Những câu hỏi thường gặp về Cimatron (Phần 3)

Author
Phần 3 : Thiết kế khuôn mẫu



Ưu điểm của Cimatron trong việc thiết kế khuôn là gì ?
Có một số ưu điểm như sau :
- Đường lối thiết kế linh hoạt
- Làm việc với các mô hình bị lỗi bề mặt rất tốt
- Thư viện đầy đủ và có nhiều chức năng hỗ trợ

QuickSplit là gì ?
QuickSplit là modul chuyên dùng cho việc phân khuôn. Chức năng chính của nó là tạo ra mặt phân khuôn và tạo ra các tấm khuôn. Đây là modul tối thiếu người dùng phải mua để thực hiện việc thiết kế khuôn trên Cimatron​

MoldDesign là gì ?
MoldDesign là modul chuyên dùng cho việc thiết kế moldbase. Chức năng chính của nó là tạo ra bộ áo khuôn, slider, lifter, thiết kế hệ thống cấp nhựa, hệ thống đẩy và hệ thống đường nước trong khuôn cũng như những chi tiết phụ trợ khác trong khuôn. Việc thiết kế trong MoldDesign rất tiện lợi vì Cimatron có một thư viện các chi tiết tiêu chuẩn và moldbase rất phong phú. Điều kiện để sử dụng modul này là người dùng phải mua modul QuickSplit trước đó.​

Quá trình thiết kế khuôn nhựa trong Cimatron gồm những bước nào ?
Quá trình thiết kế khuôn nhựa trong Cimatron gồm 2 bước chính​
- QuickSplit : người thiết kế kiểm tra sản phẩm, chọn độ co rút và dùng các công cụ tách khuôn để tạo các tấm khuôn đực, tấm khuôn cái
- MoldDesign : thiết kế hoàn chỉnh bộ khuôn với các cơ cấu khác như slider, lifter, hệ thống dẫn nhựa, đường nước làm mát, hệ thống đẩy…
Lưu ý : QuickSplit có thể thực hiện trong môi trường Part rồi đưa kết quả và môi trường MoldDesign hoặc thực hiện trực tiếp trong môi trường MoldDesign.

ECO là gì ?
ECO - Engineering Change Oder là thuật ngữ dùng để chỉ tính năng cập nhật tự động nguyên bộ khuôn trong trường hợp có sự thay đổi sản phẩm mẫu. Nguyên tắc làm việc của ECO là so sánh sản phẩm mới với sản phẩm cũ, tìm ra những bề mặt bị thay đổi (thêm vào và bớt ra), sau đó cập nhật những thay đổi này vào mặt phân khuôn và các tấm khuôn đã có. Đây là một tính năng đặc biệt hữu ích vì nó giúp người thiết kế khuôn không phải thiết kế lại toàn bộ khuôn khi có sự thay đổi nhỏ trên sản phẩm.​

Có thể đưa sản phẩm mẫu ở định dạng trung gian như igs hay stp vào thẳng môi trường MoldDesign được không ?
Được. Với những sản phẩm đơn giản, không bị lỗi có thể làm như vậy. Nhưng với những sản phẩm phức tạp, người dùng nên đưa nó vào môi trường Part trước để di chuyển, xoay chi tiết về đúng hướng mở khuôn và thực hiện thao tác chỉnh sửa (nếu cần thiết).​

Sản phẩm bị lỗi hở bề mặt có thể tách khuôn hoặc gia công trong Cimatron hay không ?
Tùy mức độ lỗi. Nếu như khe hở nhỏ, Cimatron có thể bỏ qua để người thiết kế có thể tiếp tục công việc. Đây chính là một ưu điểm rất lớn của Cimatron trong việc thiết kế khuôn.​
Trong trường hợp khe hở quá lớn, người dùng vẫn có thể nhanh chóng vá chúng lại dựa trên những công cụ xử lí bề mặt mạnh mẽ của Cimatron​

Khi thiết kế khuôn, Cimatron có cho phép ta bố trí số lượng sản phẩm bất kì không ?
Có. Ngoài một số kiếu bố trí sản phẩm mặc định (2, 4, 8 sản phẩm …), Cimatron cho phép người dùng tạo ra những kiểu bố trí sản phẩm bất kì theo yêu cầu thiết kế.​

Trong môi trường MoldDesign có mấy loại UCS ?
Nếu không tính đến các UCS có sẵn trong chi tiết mẫu, trong môi trường MoldDesign người dùng sẽ gặp những loại USC như sau :​
- Layout UCS : UCS của tập tin layout dùng để định vị chi tiết mẫu trong môi trường MoldDesign. Số lượng UCS này tùy thuộc vào loại layout người dùng lựa chọn ban đầu
- Assembly UCS : UCS mặc định có sẵn của môi trường Assembly, nằm ngay trung tâm và có màu đỏ
- Work CS : UCS của chi tiết mẫu được tạo thành khi tạo ra mẫu
Khi định vị, Cimatron sẽ gắn Work CS vào Layout UCS và người dùng có thể điều chỉnh vị trí tương đối của Work CS để bố trí sản phẩm đúng với yêu cầu thiết kế
Khi đưa Moldbase vào, mặt tiếp xúc của hai nữa cố định và di động sẽ đi qua Assembly UCS​

