Làng "mất ngón"

  • Thread starter Liễu Ngân Đình
  • Ngày mở chủ đề
L

Liễu Ngân Đình

Author
(VietNamNet) - Hơn 80% người lao động bị mất đốt ngón tay. Có người mất hẳn nửa bàn tay, có người bàn tay bị xén thành hình tam giác. Đó là chuyện thường ở xã làng nghề truyền thống kim khí Thanh Thuỳ (huyện Thanh Oai, Hà Tây).


Ông Nguyễn văn Gốt với bàn tay bị máy chém
Bàn tay năm ngón còn... ba

Đến Thanh Thuỳ, cách cả trăm mét đã nghe vang vang bản hợp xướng “cắt…. thụt….đột... dập” phát ra từ hàng trăm xưởng kim khí gia đình. Mỗi nhà là mỗi xưởng nhỏ, không ai giống ai với hàng trăm nghề khác nhau như: làm vỏ môtơ, móc áo, long đen ô tô, xe máy, bản lề…

Ở hai làng Rùa thượng và Rùa hạ, không nhà nào không làm nghề kim khí. Cứ một nhà là một xưởng nhỏ với tối thiểu 3 máy “ cóp, phanh, đột, dập”. Trẻ 5 - 7 tuổi cũng có thể kiếm 4 - 500 nghìn đồng/tháng từ nghề này. Trung bình mỗi người dân kiếm 5 - 9 triệu đồng/năm, nhưng đổi lại, nhiều người phải " hiến" cho máy ít đốt ngón tay, vài ba giọt máu.

PV VietNamNet đến thăm ông Nguyễn Văn Gốt, người đã bị máy “ngoạm” mất 3 đốt ngón tay khi làm việc. Người đàn ông hơn 50 tuổi mang vẻ mặt khắc khổ kể cho chúng tôi nghe về “chứng tích” của đời mình. Tháng 6/2000, một lần trèo lên đầu máy cán tôn, ông vô tình để tay vào khe guồng khi máy đang chạy. Chờ máy chạy hết vòng tua, ông rút tay ra thì ba ngón tay đã bị dập nát, lủng lẳng. “Cũng may có cô em dâu đứng ở gần đó dập cầu dao, không thì hậu quả không biết đến mức nào”.

Lần đó ông Gốt phải nghỉ làm mất 1 tháng.

Còn anh Nguyễn Văn Đức, bàn tay lại bị cắt thành hình tam giác khi anh đang sửa máy dập khuôn. Chiếc máy lớn với trọng lượng 70 tấn bao trùm cả thân hình anh nên người cùng làm với anh không nhìn thấy, đã sập cầu dao. Máy chạy kéo theo cả bàn tay anh, dập nát.

Đó là 2 trong nhiều trường hợp điển hình ở xã Thanh Thuỳ. Còn nhiều trường hợp oái oăm khác như tóc quấn vào máy, máy vỡ chém ngang cằm người làm như trường hợp anh Đức con ông Gốt. Còn người bị máy xén cụt đốt ngón tay thì không kể hết.

“Bây giờ xoè bàn tay ra thì ối người bị mất đốt, người mất nhiều, người mất ít..." - ông Gốt nói.


Công nhân đang thực hiện công đoạn Cắt.
Mất ngón: Chuyện thường ngày... ở nhà

Ở trạm y tế xã Thanh Thuỳ, mỗi ngày có khoảng 3 - 4 người đến cấp cứu do tai nạn lao động. Khái niệm "giữ nguyên vẹn bàn tay" với dân trong xã quá xa vời, khi mà máy móc ở đây yêu cầu mọi thao tác đều bằng tay.

“Máy chạy nhanh vòng quay quay liên tục, sơ ý chút, mất ngón tay là chuyện thường” - cô Thìn, Phó thôn Rùa Hạ cho biết.

Trưởng thôn Rùa Hạ, chị Nguyễn Thị Xuân thì bảo: “Những người ở nơi khác đến làm không quen nên hay bị tai nạn, người làng bị thì do sơ ý, nghĩ ngẩn ngơ, buồn ngủ…”.

Theo chị Xuân, dân xã Thanh Thuỳ ai cũng mua bảo hiểm thân thể. Mỗi lần mất ngón tay, đều kịp đi cấp cứu và được nhận trợ cấp. Nhưng mấy ngón tay thì vĩnh viễn không còn; một số ngườiôsau tai nạn lao động không thể đi xe, không làm được việc nặng, đành bắt con bỏ học ở nhà giúp việc gia đình, như trường hợp ông Gốt.

