Những câu hỏi thường gặp về Cimatron (Phần 5)

Author
Phần 5 : Lập trình gia công


NC Solution là gì ?
NC Solution là modul cơ sở cho giải pháp CAM trên phần mềm Cimatron. Nó chỉ gồm những chức năng cơ bản như gia công 2.5D, khoan lỗ, quản lí thư viện dao, mô phỏng và kiểm tra quá trình chạy dao. Tuy ít chức năng nhưng đây là modul bắt buộc phải có khi lập trình gia công trên Cimatron. Tùy theo yêu cầu công việc, người dùng có thể chọn mua thêm những modul khác như gia công 3 trục, 4 trục hoặc 5 trục.​

Nếu chỉ mua NC Solution gia công, người dùng có thể sử dụng những công cụ CAD không ?
Được. Người dùng được sử dụng tất cả những công cụ của môi trường CAD để làm việc. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất, người dùng phải quay trở về môi trường CAM để lập trình gia công chứ không thể xuất kết quả ra dưới dạng tập tin CAD dạng .elt được. Tuy nhiên, nếu người dùng có license cho những định dạng trung gian như igs/stp, người dùng có thể xuất mô hình CAD ra những định dạng này.​

Cimatron E có thể mở được những file định dạng pfm của Cimatron IT không ?
Được. Cimatron có thể mở, nhận dạng những kiểu chạy dao cũ và tiếp tục làm việc với những tập tin này​

Lập trình gia công bằng Cimatron có khó không ?
Cimatron thuộc nhóm phần mềm lập trình đa dụng nên có rất nhiều tham số chạy dao. Với người mới bắt đầu thì việc hiểu hết những thông số này là rất khó nhưng khi đã có kinh nghiệm với Cimatron, người lập trình sẽ có thể cấu hình đường chạy dao theo ý muốn và thấy được sức mạnh thật sự của nó​

Lập trình gia công bằng Cimatron có ưu điểm gì ?
Có một số ưu điểm có thể kể đến như :​
- Tận dụng được thế mạnh về CAD trong trường hợp chi tiết gia công bị lỗi bề mặt
- Có nhiều kiểu chạy dao phong phú, linh hoạt
- Khả năng tùy biến đường chạy dao cao
- Có thể tạo templete cho những chương trình mang tính lặp lại (ví dụ như gia công điện cực)
- Tương thích với nhiều bộ điều khiển trên máy CNC

Lập trình gia công bằng Cimatron có nhược điểm gì ?
Có một số nhược điểm đã được ghi nhận như sau :​
- Nhiều thông số gia công nên khó học
- Khó kiểm soát vị trí vào dao
- Một số kiểu chạy dao còn nhiều đường chạy dao không (aircut)

Cimatron có lập trình gia công tiện không ?
Không. Từ bản Cimatron E7, hãng Cimatron đã không còn tích hợp modul lập trình tiện như những phiên bản trước đó​

Micromilling là gì ?
Micromilling là một modul được Cimatron phát triển chuyên cho việc lập trình gia công những chi tiết nhỏ với độ chính xác cao. Dựa vào những thuật toán tối ưu, Micro Milling có thể tạo ra những đường chạy dao với độ chính xác lên đến 0.1µmMicro Milling áp dụng được cho cả lập trình phay 3 trục và 5 trục​

Background calculation là gì ?
Đây là một trong những cập nhật nổi bật nhất trong bản Cimatron E10. Nó cho phép người lập trình tiếp tục lập trình những bước gia công tiếp theo trong khi Cimatron đang tính toán đường chạy dao cho bước gia công trước đó thay vì phải đợi Cimatron hoàn thành việc tính toán như những phiên bản cũ​

SuperBox là gì ?
Đây cũng là giải pháp lần đầu tiên được Cimatron đưa ra trong năm 2010 để hỗ trợ việc tính toán đường chạy dao khi lập trình gia công. SuperBox thật chất là một máy tính cấu hình cao được kết nối vào hệ thống máy tính đang có tại doanh nghiệp qua giao thức TCP/IP để nhận dữ liệu, tính toán và gửi trả dữ liệu về các máy tính trong hệ thống. Thông tin chi tiết về SuperBox có thể tham khảo thêm tại đây.​