Vì sao khi Cut Active, có lúc dùng tùy chọn Cut thành công, có lúc phải chuyển sang tùy chọn Import ?
Nếu mặt phân khuôn được thiết kế tốt, không có khe hở (hoặc khe hở nhỏ), việc cắt tấm khuôn sẽ thành công bằng tùy chọn Cut. Nếu mặt phân khuôn còn khe hở lớn, việc cắt không thể tiến hành được, Cimatron sẽ chuyển sang tùy chọn Import, tức là đưa mặt phân khuôn vào tấm khuôn, sau đó cho phép người dùng xử lí mặt phân khuôn bằng tay sau đó cắt lại một lần nữa. Đây là một ưu điểm của Cimatron vì nó không bắt buộc người dùng hoàn thiện mặt phân khuôn trước khi cắt các tấm khuôn​

Nếu sản phẩm có tính đối xứng thì Cimatron có thể thiết kế nhanh hơn không ?
Tất nhiên là nhanh hơn vì khi đó người dùng chỉ cần thiết kế mặt phân khuôn ở một phía sau đó tiến hành lấy đối xứng (bằng lệnh Assembly > Mirror Parts). Về sau, nếu chi tiết gốc có thay đổi, những thay đổi này cũng sẽ được cập nhật lên chi tiết đối xứng​

Công dụng của lệnh Parting Line Preview ?
Lệnh này cho phép người dùng quan sát được những giao tuyến của các mặt phân khuôn. Ngoài ra, sau khi thực hiện những lệnh này, những mặt phân khuôn được tạo ra sau đó sẽ được tự động gán về các hướng mở khuôn đã có mà không dùng thêm lệnh Parting Attribute​

Cimatron có công cụ tạo mặt phân khuôn tự động không ?
Có. Cimatron có hai lệnh để tạo mặt phân khuôn tự động là Internal (tạo mặt phân khuôn bên trong) và External (tạo mặt phân khuôn bên ngoài).​
- Để sử dụng lệnh Internal, người dùng cần tạo trước đường bao kín bằng lệnh Intenal Curve. Lệnh Intenal sẽ tự động nhận diện các vùng hở và phủ kín chúng lại. Cách thức thực hiện lệnh này gần giống với lệnh Modify > Boundary > Islands
- Để sử dụng lệnh External, người dùng cần tạo ra 1 đường composite và Cimatron sẽ kéo dài bề mặt phân khuôn theo những đường composite đó tương tự như lệnh Extend hay Sweep.
Tuy thực hiện nhanh nhưng hai lệnh này chỉ áp dụng được trong trường hợp sản phẩm không bị lỗi và các bề mặt tương đối bằng phẳng, không cắt lẫn nhau (nếu kéo dài)

Vì sao có lúc tạo mặt phân khuôn ngay trong mẫu, có lúc lại tạo ra một tập tin mới ?
Việc tạo mặt phân khuôn ngay trong chi tiết mẫu được thực hiện trong những tình huống sau​
- Khuôn chỉ có 1 sản phẩm
- Khuôn có nhiều lòng khuôn nhưng sản phẩm khác nhau và tương đối đơn giản
Trong những tình huống sau thì nên tạo mặt phân khuôn trên một tập tin mới​
- Cần tạo mặt phân khuôn chung cho khuôn có nhiều lòng khuôn
- Khuôn có một sản phẩm nhưng kết cấu phức tạp

Cimatron có sử dụng thư viện trong quá trình thiết kế khuôn không ?
Tất nhiên là có. Mặc định Cimatron có sẵn 1 thư viện chi tiết máy, moldbase và dieset để người dùng sử dụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, Cimatron còn cung cấp cho người dùng các công cụ cần thiết để có thể tự tạo ra những thư viện mới, đáp ứng tối đa yêu cầu của từng công việc đặc thù​

Moldbase sau khi đưa vào môi trường MoldDesign có thể chỉnh sửa được không ?
Tất nhiên là được nhưng việc sửa chữa này có một số hạn chế. Cụ thể người dùng chỉ có thể sửa được kích thước, còn kết cấu thì không thể sửa được.​

Có thể tự ý thay đổi các kích thước trong catalog của Cimatron không ?
Được. Nếu cần có một sự thay đổi nhỏ về kích thước, người dùng có thể điều chỉnh trực tiếp trong lúc chọn chi tiết tiêu chuẩn bằng cách chọn tùy chọn Predefine as non-standard trong hộp thoại Component Selection và nhập giá trị mới vào ô kích thước tiêu chuẩn​

Cimatron thiết kế điện cực như thế nào ?
Cimatron thiết kế điện cực trên cơ sở tự động copy những về mặt cần tạo điện cực trên sản phẩm, kéo dài chúng và gắn vào những holder có sẵn trong thư viện. Sau đó người dùng có thể xuất bản vẽ hoặc lập các phiếu công nghệ EDM hoàn toàn tự động. Ngoài ra Cimatron cho phép người dùng tạo ra thư viện để tăng năng suất thiết kế.​
Lưu ý : điện cực tạo ra có hình dạng và kích thước hoàn toàn giống với bề mặt trên sản phẩm. Khi lập trình gia công điện cực, Cimatron sẽ có tùy chọn để offset tạo khe hở bắn điện (spark gap) trên điện cực.

