Thách thức khi triển khai mô hình TQM trong doanh nghiệp

long8564

Active Member
Moderator
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang và có kế hoạch ứng dụng phương pháp Quản lý chất lượng toàn diện vào hoạt động quản lý nhằm nỗ lực cải thiện cách thức thực hiện công việc. Tuy nhiên làm thế nào để ứng dụng phương thức trên hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Dưới đây là một vài các trụ cột cũng như khó khăn khi triển khai TQM trong doanh nghiệp của bạn có thể tham khảo.
1.Các trụ cột của Phương thức Quản lý Chất lượng toàn diện (TQM) trong doanh nghiệp
  • Tập trung vào khách hàng. Khách hàng là mục tiêu kinh doanh và là động lực để doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong phương pháp TQM, tâm lý và phản hồi của khách hàng được theo dõi chặt chẽ thông bằng nhiều phương thức tiếp cận khác nhau như làm khảo sát, gọi điện thoại.
  • Sự tham gia của nhân viên. Nhân viên cần hiểu được mục đích và nguyên tắc cơ bản trong quá trình chuyển đổi trong công việc. Phương thức TQM không chỉ tăng cường sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp, nó là cách thức khơi dậy khả năng và lòng trung thành của nhân viên.
  • Quy trình là điểm trọng tâm. Doanh nghiệp cần có các quy trình cụ thể để thu thập và tích hợp phản hồi của khách hàng và nhân viên. Bên cạnh đó, các quy trình riêng biệt để hiện thực hóa TQM bằng cách điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp phải được xây dựng trước tiên và bám sát trong quá trình thực hiện.
  • Cấu trúc tích hợp. Muốn hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, doanh nghiệp cần có sự ổn định từ nội tại chính cơ cấu tổ chức cán bộ. Cụ thể, đối với TQM, để triển khai TQM hiệu quả, các phòng ban không chỉ hoạt động một cách riêng biệt mà cần học hỏi lẫn nhau và tinh chỉnh các quy trình của họ trong quá trình cùng làm việc.
  • Cách tiếp cận chiến lược. Các quy trình, cách thức hoạt động cần được điều chỉnh theo đúng tầm nhìn và mục tiêu đã được thống nhất trong doanh nghiệp. Tương tự, khi triển khai TQM, các cách thức và phương pháp thực hiện cần đi theo định hướng chung của doanh nghiệp, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
  • Giao tiếp chính xác. Khi triển khai TQM, sự giao tiếp rõ ràng, truyền đạt thông tin chính xác trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng, sẽ góp phần thu thập phản hồi xác thực, cải tiến trong quy trình trong doanh nghiệp.
  • Các cải tiến diễn ra liên tục. TQM trong doanh nghiệp có khả năng mở ra các thay đổi bởi khi triển khai phương thức này, các điểm mâu thuẫn trong quy trình hoặc hành động cụ thể được xác định và cải tiến để giảm thiểu các lỗi. Các cải tiến phải được diễn ra liên tục để các quy trình được sửa đổi một cách triệt để và luôn hoàn thiện.

2.Một vài thách thức trong quá trình triển khai mô hình TQM ở Việt Nam

– Các nhà quản lý còn yếu trong các kiến thức về quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến chất lượng. Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp đều hiểu rằng để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý tốt ở các khâu, các quá trình và các bộ phận, tuy nhiên việc quản lý đó như thế nào, áp dụng tiêu chuẩn hay các công cụ nào thì các nhà lãnh đạo cũng không thể nắm rõ được hết. Do đó khi triển khai TQM trong các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu là từ việc chỉ đạo không sát sao của ban lãnh đạo trong quá trình triển khai.

– Môi trường làm việc nhóm của người lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Mọi người vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm và thường thích làm việc một cách độc lập trong công việc. Trong khi đó, TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là đặc điểm của người lao động mà có thể do những người lao động này chưa được đào tạo về cách thức hoạt động nhóm, các kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng trong quá trình làm việc nhóm.

– Việc trang bị cho người lao động các công cụ để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế. Những người công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông và học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó việc đào tạo của doanh nghiệp hay bên ngoài cũng chưa được phù hợp cho đối tượng người học là những người công nhân này. Do đó việc họ tham gia vào các hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.



Kết

Với vai trò ngày càng cao của chất lượng sản phẩm trong việc thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, TQM đang trở thành một công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Việc tìm được giải pháp để hạn chế các vật cản trên sẽ là yêu cầu tiên quyết trước tiên của các doanh nghiệp khi muốn đưa mô hình TQM vào sản xuất và phát huy được lợi ích của mô hình này.
 
Top