Status ngắn về Business, R&D - Thiết kế & Phát triển sản phẩm

Moderator
(1) "Thiết kế sản phẩm" ngày xưa giới hạn ở kiểu dáng, kết cấu, linh kiện,...
(2) "Thiết kế dịch vụ", ở context tương tự, giới hạn ở việc làm ra các cấu hình dịch vụ trong đó mô tả những gì khách hàng sẽ nhận được cùng với trình tự diễn ra,...
Ở tầm cao hơn, toàn diện hơn và cấp thiết thời đại hơn (higher calling) là thiết kế một thứ chạm vào cảm xúc, thấu hiểu tâm tư, đáp ứng trên mong đợi những mong muốn của khách hàng, dù người ra nói ra hoặc không.
(3) Đó chính là phạm trù của UX Design - Thiết kế Trải nghiệm người dùng, một thứ đặt người dùng/khách hàng vào trung tâm, thấu cảm với họ bằng cách đặt nhà thiết kế "nhập vai" vào chính xác vị trí của người dùng.
Khách hàng cần mua sản phẩm, một chiếc máy lọc nước chẳng hạn, không phải vì người ta cần có đồ bày trong nhà.
Bản chất là người ta cần dùng nước sạch, cần cả sự yên tâm về chất lượng nước.
Nên người ta sẽ quan tâm tới khả năng lọc sạch, độ chắc chắn của hệ thống, tới thẩm mỹ (để không làm xấu căn nhà!),...hơn là việc bên trong "ruột" chiếc máy ốc vít có tinh xảo không, chất liệu có sang chảnh không.
(4) Họ không đánh giá cao lắm việc chào mời giảm giá thay lõi máy lọc bằng việc có người của nhà sản xuất thường xuyên đến kiểm tra, hỗ trợ, vệ sinh máy đảm bảo nước luôn sạch.
Hiểu rõ người dùng, hình dung được trải nghiệm họ sẽ đi qua,...sẽ là những căn cứ vững chắc để làm ra, thiết kế ra những sản phẩm, dịch vụ khiến họ bật lên "WOW!"
Đó là Thiết kế đúng nghĩa, vượt trên cả phạm trù vật lý & phi-vật lý (sản phẩm & dịch vụ), là Thiết kế Cảm xúc.
Và khái niệm này, hay ho thay, hiện diện và cần thiết ở mọi lĩnh vực kinh doanh.
Tin tốt là, chúng ta có thể học được. Và có thể xuất phát từ nhiều background khác nhau.
(5) Ví dụ: Product Design từ K. Ulrich, Service Design từ/Design Thinking theo trường phái của IDEO, tư duy UCD/HCD (User/Human-Centered Design) từ Don Norman, hành vi tâm lý từ Dan Ariely,.
 
