Tầm quan trọng của Kiểu Dáng Công Nghiệp

Author
Đã lâu rồi do bận công việc giảng dạy và phát triển doanh nghiệp nên tôi chưa có thời gian chia sẻ với các bạn.
Nhân tiện gần đây có rất nhiều doanh nghiệp có đặt câu hỏi liên quan đến TẦM QUAN TRỌNG CỦA KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP nên tôi xin được tổng hợp thông tin và chia sẻ một số quan điểm của cá nhân tôi về chủ đề này.
Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn đang quan tâm đến lĩnh vực này.
Như các bạn biết “Một sản phẩm có công năng tốt rất quan trọng. Nhưng như vậy là chưa đủ, sản phẩm sẽ khó có thể cạnh tranh được trên thị trường, nếu Kiểu Dáng của sản phẩm không đủ hấp dẫn thị giác của khách hàng” đây phát biểu của tôi trong Tuần lễ thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc năm 2019 và cũng nhận được sự đồng thuận của đa số doanh nghiệp tham gia trong buổi tọa đàm.
Vậy quan điểm của các bạn thì sao? Sau đây tôi xin được đi vào phân tích kỹ hơn các khía cạnh liên quan và rất hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ của các bạn về từng vấn đề mà tôi trao đổi nhé.
KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG
“Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này” – theo Cục Sở Hữu Trí Tuệ.
“Đặc điểm chung của kiểu dáng công nghiệp là tính dễ thay đổi theo thời gian xuất phát từ mục đích tạo cảm giác mới mẻ, gây thu hút, kích thích người tiêu dùng nên các doanh nghiệp không ngừng cải tiến, sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt trong quá trình kinh doanh” – theo CIS.vn.
Kiểu dáng công nghiệp là yếu tố quan trọng giúp khách hàng phân biệt giữa sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, có thể làm tăng giá trị thương mại của doanh nghiệp và sản phẩm của họ.
KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH MUA HÀNG NHƯ THẾ NÀO?
– Ấn tượng thương hiệu đầu tiên với khách hàng.

Kiểu dáng sản phẩm là đại diện cho thương hiệu của bạn khi khách hàng lần đầu bắt gặp và tìm kiếm. Dù luôn có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tuy nhiên trong xu hướng phát triển mới của thị trường thì “tốt gỗ phải tốt cả nước sơn”, tốt cả về công năng và hình thức.
Bởi trong tâm lý của người mua hàng thì sự cẩu thả và thiếu đầu tư cho kiểu dáng, hình thức thì không thể đồng nghĩa với một sản phẩm tốt được.
Kiểu dáng bên ngoài luôn là yếu tố quyết định tạo nên ấn tượng ban đầu. Ấn tượng đó có thể là tốt hoặc xấu. Nếu tốt sẽ mang lại cảm giác yêu mến còn ấn tượng xấu thì bạn sẽ nhanh chóng bị lãng quên hoặc có thể làm khách hàng cảm thấy khó chịu.
Trên kệ hàng siêu thị, kiểu dáng sản phẩm gần như mang tính quyết định việc liệu khách hàng có bị thu hút và muốn tới gần tìm hiểu sản phẩm của bạn hay không. Bởi vậy, điều bạn cần làm bên cạnh việc liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm đó là đầu tư để thay đổi kiểu dáng sản phẩm thật bắt mắt, sáng tạo, độc đáo, đủ sức thuyết phục khiến khách hàng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
– Khơi gợi nhu cầu tìm hiểu sản phẩm
Trong quá trình mua hàng, kiểu dáng có chức năng kéo khách hàng lại gần với sản phẩm để từ đó công ty có cơ hội giới thiệu đến khách hàng các chức năng, tính năng của sản phẩm.
Khi đã có ấn tượng ban đầu tốt đẹp với kiểu dáng sản phẩm, khách hàng sẽ suy nghĩ tới việc thử tìm hiểu xem liệu sản phẩm này có đặc tính gì và đáng sử dụng hay không và lợi ích mà họ nhận được khi sử dụng sản phẩm đó để tự thuyết phục mình có nên mua hay không.
Từ đó cho thấy kiểu dáng góp phần làm tăng khả năng tiếp cận với khách hàng và là yếu tố quan trọng dẫn đến việc ra quyết định mua sản phẩm của họ.
Lúc này, những sản phẩm có kiểu dáng độc đáo kết hợp với những tính năng hấp dẫn, tiện ích, làm hài lòng khách hàng cả nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng sẽ khiến khách hàng dễ dàng ra quyết định mua sản phẩm hơn.
– Tác động tới quyết định mua sản phẩm
Đa số người tiêu dùng rất coi trọng kiểu dáng, hình thức, mẫu mã sản phẩm, bởi kiểu dáng sản phẩm còn chịu sự ảnh hưởng của xu hướng thiết kế từ các ngành liên quan như thời trang, kiến trúc, nội thất…
Khi đời sống xã hội phát triển thì tư duy của con người cũng phát triển, thẩm mỹ của con người cũng được nâng cao, thói quen sử dụng cũng thay đổi và đặc biệt là môi trường sống cũng được thay đổi để phù hợp với con người mới.
Điều đó cho thấy không thể sử dụng những kiểu dáng cũ, những kiểu dáng kém thẩm mỹ cho người tiêu dùng hiện đại, không thể đưa những sản phẩm như vậy vào trong những không gian với những phong cách sang trọng, hiện đại được và đây được coi là thách thức lớn đối với các thương hiệu.
Có tới 64% người tiêu dùng quyết định mua hàng tại điểm bán mà không hề có sự nghiên cứu từ trước và kiểu dáng sản phẩm là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới quyết định đó.
Vì vậy có thể thấy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là làm sao để người tiêu dùng có thể yêu thích sản phẩm từ ấn tượng đầu tiên và đây trở thành yếu tố then chốt quyết định sức mua của thị trường với sản phẩm đó.
– Tác động tới ý định quay trở lại mua sản phẩm
Nếu tại điểm bán hàng; kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm là yếu tố ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn của khách hàng thì yếu tố hữu dụng của chúng lại quyết định sự hài lòng của khách hàng sau đó.
Người tiêu dùng thường kỳ vọng vào những sản phẩm có kiểu dáng độc đáo bắt mắt sẽ có công năng tốt, thuận tiện, dễ sử dụng….
Do đó, các yếu tố thẩm mỹ luôn được cân nhắc, cùng với các yếu tố kỹ thuật của sản phẩm mới hoặc được cải tiến. Đối với sản phẩm có kiểu dáng đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa chức năng và hình dáng thì cả hai yếu tố đó sẽ cùng góp phần tạo nên giá trị của sản phẩm khiến khách sẵn sàng quay trở lại với gian hàng của bạn vào những lần tiếp theo.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi đến cuối bài.
Rất hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn đang quan tâm đến lĩnh vực này và rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của các bạn!