Tai nạn mất ngón tay ngày càng trở thành thường hơn trong suy nghĩ của người dân Thanh Thuỳ, nên các bệnh đau đầu, nguy cơ mắc ung thư do ô nhiễm tiếng ồn, không khí nơi họ sống càng chưa được để ý. Không biết đến bao giờ, dân Thanh Thuỳ mới được mở mang về khái niệm an toàn lao động.

Dương Sinh
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
(VnMedia) - Làng “cụt ngón”

Người dân trong vùng thường gọi làng Rùa (Thanh Thuỳ, Thanh Oai, Hà Tây) là làng “cụt ngón”, người trong làng đi đâu cũng phân biệt được bởi trên bàn tay đều bị cụt mất ngón, mất đốt...
Người dân trong vùng thường gọi làng Rùa (Thanh Thuỳ, Thanh Oai, Hà Tây) là làng “cụt ngón”, người trong làng đi đâu cũng phân biệt được bởi trên bàn tay đều bị cụt mất ngón, mất đốt... Phần đông thanh niên trong làng “cụt ngón” không thể đi lính được vì mất ngón chỏ, ngón giữa (ngón bóp cò súng). Mỗi năm, ở làng “cụt ngón” có thêm khoảng 150 - 200 trường hợp mới bị cụt đốt ngón tay do tai nạn lao động.

Cụt 3 đốt 2 ngón là chuyện thường

Làng “cụt ngón”, làng Rùa có nghề kim khí truyền thống nổi tiếng trong vùng được phân bố chủ yếu ở 2 thôn Rùa Thượng và Rùa Hạ. Bức tranh làng nghề từng ngày đổi thay, nhưng mặt trái của làng nghề kim khí là tình trạng tai nạn lao động và môi trường ô nhiễm đã đến mức báo động đỏ. Ông Lý Duy Bình - Phó Chủ tịch UBND xã "khoe" với chúng tôi: “Riêng tổng thu nhập từ làng nghề truyền thống của xã năm 2006 đạt trên 43 tỷ, chiếm 64% cơ cấu kinh tế, thì sản xuất kim khí chiếm tới 2/3. Bình quân thu nhập đầu người toàn xã đã lên 6,5 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Toàn xã có 1732 hộ/6.284 nhân khẩu thì có tới 90% số hộ theo nghề truyền thống. Những sản phẩm của làng nghề rất đa dạng từ phụ tùng xe máy, xe đạp, cửa hoa, cửa xếp, đến ổ khoá, đồ điện tử... Nhưng điều đáng buồn ở làng nghề người tai nạn lao động ngày một đông”.


Ông Bình nhẩm tính: “Mỗi năm làng Thanh Thuỳ có tới250 - 300 trường hợp tai nạn lao động và cứ 10 hộ làm nghề thì có tới 8 hộ có người nhà, người làm thuê bị cụt mất đốt, cụt mất ngón tay, thậm chí mất cả bàn tay... là chuyện như chơi”. Theo ghi nhận của Trạm Y tế xã, nhiều trường hợp đến đây điều trị tai nạn chủ yếu là bị máy dập mất ngón, mất vài ba đốt của bàn tay, thậm chí vỡ quai hàm, mất cả mái tóc (trường hợp phụ nữ có tóc dài)... nhiều trường hợp quá nặng phải đưa lên bệnh viện Việt Đức điều trị.


Chúng tôi tìm đến hộ anh Hoàng Văn Thực, anh Thực vừa bị máy cán tôn “ăn” mất 3 đốt ngón tay hôm 11/1/2007 nhớ lại: Anh vừa cho tấm tôn vào cán phẳng để cắt, cũng như mọi khi, anh đi găng tay lao động, nhưng do chủ quan, bàn tay anh đã đưa vào máy cán cùng với tấm tôn. Rất may, cháu anh đứng cạnh đó đã nhanh tay dập cầu dao. Hậu qủa là bàn tay của anh đã bị nghiền nát 2 đốt ngón trỏ và 1 đốt ngón giữa. Anh cho biết: “Lúc mới bị, anh cảm giác chẳng đau gì cả, chỉ thấy những ngón tay không cử động được vì tê cứng, mất rất nhiều máu. Sau khi được cầm máu, anh được người nhà đưa thẳng đến bệnh viện Việt Đức tháo đốt tay và điều trị”. Giờ đây, anh mới thấy đau nhức đến tận xương, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.


