Khuôn mẫu : Cimatron VS Creo Parametric

Author
Chào các bạn,

Nhân dịp có một bạn hỏi về việc nên học Cimatron hay Creo Parametric (Pro/Engineer), tôi viết bài này với hy vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm cùng với các bạn. Bản thân tôi từng làm việc với Creo Parametric (Pro/Engineer) từ năm 2003 đến 2010 thì chuyển sang làm việc với Cimatron cho đến nay. Dù là phần mềm nào thì tôi cũng chỉ làm việc với 3 module chính là thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn và lập trình gia công phay. Vì vậy bài viết của tôi cũng sẽ tập trung vào 3 module này. Cũng xin nói rõ rằng hiện nay tôi đang làm việc hỗ trợ kỹ thuật cho Cimatron nhưng sẽ không vì vậy mà đưa ra những nhận định sai lệch nhé. Tất cả sẽ khách quan theo những hiểu biết của tôi với hai phần mềm này. Nếu có gì không chuẩn thì anh em cứ góp ý, bổ sung vì mục đích tôi viết bài này để chia sẻ kiến thức chứ không phải quảng cáo cho Cimatron và dìm hàng Creo Parametric đâu.


1. Phạm vi ứng dụng

Creo Parametric : phát triển theo hướng CAD/CAE/CAM tổng thể nên có rất nhiều module và khả năng liên kết tốt với nhóm phần mềm khác của PTC để tiến đến một giải pháp PLM vô cùng đồ sộ. Những tính năng của nó không chỉ giới hạn ở thiết kế và gia công khuôn (nhựa, dập, đúc) mà còn mở rộng đến việc thiết kế hệ thống ống, tính toán, phân tích sức bền của sản phẩm, quản lí mô hình lắp từ trung bình đến rất lớn, tính toán nhân trắc học …
Cimatron : chỉ tập trung vào 3 mảng lớn là thiết kế khuôn nhựa, thiết kế khuôn dập và lập trình gia công phay

2. Thiết kế sản phẩm

Ở mảng này Creo hoàn toàn chiếm ưu thế với hàng loạt công cụ thiết kế mạnh mẽ. Nó có thể thiết kế surface dạng bình thường (Pro/Surface) và surface ở dạng tự do (Interactive Surface Design Extension – Style). Đi kèm với thiết kế là những công cụ phân tích, tính toán để bảo đảm sản phẩm tạo thành đúng với yêu cầu người thiết kế cả về mặt kỹ thuật lẫn mặt mỹ thuật. Theo ý kiến cá nhân tôi, điểm yếu của Cimatron ở mảng này chính là việc nó không thể tạo ra đường Spline với những khả năng tùy biến cao trong khi việc thiết kế bề mặt đẹp hay xấu phụ thuộc rất lớn vào những đường spline này.



Hình 1 : Sản phẩm thiết kế bằng Creo Parametric

Tuy nhiên, Cimatron lại có những ưu điểm nhất định trong việc xử lí bề mặt. Nói cách khác, dù nó không tạo mới được bề mặt nhưng khả năng chỉnh sửa thì có thể nói nó có phần ưu thế hơn Creo. Được phát triển theo mô hình lai (hybrid model), Cimatron không phân biệt rõ ràng giữa solid và surface nên nó có khả năng can thiệp (sửa, xóa) đến bất cứ đối tượng nào mà nó nhận diện được. Hơn nữa, điểm mà tôi thích nhất ở Cimatron là nó có thể điều chỉnh dung sai động, nghĩa là bạn có thể điều chỉnh dung sai ở mỗi bước thực hiện. Rất nhanh và tiện lợi.


Hình 2 : Sửa mô hình trên Cimatron

3. Thiết kế khuôn

Tôi chia phần thiết kế khuôn này thành 2 phần. Thiết kế mặt phân khuôn và thiết kế vỏ khuôn (moldbase)

Thiết kế mặt phân khuôn

Những thế mạnh của Creo Parametric ở thiết kế bề mặt được áp dụng triệt để vào việc thiết kế mặt phân khuôn vì suy cho cùng, thiết kế mặt phân khuôn chính là việc tạo ra những bề mặt bảo đảm 2 yếu tố : đẹp và dễ gia công. Tuy nhiên, sự ngặt nghèo về mặt nguyên tắc lại là một điểm yếu của Creo Parametric. Nếu mô hình đem đi phân khuôn chưa hoàn hảo (có khe hở, bề mặt bị nhăn) … thì người thiết kế sẽ rất mất thời gian để kiểm tra và chỉnh sửa. Những người đã từng làm việc với Creo Parametric chắc chắn đã gặp tình huống không kiểm tra thấy lỗi nhưng cứ thực hiện thao tác Volume Split là nhận được thông báo lỗi.


Hình 3 : Lỗi thường gặp khi tách khuôn bằng Creo Parametric

Tuy Cimatron không có nhiều công cụ thiết kế mặt như Creo Parametric nhưng nó vẫn có thể làm tốt việc tách khuôn vì thật ra, mặt phân khuôn không đòi hỏi những bề mặt quá phức tạp như bề mặt sản phẩm. Ngoài ra, nó còn có thêm ưu điểm nhờ vào khả năng chỉnh sửa bề mặt tốt nên trong tình huống sản phẩm bị lỗi, Cimatron có thể nhanh chóng sửa những lỗi này để đảm bảo việc thiết kế mặt phân khuôn được tiếp tục tiến hành. Và điểm mà tôi thích nhất khi thiết kế khuôn ở Cimatron là lỡ như mặt phân khuôn có bị hở một tí thì Cimatron vẫn cho phép tách khuôn (những thao tác chỉnh sửa có thể tiến hành sau cũng được). Tuy nhiên, tôi lại không thích việc phải tách sản phẩm thành các hướng mở khuôn (bằng công cụ QuickSplit) vì nếu gặp sản phẩm phức tạp sẽ khá mất thời gian trong khi với Creo Parametric, chỉ cần tạo ra mặt phân khuôn là có thể tách được khuôn rồi.