(Bài viết có sự hỗ trợ của Vdesign Team)
 

Nova

MES LAB Founder
Tuyệt vời quá.

Có chuyên gia hàng đầu về Kiểu dáng công nghiệp tham gia diễn đàn thì cộng đồng sẽ nhận được rất nhiều giá trị từ những chia sẻ về mảng này.

Cảm ơn @Bien Nguyen và team @Vdesign R&D nhiều.
 
Mong NTK Huy Biển dành thời gian chia sẻ thêm cho mọi người kiến thức, cách làm và phương pháp thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm vì đa phần anh em làm kĩ thuật không được đào tạo về mảng này khi học ở trường, khi đi làm lúc va vào mới tìm hiểu nên đa phần kiến thức về thiết kế kiểu dáng công nghiệp khá rời rạc và chắp vá.
Xin cảm ơn
 
Bài viết chất lượng quá, mong anh Biển sẽ tiếp tục cho ra những bài viết tiếp theo về chủ đề Thiết kế Kiểu dáng công nghiệp để ae diễn đàn cùng nhận được nhiều giá trị.
 
Author
Về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp em không biết sẽ có yêu cầu gì? Mong anh chia sẻ thêm ạ
Chào bạn @Vitas cảm ơn câu hỏi của bạn!Theo Cục SHTT thì KDCN được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện như: Tính mới, Tính sáng tạo, Có khả năng áp dụng công nghiệp
- ĐK 01: Tính mới: Kiểu dáng sản phẩm của bạn phải có tính mới. "Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.". Theo kinh nghiệm của mình thì sản phẩm của bạn cần đảm bảo khác biệt khoảng từ 60-70% so với các sản phẩm trên thị trường là có thể đăng ký được. Với chuyên môn của mình thì mình có thể tạo ra các kiểu dáng mới bằng cách kết hợp linh hoạt các hình khối, đường nét dựa trên yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm kết hợp với việc mô tả chính xác làm bật lên nét khác biệt của kiểu dáng là có thể đăng ký được.
- Đk 02: Tính sáng tạo: Theo Cục SHTT " Kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng". Điều này đôi khi chúng ta cũng khó để nhận định tuy nhiên người ta sẽ dựa trên mức độ phức tạp trong tạo hình của Kiểu Dáng để đánh giá. Làm sao để kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng (nội dung này có thể anh em mình sẽ làm thành hẳn một buổi thảo luận nhỉ?)
- ĐK 03: Có khả năng áp dụng công nghiệp: Theo Cục SHTT: "Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp." Nội dung này khá rõ nên có thể không cần phải lý giải gì thêm. Miễn sao chugns ta tạo ra một sản phẩm có thể chuyển giao được công nghệ để bất cứ đơn vị nào có nên tảng công nghệ giống nhau đều có thể sản xuất ra được sản phẩm giống hệt nhau với quy mô công nghiệp
///Ở Cục SHTT họ sẽ có nghiệp vụ chuyên môn để khớp những thông tin bạn cung cấp vào nền tảng tra cứu của họ để đánh giá Kiểu Dáng Sản phẩm của bạn xem có đủ điều kiện bảo hộ không. Còn chuyên sâu hơn về luật thì bạn có thể đọc thêm luật SHTT hoặc sau này nếu có dự án cần đăng ký thì có thể nhờ các bên công ty Luật tư vấn thêm nha! Còn về làm sao để có thể tạo ra Kiểu Dáng sản phẩm có tính mới, tính thẩm mỹ cao và có khả năng đăng ký được thì mình luôn sẵn sàng tư vấn và chia sẻ cùng anh em trong các sự kiện trực tiếp của Meslab, vì vấn đề này rất khó để trao đổi qua phần bình luận này được.
 