Nhìn bàn tay trái bị tháo mất 3 đốt 2 ở hai ngón trỏ và ngón giữa, chúng tôi hỏi anh có tiếp tục làm nghề nữa không? Anh buồn bã trả lời: “Thì chỉ có nước bỏ nghề thôi. Nhiều người trong làng tôi bị “cụt ngón” đều bỏ nghề và tìm cách chuyể sang nghề khác”. Theo điều tra của chúng tôi, thì phần lớn người trong làng Rùa bị cụt ngón, cụt đốt đều tìm đến bệnh viện Việt Đức điều trị. Cách nhà anh Thực vài ngõ, chị Hiền con dâu ông Trường cũng vừa bị máy đột dập dập nát 2 đốt tay sau anh Thực 3 hôm cũng đang điều trị. Điều ngạc nhiên với chúng tôi là trong làng “cụt ngón” chuyện người làm nghề bị mất vài đốt tay, ngón tay họ coi đây là chuyện thường... người nào bị nhẹ vẫn tiếp tục làm nghề, còn nặng thì chỉ có nước bỏ nghề tìm kế khác mà sinh nhai.


Theo ghi nhận của chúng tôi, trung bình một ngày Trạm y tế xã tiếp nhận từ 1 -2 trường hợp tai nạn lao động, ngày nhiều có thể lên tới 7 - 8 trường hợp, trong số đó phần lớn là thanh niên độ tuổi từ 15 đến 35, thậm chí có con em người làm nghề bị cụt mất ngón mới chỉ 12 tuổi. Người dân làm nghề còn cho chúng tôi biết, nhiều căn bệnh nhãn tiền thời gian gần đây cũng xuất hiện ở người già, trẻ em như: đau mắt, lao, đường hô hấp, bệnh ngoài da... đều do thủ phạm là ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt làng nghề gây lên.

Đi tìm “thuốc chữa”

Để có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân làm nghề ở đây đã thuê mướn hàng trăm lao động ở các vùng lân cận, hộ nào sản xuất lớn trong xưởng lúc nào cũng có tới 25 -30 lao động làm việc thường xuyên, còn ít thì có tới 5 - 10 lao động. Hiện nay, ở làng “cụt ngón” có khoảng 50 cơ sở sản xuất lớn nhỏ với hàng ngàn lao động, phần lớn số lao động được thuê vào làm nghề chủ yếu hợp đồng "bằng miệng", rất ít chủ ký kết hợp đồng đóng bảo hiểm và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn lao động. “Nếu người làm thuê chẳng may bị máy nghiền cụt mất ngón, mất đốt, chủ nhà chỉ trả tiền điều trị là xong và chấm dứt hợp đồng miệng về nhà tìm việc khác”. Chị Tạ Thị Khoa, một chủ cơ sở làm nghề cho chúng tôi biết. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong, nhưng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người làm nghề và tai nạn nghề luôn rình rập trên đầu người làm nghề bất cứ lúc nào. Theo phân tích của anh Thực thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn nghề nghiệp là thời gian làm việc kéo dài, ảnh hưởng của tiếng ồn gây lên mệt mỏi, người lao động chủ quan, mất tập trung, buồn ngủ...

Ông Bình cho biết: “Khó khăn của UBND xã chúng tôi là việc vận động người dân làm nghề thực hiện các quy định bảo hộ an toàn lao động. UBND xã đã có biện pháp vận động, tuyên truyền đối với những hộ làm nghề thực hiện các quy định về an toàn lao động, thực hiện ký kết hợp đồng đối với những cơ sở thường xuyên sử dụng lao động, ý thức bảo vệ môi trường, nhưng rất ít cơ sở thực hiện”.

Được biết, UBND xã Thanh Thuỳ đang xúc tiến quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề kim khí với diện tích 5,9 ha. Mục đích tập trung các cơ sở sản xuất của những hộ làm nghề ra khỏi khu dân cư tránh ô nhiễm môi trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề mở rộng sản xuất cũng như cho chính quyền thực hiện vận động, tuyên truyền thực hiện quy định an toàn lao động dễ dàng hơn, tuy nhiên dự án này hiện nay vẫn nằm trên bàn giấy chờ kinh phí. Số lượng người tai nạn lao động ở làng “cụt ngón” đang ngày một gia tăng và chính quyền địa phương còn rất thờ với vấn đề này và lúng túng trong việc tìm phương thuốc điều trị cho vấn đề tai nạn lao động ở làng nghề.


N. Hiếu
 
Top