Trong Cimatron có những kiểu chạy dao nào ?
Trong Cimatron có một số kiểu chạy dao chính (gọi là Procedure) như sau :​
- Volume machining : cắt vật liệu theo khối, chủ yếu dùng gia công thô
- Surface Machining : chạy theo bề mặt chi tiết, chủ yếu dùng gia công tinh
- Remachining : gia công vét lại những vị trí thừa vật liệu với dao nhỏ hơn
- Local Operation : chạy dao gia công tinh
- Contour Milling : lập trình gia công theo đường viền
- 2.5 Axes : chạy dao gia công 2.5 trục
- Drill : các chương trình gia công lỗ
- Connection : tạo đường chuyển dao cho kiểu gia công 3+2
- Transformation : di chuyển, sao chép bước gia công
- 5X Production : lập trình gia công 5 trục​

Kiểu chạy dao 2.5 Axes có ưu điểm gì ?
Ưu điểm của kiểu chạy dao này là tham số gia công ít, đơn giản và thời gian tính toán lúc lập trình rất nhanh nên với những yêu cầu gia công đơn giản (phay hốc, phay rãnh, phay biên dạng 2D) sử dụng nó sẽ mang lại hiệu quả cao so với các kiểu phay 3D.​

Cimatron lập trình 5 trục như thế nào ?
Thực ra Cimatron không tự mình phát triển các phương pháp phay 5 trục mà mua lại của hãng khác nên tính năng lập trình 5 trục của Cimatron hoàn toàn giống với Master hay Visi (cũng mua lại từ hãng này). Về cơ bản, nó có sẵn một số chương trình gia công chi tiết điển hình như turbin, cánh xoắn và những chương trình gia công chi tiết bất kì.​
Thao tác lập trình 5 trục thường bắt đầu từ việc xác định kiểu chạy dao (theo đường hay theo mặt), kế đến là cách điều khiển trục chính, cách thức ra vào dao và sau cùng là kiểm tra va chạm giữa dao với phôi và đồ gá, máy CNC​

AutoDrill là gì ?
AutoDrill là một kiểu chạy dao cho phép người dùng lập trình gia công lỗ nhanh hơn. Ưu điểm của nó là có thể tự động nhận dạng và phân loại các nhóm lỗ thông dựa vào đặc tính hình học. Người dùng chỉ cần chọn các nhóm lỗ để tạo chương trình gia công mới hoặc áp dụng lại những chương trình mẫu đã có là có thể hoàn tất việc lập trình mà không sợ sai sót.​

Những kiểu chạy dao cũ trong Cimatron IT có dùng được trong Cimatron E không ?
Được. Cimatron vẫn giữ lại những kiểu chạy dao cũ của bản IT trong các bản E. Những kiểu chạy dao này được gom chung vào nhóm Legacy xuất hiện trong các kiểu Volume Machining, Surface Machining và Remachining​

Trong Cimatron, Toolpath nghĩa là gì ?
Trong một số phần mềm khác, toolpath được hiểu là đường chạy dao nhưng trong Cimatron, Toolpath được coi là máy CNC. Cụ thể, khi bắt đầu lập trình, việc đầu tiên cần làm là tạo một Toolpath phù hợp (2.5X/3X/4X/5X)​

Trong môi trường gia công có mấy UCS ?
Trong môi trường gia công, người dùng có thể gặp các UCS sau đây :​
- UCS cơ sở dùng để định vị chi tiết gia công
- Toolpath UCS : điểm chuẩn trong Toolpath
- Procedure : điểm chuẩn trong lúc lập trình
- Reference UCS : UCS trong lúc post chương trình gia công​
Các UCS này có thể trùng nhau hoặc khác nhau tùy theo yêu cầu của người lập trình

Việc tạo phôi (Stock) có phải là bắt buộc trong Cimatron không ?
Không hoàn toàn bắt buộc. Có một số kiểu gia công bắt buộc phải có phôi mới thực hiện được (Volume, Surface) nhưng cũng có một số kiểu gia công như 2.5 Axes. Drill vẫn có thể thực hiện được mà không cần đến phôi.​