Author
Mong NTK Huy Biển dành thời gian chia sẻ thêm cho mọi người kiến thức, cách làm và phương pháp thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm vì đa phần anh em làm kĩ thuật không được đào tạo về mảng này khi học ở trường, khi đi làm lúc va vào mới tìm hiểu nên đa phần kiến thức về thiết kế kiểu dáng công nghiệp khá rời rạc và chắp vá.
Xin cảm ơn
Chào anh @QuyetN92. Mình đồng cảm với những chia sẻ của anh. Phần thiết kế KDCN thì nhiều về mảng nghệ thuật, như anh em trong lĩnh vực của mình vẫn hay nói vui là bọn mình có 50% máu của anh em cơ khí và 50% máu của anh em nghệ sĩ. Mỗi anh em mình đều có một chuyên môn riêng tuy nhiên không phải vì thế mà các anh không làm được. Đôi khi có kiến thức về kiểu dáng công nghiệp chưa chắc đã sáng tạo ra được kiểu dáng công nghiệp, Nhưng sáng tạo ra được kiểu dáng công nghiệp thì chắc chắn phải có kiến thức về KDCN.
*** Về câu hỏi của anh: "kiến thức, cách làm và phương pháp thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm". trước tiên mình phải học hoặc nghiên cứu về các bộ môn nền tảng như Cơ Sở tạo hình (trong Cơ sở tạo hình (CSTH) có CSTH khối và CSTH mặt phẳng) 2 bộ môn này cho ta kiến thức cơ bản về cách thức tạo hình và đặc biệt là nền tảng về khả năng cảm thụ nghệ thuật. Phần thứ 2 là anh em cần nghiên cứu về nguyên lý thiết kế Kiểu dáng, Thiết kế cảm xúc, Tư duy sáng tạo...tất cả các nội dung trên kết hợp với Quy trình Phát Triển Sản Phẩm mà anh Nova chia sẻ thì anh em mình sẽ có thể tạo ra được Kiểu dáng sản phẩm phù hợp với đối tượng sử dụng, phân khúc, thị trường, vùng miền và đặc biệt là đáp ứng được năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
***Chia sẻ với bạn chút là: Trước mình cũng là học trò của anh Nova về bộ môn Quỳ Trình Phát Triển Sản Phẩm nhé. Khi mình có bộ công cụ này cộng vào phần chuyên môn của mình thì mình làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
***Nếu anh em cần tư vấn về Kiểu Dáng sản phẩm của doanh nghiệp mình thì chúng ta xin anh Nova một cái lịch để anh em mình giao lưu và kết nối, chia sẻ và cũng hỗ trợ nhau. Mình luôn sẵn sàng chia sẻ và tư vấn cho anh em trong khả năng chuyên môn của mình. Rất mong thời gian tới có nhiều cơ hội hơn để kết nối và giao lưu với anh em.
 
Author
Bài viết chất lượng quá, mong anh Biển sẽ tiếp tục cho ra những bài viết tiếp theo về chủ đề Thiết kế Kiểu dáng công nghiệp để ae diễn đàn cùng nhận được nhiều giá trị.
Cảm ơn @Minh Nguyen 34 đã động viên, Rất mong thời gian tới có nhiều cơ hội để giao lưu và kết nối với anh em!
 
Lượt thích: Nova
Top