Hình 4 : Thao tác tạo hướng mở khuôn (bắt buộc) trong Cimatron

Tóm lại ở phần thiết kế mặt phân khuôn, nếu như sản phẩm được thiết kế bởi Creo hoặc không bị lỗi, việc tách khuôn bẳng Creo sẽ tốt hơn. Nhưng nếu sản phẩm có nhiều lỗi thì làm việc với Cimatron lại là sự lựa chọn hợp lí hơn.

Thiết kế vỏ khuôn

Creo thiết kế vỏ khuôn bằng
Expert Moldbase Extention (EMX). Nó được cài đặt riêng chứ không nằm chung trong bộ cài tiêu chuẩn của Creo. Theo cảm nhận chủ quan của tôi, EMX làm việc không hiệu quả bởi giao diện không thân thiện và tính năng của nó không nhiều hơn là một thư viện chi tiết tiêu chuẩn (mà thư viện này cũng không phong phú). Việc tổ chức, quản lí mô hình lắp cũng không gọn gàng (cả các chi tiết được liệt kê toàn bộ trong Model Tree chứ không được phân loại theo từng cụm để thuận tiện cho việc quản lí, tắt bật hiển thị)


Hình 5 : Chi tiết không được phân nhóm trong Model Tree của Creo Parametric

Cimatron hoàn toàn chiếm ưu thế trong việc thiết kế moldbase với một giao diện thân thiện, dễ quản lí. Thư viện chi tiết tiêu chuẩn phong phú và khả năng tùy biến cao. Quan trọng nhất là nó hoạt động ổn định hơn rất nhiều so với EMX do nó nằm luôn trong bộ cài đặt tiêu chuẩn của Cimatron.


Hình 6 : Chi tiết được quản lí tốt trong Cimatron

Tuy nhiên, trong việc thiết kế áo khuôn, đối thủ lớn nhất của Creo Parametric không phải là Cimatron (hay ngược lại) vì cả hai phần mềm nói trên đều có một đối thủ chung là AutoCAD bởi ở Việt Nam, hầu như việc thiết kế khuôn trên phần mềm 3D chỉ dừng lại ở công đoạn tách ra các tấm khuôn đực và cái kèm theo các mảnh ghép. Những bước tiếp theo như thiết kế hệ thống dẫn nhựa, đường nước làm mát, hệ thống đẩy, trình bày bản vẽ đều được tiến hành trên AutoCAD. Khảo sát ý kiến của những nhân viên thiết kế khuôn, hầu hết câu trả lời mà tôi nhận được là do tốc độ làm việc trên AutoCAD 2D nhanh hơn nên khi đã quen với kết cấu khuôn, việc vẽ trên AutoCAD sẽ cho hiệu suất cao hơn. Ngoài ra, khả năng trình bày bản vẽ 2D của AutoCAD tốt hơn tất cả những module 2D Drawing của những phần mềm 3D (cái này chắc chẳng ai có thể phủ nhận được).

4. Lập trình gia công

Cả Creo và Cimatron đều thuộc nhóm phần mềm lập trình đa chức năng, nghĩa là có rất nhiều thông số gia công để bảo đảm việc tạo ra đường chạy dao đúng theo ý muốn của người lập trình. Tôi đã lập trình gia công trên cả 2 phần mềm này cũng như tham khảo ý kiến của những nhân viên lập trình khác thì thấy rằng cả 2 phần mềm này đều đáp ứng tốt cho việc lập trình gia công khuôn mẫu. Tất nhiên, mỗi phần mềm đều có những “luật chơi” riêng buộc người dùng phải hiểu và chấp nhận để có được kết quả như ý muốn. Chính sự không hiểu rõ những luật chơi này là nguyên nhân của những cuộc tranh luận kéo dài bất tận trên các diễn đàn CAD/CAM.


Tuy nhiên, Cimatron hiện đang có một ưu thế nhỏ (nhưng khá quan trọng) là nó hầu hết bộ POST cho những hệ điều khiển thông dụng trên máy CNC như FANUC, Siemens, Heidenhain … trong khi Creo chỉ có bộ POST cho hệ điều khiển FANUC (thật ra chắc nó có đủ hết nhưng không được phổ biến rộng rãi mà thôi). May mắn thay, hầu hết máy CNC ở Việt Nam đều dùng hệ điều khiển FANUC nên đây cũng không phải là vấn đề lớn lắm.
————————————————————————————-​

Trên đây là những ý kiến cá nhân dựa trên những hiểu biết của tôi về 2 phần mềm này. Phần mềm thì ngày càng được cải tiến nên tôi cũng không chắc những điều tôi viết vẫn còn đúng. Vì vậy tôi cũng mong nhận được ý kiến của anh em khắp nơi để thông tin này đến với cộng đồng đầy đủ hơn, thiết thực hơn.
 
Top