Cimatron thiết kế hệ thống dẫn nhựa trong khuôn như thế nào ?
Về cơ bản, việc thiết kế hệ thống dẫn nhựa được thực hiện như sau​
- Tạo đường dẫn bằng cách vẽ trực tiếp nếu kênh nhựa nằm trên mặt phẳng hoặc dùng lệnh chiếu nếu kênh nhựa nằm trên mặt cong
- Chọn tiết diện kênh nhựa chính và kênh nhựa phụ
- Ghép các kênh nhựa thành một khối và cắt các tấm khuôn
- Chèn thêm các chi tiết tiêu chuẩn như bạc cuống phun, vòng định vị …

Cimatron có sẵn thư viện các miệng phun (gate) thường gặp không ?
Rất tiếc là hiện nay Cimatron chưa bổ sung loại thư viện này. Tuy nhiên người dùng có thể tự tạo ra chúng thông qua công cụ Parametric Import​

Cimatron thiết kế hệ thống làm mát trong khuôn như thế nào ?
Về cơ bản, việc thiết kế hệ thống làm mát trong Cimatron sẽ gồm những bước sau :​
- Vẽ đường dẫn bằng các lệnh 2D Sketch, Line …
- Chọn kích thước đường làm mát và cắt các tấm khuôn
- Đưa vào các chi tiết tiêu chuẩn : plug, O-ring …

Cimatron thiết kế hệ thống đẩy như thế nào ?
Về cơ bản, việc thiết kế hệ thống đẩy được Cimatron tiến hành qua các bước sau​
- Chọn chốt đẩy trong thư viện chi tiết tiêu chuẩn và vị trí đặt chốt đẩy trong khuôn
- Xén các đầu chốt theo đúng hình dạng sản phẩm
- Khoan lỗ trên các tấm khuôn để lắp chốt

Cần chú ý gì khi làm việc trong môi trường MoldDesign ?
Người dùng cần chú ý một số điểm sau :​
- Xác định kiểu khuôn sẽ thiết kế : một hay nhiều lòng khuôn, có tính đối xứng hay không
- Xác định rõ đối tượng đang làm việc : mặt phân khuôn hay chi tiết mẫu, đang ở môi trường Assembly hay Part
- Thường xuyên dùng các công cụ phân tích để kiểm tra góc thoát khuôn, khe hở …
- Chú ý tùy chọn Cut khi đưa các chi tiết tiêu chuẩn vào khuôn để việc tạo khoảng trống lắp ghép được thực hiện tự động

Chức năng Extract Insert by Contour làm việc như thế nào ?
Tính năng nà y mới xuất hiện trong Cimatron E10 với khả năng tích hợp “4 trong 1” thao tác cắt ghép insert trong một bản vẽ lắp. Nếu với những bản Cimatron trước đó, khi người dùng muốn tạo 1 insert từ một chi tiết lớn (ví dụ tấm khuôn), người dùng phải​
- Dùng lệnh Divide để chia thành 2 khối
- Xuất khối mới ra tập tin riêng
- Xóa phần đã chia ở khối cũ
- Ghép khối mới vào khối cũ.
Nếu dùng lệnh Extract Insert by Contour, tất cả những thao tác kể trên sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động, người dùng chỉ cần chọn tên và vị trí của insert mới mà thôi​

Khi thiết kế khuôn trong Cimatron thường gặp những lỗi gì ?
Những lỗi thường gặp khi thiết kế khuôn trong Cimatron​
- Không định vị chính xác được vị trí của sản phẩm trong khuôn. Nguyên nhân : do có sự nhầm lẫn giữa các USC hoặc sai lệch kích thước lúc lắp ghép
- Không cắt được tấm khuôn bằng mặt phân khuôn. Nguyên nhân : mặt phân khuôn bị lỗi
- Không dùng được một số lệnh thông dụng. Nguyên nhân : đối tượng yêu cầu nằm trên một chi tiết khác (do không kích hoạt chi tiết cần làm việc)
Hoàng Khương

Những thông tin trên đây phản ánh những kiến thức cá nhân về phần mềm Cimatron, được viết với mục đích giải đáp những thắc mắc thường gặp của người dùng. Nó không phải là thông tin chính thức từ hãng Cimatron và có thể thay đổi mà không cần báo trước
Tải bản PDF
ở đây
 
Last edited:
Top