà máy. Ngoài ra, nhiều nhà máy chuyên ngành khác cũng có xưởng đúc lớn như Phân đạm Hà Bắc, Super phốt phát Lâm Thao ... thậm chí tại Nhà máy thuốc lá Thăng long cũng có một tổ đúc các chi tiết máy bằng gang (tất nhiên là lò chõ). Một số nơi cũng có các bộ phận đúc đặc biệt như:

  • Đúc mẫu chảy ở Cơ khí Hà Nội
  • Đúc áp lực (chủ yếu là áp lực cao piston ngang) trên máy của Tiệp khắc cũ ra các chi tiết như bầu quạt trần, moayơ xe đạp ở CK nông nghiệp Hà Tây
  • Đúc liên tục ống gang ở Cơ khí Mai Động.
  • Đúc ly tâm ở Phụ tùng số 1 (ống sơ mi).
Tới những năm 80, do hết nguồn than cốc của Liên Xô, các xưởng đúc gặp nhiều khó khăn khi nấu luyện. Một số tìm cách nhiệt luyện than kíp lê (giảm bớt chất bốc) để tăng tính bền nhiệt nhưng rất tốn kém và nấu không kéo dài được. Một số đơn vị đã dùng than gày sống (than mỏ Vàng Danh) để nấu gang trong lò đứng đạt yêu cầu (tất nhiên là phải cải tạo nội hình lò, thay đổi tiết diện và độ nghiêng của các mắt gió). Tôi còn nhớ lúc đó có đề tài cải tạo lò đứng ở Cơ khí Mai Động với 32 ~ 36 mắt gió được chia từ 4 ~ 6 hàng, phải có 4 công nhân chuyên việc chọc các mắt gió này, bọn SV chúng tôi khi đó đã nói đùa lò trông như là tên yêu quái có nhiều mắt quanh mình trong truyện Tây du ký. Cùng thời gian đó, các công trình xây dựng cũng được nhà nước cho phép phát triển, các xưởng đúc có đúc thép (chủ yếu là lò Hồ quang) bắt đầu sản xuất thép gù (D40 x 400) để cán thép xây dựng. Quả cán thì tự mày mò đúc bằng gang cầu (có lẽ cũng không được là cầu) rồi tự gia công, khi cán thì được dây có tiết diện hình quả bàng, chiều dài chỉ được chừng 15 ~ 16m mà cứng ơi là cứng! Thế mới hiểu hết bài triết học là sự việc phát triển theo hình xoáy trôn ốc khi bây giờ các làng nghề cũng đúc, cán được thép XD.
 
Last edited by a moderator:

TAMAC

Active Member
Cuối những năm 80 là thời kỳ khó khăn của cả nền kinh tế khi Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, mọi người được kêu gọi đổi mới tư duy, tự cứu mình trước khi trời cứu. Nhiều nhà máy Cơ khí phải tìm kiếm mọi công việc để nuôi sống CBCNV như đóng gạch xỷ, gạch hoa (bông), luyện đất đèn, dệt bao tải... Hàng loạt công nhân phải về nghỉ chế độ 176 (về 1 cục), đáng tiếc nhất có nhiều thợ đúc lâu năm, lành nghề cũng buộc phải nghỉ việc trong khi nghề đúc phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm. Lúc đó có phong trào nấu gang xuất khẩu cho Nhật, khắp nơi mọi người đào bới, thu nhặt các loại phế liệu để đem nấu thành thỏi 8kg (1 khấc), 15kg (2 khấc) để bán, nơi nào cũng dựng lò đúc để nấu, mỗi lần có quota lúc gang xám, lúc gang trắng là đi thu gom các nơi cho đủ. Thôi thì đủ loại phế liệu từ chi tiết cũ hỏng, tồn kho, gang via lẫn đất gọi là gang me đến gang đầu dòng của các lò cao trên Thái Nguyên, có cả lựu đạn đã tháo thuốc, đạn cối cũ, khi nấu thỉnh thoảng còn sót thuốc súng khét mù... Các nhà máy không phải cơ khí cũng dựng lò đúc như Phân lân Văn điển, thậm chí, ngay trên bãi đất của 1 cơ sở SX thương binh trên phố Thái Thịnh (Hà Nội) cũng có 1 lò đúc gang.