Moderator
BẠN ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?
hay bài toán Mức lương & Định giá sản phẩm, dịch vụ
Nay chia sẻ chút về chủ đề liên quan đến thu nhập, sát sườn của AE làm nghề.
Ngày mới ra trường, mình đi xin việc ở một công ty tư nhân nho nhỏ. Công ty chuyên làm thầu thiết bị công nghệ, mình apply làm chân biên dịch tài liệu kỹ thuật.
Khi phỏng vấn, anh GĐ hỏi lương mong muốn là bao nhiêu. Mình thật thà, phần cũng chẳng biết bao nhiêu là...đúng, bèn trả lời bao nhiêu cũng được ạ.
Sau này, khi đi làm, và khi tuyển người về làm, mình mới thấy đây là câu trả lời tương đối...vô trách nhiệm. Nó thể hiện bản thân chẳng biết gì về chính mình, về những giá trị mà mình có thể mang lại.
Về mình còn chả biết, thì làm được việc gì.
Trong ngành mình làm hiện tại, (Phát triển sản phẩm & Thiết kế Dịch vụ - Product Development & Service Design), có một mục khá hay ho là "Định giá Sản phẩm, Dịch vụ".
Nếu hiểu việc "đi làm" là bán "dịch vụ" (ở đây sức lao động của AE), mức lương chính là mức giá AE đặt cho dịch vụ ấy. Hãy hiểu cách tính để bán cho "được giá" nhé.
Cơ bản, có 3 cách "tính giá" SPDV
*** Tính giá dựa vào Chi phí bỏ ra (Cost based)
Nôm na là, để làm ra SPDV, AE cần bỏ ra những chi phí gì: chi phí vật chất, thời gian, cơ hội, phí vốn,...Cộng với kỳ vọng của AE về "lợi nhuận" -> sẽ ra "giá" bán SPDV.
Ví dụ: để đi làm, AE cần 1 tháng chi tiêu 5tr (quần áo, giày dép, xăng cộ, khấu hao xe, ăn uống, nhà cửa, điện thoại,...) + chi phí cơ hội nếu không đi làm thì AE có thể làm thêm việc ABC (tính 2 triệu/tháng) + phí vốn - để đi làm AE cần vay tiền mua xe - hết 1tr/tháng, phí phát sinh - vì đi làm nên AE phải chi thêm 1 tr/tháng,...
Tổng phí hết 9tr/tháng + kỳ vọng "sinh lời" của AE tầm 15% -> chừng 10,35tr là mức AE sẽ "bán" ~ mức lương đề nghị.
*** Tính giá dựa vào Giá trị mang lại (Value based)
Khác với cách bên trên, với Value based, bên tuyển dụng sẽ không quan tâm AE "đầu tư" những gì, cái họ quan tâm là hiệu quả.
Value based có nghĩa là nếu không có AE, doanh nghiệp làm ra được giá trị quy đổi là X đồng, có thêm AE sẽ được X+Y đồng (hoặc giá trị vô hình -> quy ra tiền). Y đồng là giá trị gia tăng mà AE mang lại. AE sẽ yêu cầu một phần của số Y đó -> là mức lương.
Ví dụ nhờ có AE mà công ty gia tăng được giá trị sản phẩm, bán hàng tốt hơn, kiếm thêm 1 tháng 1 tỷ. AE xin nhận 5% số đó, tức là 50 triệu/tháng. Đó là value based.
Cách tính này áp dụng cho những ai Thực sự biết mình có thể làm được gì -> nhân sự cấp tương đối cao.
*** Tính giá dựa vào Tình hình cạnh tranh (Competition based)
Cạnh tranh là quy luật tất yếu của thị trường. Cả hai người cùng mức chi phí đầu tư & mang lại hiệu quả như nhau, ai báo giá thấp hơn sẽ thắng.
Trong tình huống cạnh tranh -> doanh nghiệp sẽ xem ai làm được việc. Nếu khả năng làm việc so với yêu cầu công việc sàn sàn nhau -> họ sẽ chọn UV chào giá thấp hơn (như nhau ~ năng lực, thái độ, hòa đồng,...như nhau).
Khi có sự chênh lệch về performance -> DN cân đối chi phí tuyển dụng - đóng góp (quay lại chuyện value based)
Để đảm bảo thắng trong việc định giá dựa vào cạnh tranh -> cần tối ưu COST và tối đa hóa VALUE.
Value có thể tối đa hóa như thế nào, liên quan đến năng lực, kiến thức, kinh nghiệm và sự khác biệt mà AE có thể mang lại cho công việc. Đã từng bàn việc này rồi -> AE nên học hỏi, update và trang bị kỹ năng cả sâu cả rộng để phát triển.
Để ý sẽ thấy là với GIÁ, thường thì: Value based lớn hơn Cost based; nhưng Value based luôn bị giới hạn bởi competition based.
Value based mà nhỏ hơn Cost based thì xác định ở nhà cho đỡ...lỗ. Hoặc phải làm việc gì đó mà giá trị (ngoài tiền lương) mang lại đủ lớn để bù vào. Hoặc đi làm...không quan tâm lương, có WorldBank tài trợ.
Việc định giá SPDV này, áp dụng cho AE đi apply công việc.
Và áp dụng với các AE đang bán hàng, mở cty bán SP/DV (công ty sản xuất máy móc, thiết bị, cty dịch vụ CAD CAM, gia công, in 3D, đào tạo, tư vấn,...) đều có cách tính như nhau tất.
Khi có cơ sở tính toán khoa học, có phương pháp tính minh bạch -> "chào giá" của anh em sẽ thuyết phục và khả năng "bán được" sẽ cao hơn.
Còn ae nào cần sách, tư vấn, đào tạo mảng thiết kế, PTSP, R&D, tích hợp dịch vụ để bán thì liên hệ mình

Đôi dòng chia sẻ.
 

Nova

MES LAB Founder
Hàng Việt đang thua ngay trên "sân nhà"!

Việt Nam có 100 triệu dân, được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ lớn và từ trong sâu thẳm, người tiêu dùng Việt Nam cũng "khát" sản phẩm làm bởi người Việt. Tuy nhiên, bức tranh thực tế có phần ngược lại: Có quá ít sản phẩm Việt trên chính sân nhà trong khi "hàng ngoại" tràn ngập. Sự phổ biến của hàng tiêu dùng Thái Lan, đồ gia dụng Hàn Quốc, hay hàng cao cấp từ châu Âu, Mỹ, Nhật,...là minh chứng cho nhận định này.

