VÀI KINH NGHIỆM THIẾT KẾ MÁY BẰNG SOLIDWORKS

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Khi thiết kế một cụm chi tiết máy với phần mềm SW, cách thông thường mà người mới dùng hay áp dụng là thiết kế riêng từng chi tiết máy trong môi trường (còn gọi là cửa sổ) Part, sau đó đưa chúng vào môi trường Assembly, gán các tương quan và khống chế bậc tự do cần thiết để lắp ráp chúng lại. Phương pháp này được gọi là kiểu thiết kế từ dưới lên (
Design).

Phương pháp này nói chung là đơn giản nên dễ thực hiện, tuy nhiên, nó lại có những hạn chế nhất định. Một trong những bất cập hay gặp nhất, đó là giữa các chi tiết máy lắp ráp với nhau lại có những sai lệch về kích thước, khiến cho việc kiểm tra để phát hiện và hiệu chỉnh rất mất thời gian, nhưng ta vẫn không chắc rằng chúng đã hoàn toàn tương hợp với nhau. Ví dụ một cổ trục đường kính 450 lắp vào một chiếc bạc có đường kính lỗ 452, không dễ gì ta phát hiện ngay ra sai lệch này; rồi khi đã phát hiện được thì liệu rằng ta sẽ có cách hiệu chỉnh thích hợp cho chi tiết nào (trục hay bạc?), những thay đổi đó có ảnh hưởng tới các kích thước khác và các chi tiết khác hay không?...

Bất cập nữa là việc thiết kế đòi hỏi ta rất thường xuyên phải thay đổi kích thước một số chi tiết máy ứng với các phương án khác nhau, lấy gì đảm bảo rằng sau khi thay đổi một chi tiết thì ta vẫn còn nhớ là phải thay đổi tương ứng đối với các chi tiết khác có liên quan với nó?

Tóm lại là phương pháp dưới lên tưởng rằng đơn giản lại hóa ra rất rắc rối nếu chiếc máy ta thiết kế lại có rất nhiều chi tiết thành phần và có nhiều phương án lựa chọn.

Kỹ thuật thiết kế từ trên xuống (Top-down Design) là cách thiết kế các chi tiết máy ngay trong cửa sổ Assembly. Với cách này, người ta thiết kế chi tiết máy chủ đạo trong Part, sau đó đưa nó vào Assembly và thiết kế những chi tiết còn lại trong môi trường này. Cách thiết kế này luôn luôn đảm bảo các tham chiếu và tương quan hình học giữa các chi tiết máy. Ví dụ, bạn thiết kế bạc trong Part rồi đưa nó vào Assembly, tại đây bạn thiết kế trục lắp vào bạc với tương quan Coradial giữa đường kính lỗ bạc và cổ trục thì sau này, khi bạn thay đổi đường kính bạc, đường kính trục cũng tự động thay đổi phù hợp. Khi thiết kế chi tiết trong môi trường Assembly, SW sẽ tự động tạo ra tập tin Part cho các chi tiết này và ta có thể mở các part đó ra để thao tác hoặc tạo Drawing cho chúng như bình thường. Tuy thế, phải thừa nhận rằng phương pháp này hơi rắc rối kể cả với người thành thạo và lại còn lạ lẫm với người mới dùng SW.

Với người có kinh nghiệm, họ thường thiết kế theo kiểu hỗn hợp, nghĩa là có một số chi tiết vẫn được thiết kế trong Part và số còn lại thì trong Assembly. Ngay cả với những chi tiết thiết kế trong Assembly thì họ cũng chỉ làm những feature nào đó có liên quan trực tiếp đến các chi tiết khác trong môi trường này, rồi lại dùng cửa sổ Part để hoàn tất những lệnh còn lại. Như vậy, quá trình thiết kế sẽ tương đối đơn giản và có tính tham chiếu cao, chúng trở nên rất linh hoạt và dễ hiệu chỉnh.

Trong phần Tutorial của SW, bài tập dựng mô hình bộ bản lề là một ví dụ hay. Đầu tiên, ta dựng các lá bản lề trong môi trường Part rồi đưa chúng vào Assembly để gán các tương quan và khống chế. Sau đó, ta dựng chốt bản lề trong Assembly để đảm bảo rằng nếu ta có thay đổi kích thước ống chốt (đường kính, chiều dài) thì chiếc chốt này cũng tự động thay đổi theo.
 
Anh DCL viết cũng ổn, tuy nhiên em thấy việc chọn các chi tiết, hay các feature để thiết kế trong assembly nhiều khi khá phức tạp, e thường dùng lệnh convert intities để lấy dấu cho các chi tiết lắp sau, với các chi tiết nhiều đường nét khi chọn các đường hay các mặt rất hay gặp khó khăn, anh có cách nào giải quyết dc ko ?
Cám ơn anh !
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Để tránh rắc rối khi xây dựng mô hình Part trong môi trường Assembly bao gồm nhiều chi tiết thành phần phức tạp, có thể áp dụng các "mẹo" sau:

1. Ẩn các chi tiết thành phần không trực tiếp tham chiếu tới part đang dựng.
2. Chỉ nên dựng các đặc điểm cơ bản của part này và các đặc điểm đó tham chiếu tới các thành phần khác trong Assembly. Các Feature còn lại của part này sẽ được hoàn thiện nốt trong cửa sổ Part của nó.
3. Sử dụng bộ lọc với những chế độ lọc thích hợp để dễ chọn các đối tượng.
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
THIẾT KẾ VỚI BẢNG TÍNH EXCEL

SolidWorks là phần mềm thiết kế 3D tham biến kích thước, nghĩa là hình dạng hình học của mô hình thiết kế được điều khiển bởi các giá trị kích thước tương ứng, khi ta thay đổi các giá trị này thì mô hình cũng thay đổi theo. Trong khi đó, các giá trị này thông thường lại là kết quả của các tính toán từ đơn giản đến phức tạp mà người thiết kế thường xuyên phải thực hiện bằng cách này hay cách khác: dùng Calculator hoặc nạp công thức trực tiếp vào hộp Modify khi lấy kích thước...