Đầu những năm 90, các thầy ở khoa Luyện kim ĐHBK Hà nội, đã cùng với 1 số chuyên gia, nghệ nhân ngành đúc, đã thành lập Hội đúc - luyện kim VN, Hội đúc - luyện kim Hà Nội. Tôi nhớ có được tham gia ngày ra mắt Hội tổ chức tại Nhà hát Tuổi trẻ (phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Trong 1 buổi hội thảo của Hội tổ chức tại Tháp Smit (Cầu Giấy, Hà Nội), lần đầu tiên chứng kiến các chuyên gia Singapor giới thiệu phần mềm Pro E để dựng các chi tiết 3D, xoay các chiều, chọn mặt phân khuôn rồi tách mẫu để kiểm tra độ côn, vấu ... chúng tôi đã mơ ước có phần mềm đó để làm việc (trong khi vẫn chưa có máy tính). Năm 92, khi đến nhà máy Z127 (quân đội) chuyên về đúc, tôi đã thấy quy trình làm việc đặc biệt của nhà máy đó là ghi chép toàn bộ công việc, từng mẻ cát trộn, từng lô ruột làm ra trong ngày, phối liệu và kết quả nấu theo mẻ, kiểm tra phôi, phân loại, tính tỷ lệ hàng hỏng, hàng đạt đánh số để riêng... (những công việc này chính là những nội dung của Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - worm), những việc đó sau này nhiều nhà máy mới làm và thấy rất tốt.
 
Last edited by a moderator:

TAMAC

Active Member
Do có sự thay đổi của cơ chế nền kinh tế từ bao cấp chuyển sang hạch toán độc lập nên nhiều nhà máy sau giai đoạn khó khăn đã dần dần vươn lên, nhiều thiết bị, công nghệ mới đã được đưa vào VN.

Nếu như trước đây việc nấu luyện chủ yếu là lò đứng f500 - f800 cho gang, lò hồ quang, lò cảm ứng 120 - 180 kg/mẻ cho thép thì đến nay ở các cơ sở SX của nhà nước hầu hết đã chuyển sang nấu gang trong lò điện cảm ứng chỉ còn khu vực tư nhân là còn dùng lò chõ.
Ban đầu là lò cảm ứng trung tần của Nga một số nơi đặc biệt có lò của Anh, Mỹ, Ấn Độ nhưng các lò này có nhược điểm lớn là rất khó trong việc thay thế, sửa chữa... dần dần các lò của Trung Quốc chiếm thị phần gần như là tuyệt đối bởi giá thành rẻ, sửa chữa thay thế đơn giản đa số các lò thông dụng hiện nay là lò 750 kg/mẻ.

Nhiều thiết bị cho đúc được đầu tư như máy làm khuôn có chốt đẩy (tương tự như máy 271 của Nga), không có chốt đẩy (không cần hòm khuôn), máy phun bi kiểu đứng, kiểu nằm ngang. nhiều nơi còn đầu tư cả dây chuyền trộn cát khép kín từ phá khuôn, sàng tuyển, trộn cát đến hút bụi nhưng rất đắt tiền nên đa phần chỉ chọn máy trộn cát kèm bộ phận đánh tơi cát...

Nói đến các cơ sở đúc không thể không nhắc đến 1 nơi theo tôi có nhiều đóng góp đến sự phát triển của ngành đó là Viện công nghệ (đóng tại phố Vũ Ngọc Phan hà Nội) thuộc Tổng công ty MĐL&MNN VN (VEAM), Viện có phòng đúc với nhiều chuyên gia giỏi đã được Foseco chọn để giới thiệu các loại thiết bị, vật liệu và công nghệ đúc mới.
Khi được giới thiệu lò cảm ứng trung tần 500 kg/mẻ của Anh nhưng phần làm mát cho lò chỉ là một thùng chứa 2 m3 nước cất chúng tôi đã rất ngỡ ngàng. Rồi còn phương pháp đúc khuôn vỏ mỏng hh cát nhựa nhiệt nóng các chi tiết secmăng, đúc mẫu cháy (tự thiêu) trục khủyu có hút chân không, trên cơ sở công nghệ này Viện đã đúc được quả chuông đồng khoảng gần 300 kg với rất nhiều hoa văn đẹp.
Ở đây cũng là nơi đầu tiên đưa máy phun bi nằm ngang làm sạch vật đúc vào SX sau đó mới nhân rộng ra các cơ sở khác. Bên cạnh đó còn giới thiệu đậu ngót dễ đập, đậu phát nhiệt, bột phát nhiệt, rãnh lọc xỷ, hh cát Furan làm khuôn, ruột.. cho các đơn vị áp dụng. Viện cũng gần như là đơn vị đầu tiên có máy phân tích quang phổ và đã tạo được uy tín trong việc phân tích cho các đơn vị đúc. Rất nhiều mác thép, chi tiết khó đẫ được xưởng đúc của Viện triển khai SX...
 