Không nói đến những sản phẩm đòi hỏi công nghệ quá cao hay năng lực sản xuất cực lớn, ngay cả những sản phẩm "thông thường" như: nông sản, bánh kẹo, thực phẩm, đồ gia dụng đơn giản, và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác,...hàng Việt cũng tỏ ra lép vế.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp sản xuất và các startup Việt là những người thấm thía điều này. Tỷ lệ thành công của hàng Việt khi đi ra thị trường rất thấp và thường gặp một số vấn đề điển hình:

** Sản phẩm & dịch vụ làm ra không đúng với nhu cầu khách hàng và thị trường

** Sản phẩm thiết kế không tốt, kém thẩm mỹ, khó sử dụng, không thân thiện với người dùng,...

** Sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh, dễ hụt hơi trước đối thủ

** Quy trình thiết kế không hợp lý, không có chỗ để phản ánh feedback của khách hàng vào việc cải tiến sản phẩm

**Thiếu kế hoạch phát triển sản phẩm bài bản dẫn đến không kiểm soát được dự án, sản phẩm ra mắt không đúng thời điểm

Những vấn đề nêu trên sẽ bào mòn tính cạnh tranh của sản phẩm và làm suy yếu doanh nghiệp, làm suy sụp startup. Điều đó giải thích tại sao ở Việt Nam, tỷ lệ "sống sót" của doanh nghiệp nhỏ và startup rất thấp! Đây là thực tế không mấy vui vẻ.

Có một điểm đáng ngạc nhiên là rất nhiều doanh nghiệp & startup tương đối "liều mạng" khi đặt cược gần như tất cả vào các chiến dịch ra mắt sản phẩm hoành tráng nhưng lại khá mơ hồ trong việc phát triển ra sản phẩm đó.

Cần nhớ rằng chính "sản phẩm" là gốc rễ, là khởi nguyên quyết định dự án có thành công hay không.

Dài quá, để xem thế nào tus sau phân tích điểm yếu trong cách làm sản phẩm của doanh nghiệp Việt, so sánh với cách của "Tây" và thử đề xuất mô hình đổi mới, sáng tạo cho "Ta".

(còn tiếp)

Viết tiếp cái Tus bên trên (phần II)

×× Điểm yếu trong cách làm sản phẩm của doanh nghiệp & startup Việt

Một cách thẳng thắn, cần thừa nhận người Việt không mạnh về khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Nhưng với những sản phẩm không đòi hỏi quá cao về công nghệ mà chỉ yêu cầu đề cao quan sát, sáng tạo, thẩm mĩ, tiện dụng,...để phục vụ đời sống xã hội, lẽ ra người Việt có thể làm tốt hơn hiện tại. Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hàng Việt kém cạnh tranh nằm ở chỗ người Việt chúng ta hầu hết vẫn mang tư duy cũ, cung cách cũ vốn manh mún, nhỏ lẻ từ những thời bao cấp để áp dụng cho tình hình hiện tại nơi có cạnh tranh khốc liệt và thế giới thay đổi hàng ngày. Chúng ta chưa có phương cách làm sản phẩm mang tính khoa học, hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ thành công cao.

Kết quả là, doanh nghiệp và startup loay hoay với những sai lầm lặp đi lặp lại, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, cơ hội và sức chiến đấu.

Tôi đã từng tiếp xúc và làm việc cùng rất nhiều người "nước ngoài". Họ không phải lúc nào và nơi nào cũng giỏi hơn chúng ta nếu xét về sự thông minh, nhanh nhạy. Tuy nhiên, điểm khác biệt làm nên thành công của họ nằm ở cách làm việc. Khi làm sản phẩm hàng hóa, "nước ngoài" có cách làm rất chuyên nghiệp

×× "Người ta" làm sản phẩm chuyên nghiệp như thế nào?

Những vấn đề thường gặp đối với hàng Việt đã nêu ở phía trên là hoàn toàn có thể tránh được. Và đó cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp "nước ngoài" thành công đã áp dụng.

** Sản phẩm & dịch vụ sẽ sát với nhu cầu thị trường hơn nếu doanh nghiệp tiến hành tốt việc xác định nhu cầu khách hàng bằng các kỹ thuật "Đồng cảm".

