Hoạt động quản lý hợp nhất giữa MES và ERP trong mô hình Smart Factory

long8564

Active Member
Moderator
Khi các hệ thống sản xuất tích hợp phát triển, một thuật ngữ mới xuất hiện cùng lúc thể hiện các tính năng hợp nhất của ERP và MES. Đó chính là hệ thống quản lý hoạt động sản xuất (MOM – Manufacturing operations management). Giải pháp mới này được kì vọng sẽ mang tới cho quá trình triển khai Smart Factory trở nên hiệu quả hơn.



Lịch sử phát triển của các hệ thống quản lý sản xuất trước khi được đưa vào Smart Factory
Vào những năm 1970, hệ thống đầu tiên tích hợp các chức năng được sử dụng cho nhà máy sản xuất ra đời với tên gọi hệ thống hoạch định nguồn lực sản xuất (MRP II). Ký hiệu La Mã – II – được thêm vào tên viết tắt của sản phẩm nhằm chứng minh đây chỉ là sản phẩm được cải tiến từ hệ thống ứng dụng MRP đã được sử dụng trước đó.

Hệ thống MRP nguyên bản cũng chính là bộ khung quan trọng để xây dựng lên ứng dụng MRP II. Hệ thống ứng dụng MRP mới được tích hợp các hệ thống thực thi như quản trị sản xuất và mua hàng để cung cấp thông tin về một vòng sản xuất khép kín giúp cho MRP trở thành một công cụ làm việc hiệu quả, cung cấp các thông tin cần thiết cho sản xuất. Điển hình, MRP II bao gồm quản lý đơn đặt hàng của khách hàng, kiểm soát hàng tồn kho và các ứng dụng tài chính khác.

Trong hai thập kỷ, MRP II được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp sản xuất, cho đến khi Giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) nổi lên.

Vào giữa những năm 1990, các công ty phân tích và các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đã quyết định công bố khái niệm mới ERP để thay thế MRP II. Giải pháp ERP là hậu duệ với một loạt các chức năng được thêm mới và cải tiến so với MRP và MRP II, sử dụng các công nghệ hàng đầu lúc đó như điện toán máy chủ – máy trạm và quản lý cơ sở dữ liệu. Cần nhớ rằng, vào thời điểm đó internet chưa phải là một yếu tố quyết định đối với một phần mềm quản lý doanh nghiệp. Chỉ đến những năm 2000, khi Internet và các giao thức kết nối không dây ngày một phổ biến, ERP mới được trang bị thêm khả năng hợp tác và tích hợp các ứng dụng khác như CRM, HRM, DMS,… trong một hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp tổng thể, toàn diện.

Trên thực tế, ERP không nên được coi là một nền tảng công nghệ mới, mà là một tập hợp các quy trình quản trị được ứng dụng công nghệ. Đó là lý do tại sao, trong dòng chảy chóng mặt của các công nghệ mới, các chức năng của các ứng dụng ERP hiếm khi bị ảnh hưởng và thay đổi đột biến. Sự phát triển của công nghệ sẽ đóng vai trò giúp tăng cường về tốc độ và năng lực xử lý các quy trình mà giải pháp ERP đang hỗ trợ doanh nghiệp.



Cũng manh nha từ những năm 1970, MES đã bắt đầu được sử dụng để tự động hóa hoạt động sản xuất trong doanh nghiệp. Ứng dụng này có nguồn gốc từ các hệ thống thu thập dữ liệu trong sản xuất. Sau đó do nhu cầu sử dụng dữ liệu sản xuất ngày càng tăng và đa dạng dẫn đến yêu cầu phát triển hơn nữa các hệ thống này. Vào những năm 1990, Hiệp hội các giải pháp cho công ty sản xuất, viết tắt là MESA ( Manufacturing Enterprise Solutions Association) đã giới thiệu một vài cấu trúc bằng cách định nghĩa các chức năng định hình nên MES.