Last edited:

TAMAC

Active Member
Trong những năm qua ở miền Bắc có nhiều đơn vị đã được đầu tư mới xưởng đúc hiện đại như Cơ khí Hà nội, Cơ khí Đông anh, X98, điezen Sông công, Cơ khí Việt Nhật nhưng theo tôi Công ty Futu1 Thái Nguyên là một đơn vị có nhiều sự thay đổi đáng học tập nhất về ngành đúc.

Xưởng đúc ở đây chuyên sản xuất sơmi, xéc măng ban đầu là theo công nghệ đúc ống ly tâm nằm ngang, mặc dù đã nấu trung gian ra gang thỏi, phân tích thành phần rồi nấu lại để rót ống nhưng do đặc điểm của phương pháp đúc ly tâm là khuyết tật, tạp chất đúc lại nằm ở mặt trong của ống, dung sai lớn trong khi chi tiết sơ mi lại cần mặt làm việc là bên trong nên tỷ lệ hỏng cao, tốn vật liệu...công ty đã đầu tư toàn bộ dây truyền đúc theo công nghệ làm khuôn trên máy không có chốt đẩy hh cát - bentonit, nấu luyện bằng lò điện, ruột cát nhựa.

Ban lãnh đạo của Công ty đặc biệt quan tâm đến đúc, năm 94 khi tiếp xúc với ông Khay - Giám đốc Công ty (lúc đó là phó Giám đốc) ông đã nói vui với chúng tôi ngành đúc là ăn cơm dương gian làm việc âm phủ tức là sau khi úp khuôn không biết sẽ thế nào mà nói nên nếu chuẩn bị tốt cho đúc thì mới khắc phục được sai hỏng, rằng đúc chiếm một tỷ lệ chi phí đầu vào rất lớn, nhiều người cứ nghĩ đúc chỉ là đất và cát nhưng cát, đất cũng có rất nhiều loại, từ những vật liệu đơn giản lại có tính quyết định cao đến thành bại của cả một Công ty.

Futu1 là đơn vị đầu tiên mua cát đóng bao (V4.5, V5.5...) từ Vicosimex Đà nẵng, Bentonit dùng loại của Mỹ rồi dần thay thế. Ban đầu việc chuyển cát đóng bao 50 kg từ Đà nẵng ra cũng nhiều chuyện buồn cười, dọc đường các bác lái xe ôtô luôn bị kiểm tra, cảnh sát cứ tưởng buôn gì chứ không tin cát lại đóng bao như đường vậy.

Các loại thiết bị phục vụ cho đúc cũng được đầu tư đúng hướng và dần dần như máy trộn cát có bộ phận đánh tơi, phun bi, thiết bị làm mát nước để lò có thể nấu liên tục 3 ca. Trong khi nhiều nơi đã không còn thì Công ty vẫn có nguyên phòng Luyện kim chuyên theo dõi, chuẩn bị khuôn mẫu, trang bị công nghệ, phân tích hóa, cơ tính để phục vụ đúc tốt.

Hiện nay ngoài sản phẩm chính là sơ mi, xéc măng Công ty còn đúc nhiều loại chi tiết khác của ôtô, xe máy... sản lượng đạt khoảng 300 tấn/tháng (nhiều nơi có thể có sản lượng cao hơn nhưng lưu ý chi tiết của Futu1 chỉ từ vài lạng đến vài kg) quy trình sản xuất được theo dõi chặt chẽ được Honda kiểm tra và chấp nhận, vệ sinh công nghiệp tốt.
 