** Sản phẩm & dịch vụ sẽ được thiết kế thân thiện hơn, dễ dùng hơn, dễ sản xuất hơn, hấp dẫn hơn,...nếu đội ngũ thiết kế nắm được các kiến thức về "Kiến trúc sản phẩm", "Thiết kế Công nghiệp", "Thiết kế cho Chế tạo", "Tạo mẫu & Thử nghiệm", "Tạo & Sàng lọc Concept",...

** Sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh cao hơn nếu việc "Xác lập thông số sản phẩm" trên cơ sở "So sánh Cạnh tranh" được triển khai chi tiết hơn.

** Feedback của khách hàng sẽ được phản ánh vào thiết kế sản phẩm giúp nâng cao chất lượng nếu Doanh nghiệp sử dụng quy trình "Phát triển sản phẩm lấy người dùng làm trọng tâm".

** Sản phẩm & dịch vụ có thể ra mắt đúng hạn, dự án đi đúng lộ trình đã vạch ra nếu đội ngũ thiết kế làm tốt ở các khâu "Lập kế hoạch Phát triển sản phẩm" và "Quản lý dự án".

Tất cả những phần "Trong ngoặc kép" phía trên đều là những thứ được cung cấp trong chuyên ngành "PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM" vốn đã có bề dày nhiều chục năm lịch sử và được đào tạo & ứng dụng thành công ở các nước tiên tiến. Rất tiếc là ở Việt Nam, chuyên ngành này chưa được phổ biến.

(Còn tiếp)

// Bài viết lần đầu hồi 2015, thêm đoạn II vào 2018.
// Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không đúng, không sai. Quan điểm 2023 có thể có một số thay đổi, cập nhật. Post lên as-is.
 
Moderator
LÀM ĐÚNG NGHỀ (written @ 2019)

Ở Hàn Quốc - nơi tôi đã làm việc 12 năm liên tục - có một quan niệm: Không cần biết bắt đầu từ vị trí nào, bạn luôn có thể học cách làm các việc mới, lĩnh vực mới. Cách học tốt nhất là xắn tay lao vào mà làm, từ việc nhỏ cho đến việc lớn. LÀM ĐỂ HỌC. Như ai đó nói đại ý: Làm đủ 10,000 tiếng ở một lĩnh vực >> sẽ thành chuyên gia. Tôi cũng tin vậy.

22 năm trước tôi vào học ĐH, chọn học ngành luyện kim, vật liệu, sau đi làm sang cả cơ khí, sản xuất,..

Nôm na là làm "đúng nghề" theo chuyên ngành được đào tạo chính quy.

Đùng một cái, hồi chuyển sang học MSc. ở ĐH Dongguk, vào ngành mới - Industrial Engineering - Giáo sư giao cho nghiên cứu về trí tuệ đám đông, thiết kế sản phẩm, xử lý thống kê, trực quan hoá dữ liệu,...Có vẻ không đúng nghề nữa rồi.

Ban đầu thấy khó kinh khủng, nhưng càng làm càng quen và dần thấy yêu thích. Tôi đoán các AE khác cũng nhiều người gặp tình huống tương tự. Chừng vài năm, "ngành mới" trở thành chuyên môn cứng, và đến khi bảo vệ Ph.D hồi 2017, tôi làm về...Sáng tạo Dịch vụ. Nghe xa gốc gác luyện kim ban đầu nhỉ?

Và giờ, khi làm chuyên môn Kỹ thuật (Quản lý & Thực thi R&D tại DN), những kiến thức của ngày xưa và ngày nay kết hợp hiệu quả không ngờ.

Nhớ lại ngày xưa, nếu vì lý do không đúng ngành và ngại khó, có lẽ tôi đã bỏ qua cơ hội học được những thứ hay ho và cần thiết nhất cho công việc của mình sau này, nói không ngoa, là "đôi cánh" nâng cho nền tảng kỹ thuật của bản thân.

Đừng ngần ngại nếu bạn đang lao vào một lĩnh vực mới. Đó là cơ hội để học hỏi và nó sẽ bổ trợ hữu ích cho những cái bạn đang có, bằng cách này hay cách khác. Như Steve Jobs nói: "Connecting the dots" - Kết nối các "dấu chấm" lại thành bức tranh sự nghiệp.

Làm việc nghiêm chỉnh với thái độ đúng đắn sẽ cho kết quả tốt. Chắc chắn thế.

Vấn đề là phải kiên trì.

Great things take time, bro.
 
Em là sinh viên năm nhất, e đang học ngành kinh doanh nhưng bây giờ e thích IT thì e nên chọn ngành nào? (e thích ngành IT hơn thì e nên chọn ngành nào )
 
Top