Mặt check surface là gì ?
Mặt check surface là những bề mặt mà người lập trình khai báo để Cimatron không cho dao chạy vào trong lúc gia công​

Vì sao đã tạo mặt check surface nhưng dao vẫn đi vào mặt check surface ?
Nếu đã chọn những mặt trên chi tiết làm mặt check surface nhưng người lập trình lại khai báo khoảng cách từ dụng cụ cắt đến những mặt này có giá trị âm thì dao sẽ vẫn đi vào.​

Vì sao có những lúc thiết lập xong thông số nhưng Cimatron không thể tạo ra đường chạy dao ?
Nếu Cimatron không thể tính toán ra đường chạy dao nghĩa là quá trình lập trình đã phát sinh lỗi. Thường gặp một số lỗi như sau :​
- Khai báo sai cao độ. Ví dụ, theo UCS của nguyên công, phôi có cao độ từ 0 đến 100 nhưng người dùng lại để giá trị Z Top và Z Bottom là 150 và 200
- Không có phôi để gia công (hoặc phôi đã gia công hết ở bước trước đó) thường gặp khi gia công Volume
- Dùng dao không phù hợp hoặc gá dao quá ngắn
- Người lập trình nhập vào thông số gia công không hợp lí​

Cimatron có tùy chọn chạy dao tốc độ cao không ?
Có. Hầu như với kiểu chạy dao nào Cimatron cũng đều có những tùy chọn cho việc chạy dao ở tốc độ cao như All Round, Trochoidal…Đến bản E11, Cimatron tích hợp luôn công nghệ phay Volumill chuyên dùng phay cao tốc.​

Cimatron có thể đưa ra những cảnh báo về chiều dài dao trong lúc gia công không ?
Trong những bản trước E11, Cimatron chỉ đưa ra chiều dài dao cần thiết (hoặc ngưng tính toán) cho chương trình gia công thô. Đến bản E11, tính năng này được mở rộng cho các chương trình gia công tinh. Trong trường hợp dao ngắn, Cimatron vẫn tính toán và đưa ra chiều dài dao cần thiết, người dùng chỉ cần gá dao lại mà không cần thực hiện lại quá trình tính toán.​

Cimatron có dự báo được thời gian gia công không ?
Tất nhiên là được. Người dùng có thể xem kết quả này trong lúc mô phỏng hoặc xem nhanh bằng cách click phải chuột vào procedure đã tính và chọn Show Execution Log

Cimatron có cho phép chỉnh sửa đường chạy dao theo kiểu thủ công không ?
Cho phép. Để thực hiện việc này, người dùng chọn chức năng Motion Editor sau đó thực hiện một số thao tác như xóa, di chuyển, nối các các đường chạy dao với nhau. Phải chắc chắn rằng sau khi chỉnh sửa các đường chạy dao là liên tục vì nếu có đoạn hở, người dùng sẽ không thể thoát khỏi lệnh Motion Editor.​

Cimatron có thể chia chương trình gia công thành từng file độc lập không ?
Trước đây Cimatron không có tính năng này và người dùng chỉ có thể thực hiện được thông qua việc cấu hình lại bộ Post Processor. Tuy nhiên, đến bản Cimatron E11, hãng Cimatron đã đưa nó vào một option để người dùng lựa chọn trong lúc xuất chương trình. Cụ thể, người dùng có thể chọn xuất cả chương trình gia công thành từng tập tin G-code dựa trên mỗi lần đổi toolpath, UCS, thay dao hoặc chuyển sang một bước gia công khác​

Sau những giá trị tham số gia công thường có 1 chữ f màu sắc khác nhau, ý nghĩa là gì ?
Màu của chữ f này biểu thị nguồn gốc của giá trị đang có​
- Màu xanh lá cây : giá trị tính toán mặc định theo công thức của Cimatron
- Màu xanh dương : giá trị do người lập trình chỉ định
- Màu đỏ : giá trị không hợp lệ​