Last edited:
Trong những năm qua ở miền Bắc có nhiều đơn vị đã được đầu tư mới xưởng đúc hiện đại như Cơ khí Hà nội, Cơ khí Đông anh, X98, điezen Sông công, Cơ khí Việt Nhật nhưng theo tôi Công ty Futu1 Thái Nguyên là một đơn vị có nhiều sự thay đổi đáng học tập nhất về ngành đúc. Xưởng đúc ở đây chuyên sản xuất sơmi, xéc măng ban đầu là theo công nghệ đúc ống ly tâm nằm ngang, mặc dù đã nấu trung gian ra gang thỏi, phân tích thành phần rồi nấu lại để rót ống nhưng do đặc điểm của phương pháp đúc ly tâm là khuyết tật, tạp chất đúc lại nằm ở mặt trong của ống, dung sai lớn trong khi chi tiết sơ mi lại cần mặt làm việc là bên trong nên tỷ lệ hỏng cao, tốn vật liệu...công ty đã đầu tư toàn bộ dây truyền đúc theo công nghệ làm khuôn trên máy không có chốt đẩy hh cát - bentonit, nấu luyện bằng lò điện, ruột cát nhựa. Ban lãnh đạo của Công ty đặc biệt quan tâm đến đúc, năm 94 khi tiếp xúc với ông Khay - Giám đốc Công ty (lúc đó là phó Giám đốc) ông đã nói vui với chúng tôi ngành đúc là ăn cơm dương gian làm việc âm phủ tức là sau khi úp khuôn không biết sẽ thế nào mà nói nên nếu chuẩn bị tốt cho đúc thì mới khắc phục được sai hỏng, rằng đúc chiếm một tỷ lệ chi phí đầu vào rất lớn, nhiều người cứ nghĩ đúc chỉ là đất và cát nhưng cát, đất cũng có rất nhiều loại, từ những vật liệu đơn giản lại có tính quyết định cao đến thành bại của cả một Công ty. Futu1 là đơn vị đầu tiên mua cát đóng bao (V4.5, V5.5...) từ Vicosimex Đà nẵng, Bentonit dùng loại của Mỹ rồi dần thay thế. Ban đầu việc chuyển cát đóng bao 50 kg từ Đà nẵng ra cũng nhiều chuyện buồn cười, dọc đường các bác lái xe ôtô luôn bị kiểm tra, cảnh sát cứ tưởng buôn gì chứ không tin cát lại đóng bao như đường vậy. Các loại thiết bị phục vụ cho đúc cũng được đầu tư đúng hướng và dần dần như máy trộn cát có bộ phận đánh tơi, phun bi, thiết bị làm mát nước để lò có thể nấu liên tục 3 ca. Trong khi nhiều nơi đã không còn thì Công ty vẫn có nguyên phòng Luyện kim chuyên theo dõi, chuẩn bị khuôn mẫu, trang bị công nghệ, phân tích hóa, cơ tính để phục vụ đúc tốt. Hiện nay ngoài sản phẩm chính là sơ mi, xéc măng Công ty còn đúc nhiều loại chi tiết khác của ôtô, xe máy... sản lượng đạt khoảng 300 tấn/tháng (nhiều nơi có thể có sản lượng cao hơn nhưng lưu ý chi tiết của Futu1 chỉ từ vài lạng đến vài kg) quy trình sản xuất được theo dõi chặt chẽ được Honda kiểm tra và chấp nhận, vệ sinh công nghiệp tốt.
Đúng như chú nói. Có lên Futu1 mới thấy làm đúc không hề bụi bặm :68: . Xưởng đúc vô cùng sạch sẽ, được sắp xếp gọn gàng.
 

lbaduy

New Member
Ðề: Hiện trạng ngành Đúc của các tỉnh phía bắc

Bác lehai có thể viết bài ngắt đoạn ra được không, chứ bác viết 1 lèo như vậy thiệt tội cho con mắt của tụi em quá :77::77::77:
 

TAMAC

Active Member
Ðề: Hiện trạng ngành Đúc của các tỉnh phía bắc

Rất vui vì các bạn đã quan tâm đến ngành đúc nhưng loạt bài này đã dừng ở đây, mình sẽ rút kinh nghiệm về cách viết bài trong các lần sau.
 
D

Duc Huy

Ðề: Hiện trạng ngành Đúc của các tỉnh phía bắc

Ngày nay, với xu hướng hội nhập, và hiện đại hóa, chắc chắn ngành Đúc sẽ có nhiều thay đổi. Hiện trạng cũ kĩ, lạc hậu, sẽ được dần dần khắc phục. Ngày nay, vấn đề môi trường cũng được đề cập đến nhiều. Có lẽ là một tín hiệu tốt đẹp với các bạn sinh viên. các bạn sinh viên chỉ nên lo lắng về vấn đề học tập thế nào cho tốt để được trang bị những kiến thức cơ bản, để có thể làm việc tốt.
Một số ví dụ như trên : Futu1, la điều mà các bạn nên trân trọng.
 
Top