AMR Research lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ MES vào năm 1992. Các mô hình MES ban đầu là các ứng dụng tại chỗ, được mã hóa theo cách thể hiện quy trình sản xuất hiện tại của các tổ chức. Trong năm 2000, hiệp hội phi lợi nhuận về Tự động hóa Quốc Tế – ISA (International Society of Automation) đã cho ra đời ISA-95, một tiêu chuẩn công nghiệp hướng dẫn thiết kế, triển khai hệ thống thực thi sản xuất MES cho các tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa. Tiêu chuẩn ISA-95 giúp sự triển khai của hệ thống thực thi sản xuất MES sẽ được đồng bộ với các giải pháp và hệ thống khác của doanh nghiệp và quá trình phát triển cũng sẽ được tối ưu hơn.

Từ một ứng dụng thập dữ liệu đơn giản vào cuối những năm 1980, MES đã trở thành một phần mềm hiện đại hơn trong thời đại công nghệ 4.0 này và đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống nhà máy thông minh Smart Factory.


Ý tưởng tích hợp chức năng của MES và ERP trong Smart Factory

Trong lịch sử, sở dĩ ERP phát triển tách biệt với Hệ thống phần mềm thực thi sản xuất (MES) bởi ban đầu hai hệ thống này đòi hỏi các nền tảng phần cứng riêng biệt và có những tính năng khác nhau. Trong khi ERP chạy trên các hệ thống máy tính doanh nghiệp được tối ưu hóa cho việc hiển thị giao diện người dùng trực quan, quản lý và xử lý dữ liệu quy mô lớn. Trong khi đó, đối với hệ thống MES yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu là tốc độ xử lý để đảm bảo nhiệm vụ quản lý, điều khiển thiết bị và thu thập, xử lý dữ liệu trực tiếp với độ trễ càng thấp càng tốt, không quan trọng các tính năng phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, sự khác biệt trong nền tảng phần cứng không còn trở ngại khi tích hợp ERP và MES, giúp việc trao đổi thông tin giữa hai hệ thống trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Ranh giới khác biệt giữa ERP và MES cũng bắt đầu mờ dần, và đó là cơ sở để chúng ta nghĩ tới một giải pháp mới tích hợp ERP và MES nhằm phát huy những chức năng nổi bật nhất của hai giải pháp trên.

Phần mềm MOM – Manufacturing Operations Management là ý tưởng tích hợp những tính năng từ phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp tổng thể ERPphần mềm điều hành thực thi sản xuất MES nhằm xây dựng một hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện dành riêng cho lĩnh vực sản xuất. Thay vì phải đưa nhiều giải pháp vào các khu vực sản xuất và điều hành, trong mô hình Smart Factory lý tưởng, gần như chỉ có một hệ thống quản lý đồng nhất.



Hệ tính năng của MOM
  • Cung cấp thông tin chính xác cho doanh nghiệp vào đúng thời điểm để đưa ra các quyết định tốt hơn về mọi khía cạnh của sản xuất, bao gồm lập kế hoạch, phân tích năng lực sản xuất, Work-in-process (WIP),…
  • Quản lý tất cả các quy trình và thông tin trong doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa các quy trình và cho phép cung cấp một hệ thống hồ sơ duy nhất cho toàn doanh nghiệp;
  • Tạo nên một luồng thông tin duy nhất trong doanh nghiệp giúp loại bỏ lỗ hổng thông tin trong hoạt động vận hành doanh nghiệp, từ đó cho phép dữ liệu được đồng bộ phục vụ việc kiểm soát chặt chẽ hơn các quy trình sản xuất khác nhau;
  • Giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu giảm lãng phí, hàng tồn kho và thời gian sản xuất đồng thời cải thiện hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng;
  • Cung cấp một nền tảng thực sự chất lượng cho doanh nghiệp với các hoạt động cải tiến liên tục song hành với việc tuân thủ quy định với tổng chi phí thấp nhất
Kết
Mặc dù hoạt động tích hợp giữa ERP và MES chưa được phát triển rộng tại vào thời điểm này, nhưng, chắc chắn nó sẽ trở thành xu hướng nổi trội trong hoạt động điều hành doanh nghiệp trong tương lai
 
Lượt thích: Nova
Top