Vì sao có một số tùy chọn trong bảng thông số gia công không được hiển thị ?
Vì một lí do nào đó nó đã được ẩn đi. Để bật lại, người dùng chỉ cần click phải chuột vào bất kì thông số nào trong bảng và chọn Show All (Global)

Cimatron có cho phép tạo thư viện dụng cụ cắt không ?
Tất nhiên là được. Người dùng có thể tạo trực tiếp trong Cimatron hoặc tạo sẵn trong Excel dưới dạng csv sau đó nhập vào Cimatron.​

Cimatron có cho phép tạo dao định hình không ?
Từ bản Cimatron E10, điều này hoàn toàn thực hiện được​

Nếu chi tiết gia công có sự thay đổi thì chương trình gia công có cập nhật theo không ?
Nếu chi tiết gốc bị thay đổi, Cimatron sẽ đưa ra cảnh báo để người dùng thực hiện lại việc tính toán (Execute)​

Người dùng có thể tạo ra các máy CNC bất kì để phục vụ cho việc mô phỏng quá trình gia công không ?
Có thể. Tuy nhiên việc làm này khá phức tạp và thường chỉ dùng trong trường hợp gia công trên máy 5 trục.​

Cimatron có cập nhật lượng vật liệu còn lại sau mỗi bước gia công không ?
Tất nhiên là có. Đến phiên bản Cimatron E10, tính năng này còn được nâng lên một cấp độ mới để có thể cập nhật lượng dư gia công cho các bước gia công có sự thay đổi vị trí gá đặt (ở các phiên bản trước, khi thay đổi UCS để đổi bề mặt gia công, lượng dư sẽ bị reset lại từ đầu).​

Cimatron có chức năng mô phỏng gia công không ?
Có. Cimatron cho phép mô phỏng gia công theo nhiều cách khác nhau :​
- Navigator : mô phỏng đường chạy dao ngay trong môi trường gia công. Người dùng có thể lựa chọn hiển thị từng phân đoạn nhỏ (block), hoặc từng lớp cùng cao độ Z (layer) hoặc toàn bộ bước gia công (procedure) cũng như bật tắt các đường chạy dao hoặc dụng cụ cắt
- Legacy simulator : mô phỏng kiểu truyền thống. Có thể mô phỏng quá trình bóc tách kim loại, kiểm tra chi tiết có bị cắt phạm hay không, nhưng không mô phỏng chuyển động của máy
- Simulator : kiểu mô phỏng mới và đầy đủ nhất. Có thể mô phỏng chuyển động của máy từ 3 đến 5 trục để kiểm tra va chạm giữa các bộ phận trong máy khi gia công.​

Cimatron hỗ trợ những bộ điều khiển nào trên máy CNC ?
Hiện tại, Cimatron hỗ trợ hầu hết những bộ điều khiển thông dụng như FANUC, SIEMENS, Heidenhain …​

Cimatron dùng chương trình gì để biên dịch mã APT ra mã G-code ?
Trước đây Cimatron dùng IMSPost nhưng sau này đã phát triển một ứng dụng riêng để thực hiện việc này, gọi là GPP2. Về mặt lí thuyết, nếu người dùng am hiểu về GPP2 sẽ có thể cấu hình được nó để post ra fiie G-code cho mọi loại máy CNC. Tuy nhiên, việc này không đơn giản chút nào !​

Có thể cấu hình lại bản nguyên công trong Cimatron không ?
Được. Việc này được thực hiện khá dễ dàng vì Cimatron sử dụng những biến XML để đại diện cho những giá trị thực tính toán được trong lúc lập trình. Chỉ cần người dùng biết tên các biến và cấu trúc bảng nguyên công do Cimatron qui định là có thể cấu hình lại được bảng nguyên công theo ý muốn.​
Hoàng Khương

Những thông tin trên đây phản ánh những kiến thức cá nhân về phần mềm Cimatron, được viết với mục đích giải đáp những thắc mắc thường gặp của người dùng. Nó không phải là thông tin chính thức từ hãng Cimatron và có thể thay đổi mà không cần báo trước
Tải bản PDF ở đây
 
Last edited:
Top