Việc dùng hộp Modify rất tiện, nhưng tiếc là nó chỉ cho phép thực hiện các phép tính số học đơn giản và không lưu lại công thức.

Dùng Calculator tuy có thể tính toán các công thức khá phức tạp, nhưng sau đó ta lại phải gõ giá trị của nó vào hộp Modify một cách thủ công. Sau này, nếu định thay đổi một biến nào đó trong công thức tạo ra kích thước, ta lại mất công tính lại lần nữa vì Calculator cũng không lưu lại các công thức đã tính... Quy trình này có thể phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình thiết kế, vừa mất thời gian, vừa nhàm chán và đặc biệt nguy hiểm vì rất dễ nhầm lẫn mà ta không dễ gì phát hiện nguyên nhân.

Có một tính năng rất thú vị trong SW, đó là sử dụng bảng thiết kế Design Table, mà bản chất là bảng tính Excel được liên kết với từng file thiết kế cụ thể. Bây giờ thì đến lượt các kích thước mô hình lại được điều khiển bởi bảng tính và nhờ vậy, ta có thể tính toán các kích thước trong bảng tính, với đầy đủ các công thức từ đơn giản đến phức tạp, được lưu cẩn thận. Kết quả là ta có một phương pháp tính toán và quản lý các kích thước mô hình rất hiệu quả. Đối với những mô hình mà các kích thước là kết quả những tính toán phức tạp, phương pháp này càng tỏ rõ ưu thế. Nếu mô hình cần thiết kế lại có nhiều quy cách khác nhau (kiểu như các chi tiết tiêu chuẩn) thì rõ ràng đây là kỹ thuật thiết kế rất ưu việt.

Để minh họa cho phương pháp thiết kế bằng Excel, tôi xin làm một ví dụ sau:

THIẾT KẾ ĐĨA XÍCH LOẠI XÍCH ỐNG CON LĂN​

Nói chung, tính toán đĩa xích khá phức tạp và với mỗi quy chuẩn xích ống con lăn khác nhau và/hoặc số răng khác nhau thì đĩa xích cũng khác nhau. Ta có thể áp dụng bảng Excel để thiết kế đĩa xích, để rồi khi cần có đĩa xích cho loại xích nào, số răng bao nhiêu... là gần như ngay lập tức, ta đã hoàn thành thiết kế từ một file có sẵn sau khi nạp vài dữ kiện.

Trong ví dụ này, ta thiết kế đĩa xích 14 răng cho xích ống con lăn loại bước xích 1 inch.

Đầu tiên, trên mặt Top Plane, ta vẽ 3 đường tròn đồng tâm tại gốc tọa độ, lấy các kích thước đường kính của chúng lần lượt là 80, 100 120mm để biểu diễn đường kính trong, đường kính vòng chia và đường kính ngoài cho đĩa xích. Dĩ nhiên các giá trị này là ngẫu nhiên, lát nữa ta sẽ bắt chúng phải tuân theo các giá trị được tính toán trong bảng.


Để dễ nhận biết các kích thước này trong bảng tính, ta đặt tên cho chúng theo các ký hiệu quen thuộc. Ta chọn kích thước đường kính 100 (là kích thước đường chia dc), click chuột phải và chọn Properties.... Trong hộp thoại này, đổi tên của kích thước tại trường Name thành dc rồi OK.


Tương tự, ta đổi tên các kích thước còn lại thành DeDi, tương ứng với đường kính ngoài và trong.

Sau đó, ta thoát khỏi Sketch, trên màn hình chỉ còn 3 đường tròn đồng tâm và không hiển thị kích thước. Để làm các kích thước xuất hiện, hãy right-click thư mục Annotations (trong Panel bên trái) rồi chọn Show Feature Dimensions.

Để đưa các kích thước này vào bảng tính, ta mở bảng tính như sau: mở menu Insert, chọn Design Table.... Tại bảng thuộc tính của Design Table, ta chấp nhận các thiết lập mặc định và nhấn OK. Một cửa sổ Excel xuất hiện trong vùng đồ họa (để bảng tính không che khuất các kích thước của hình vẽ, trước đó ta nên Pan hình vẽ xuống góc phải dưới màn hình) kèm theo hộp thoại Dimensions yêu cầu xác nhận các kích thước sẽ đưa vào bảng, nhấn OK để đóng hộp này lại.

Trong bảng tính, ô B2 đang được kích hoạt, hãy
kích thước 100 trong vùng đồ họa, ta sẽ thấy tên gọi và giá trị kích thước này xuất hiện trong bảng tính tại các ô B2B3. Tiếp tục làm như vậy với 2 kích thước còn lại, ta được kết quả như sau:


Giá trị các ô B3, C3 và D3 là giá trị các kích thước của mô hình được nhập vào, ta sẽ tính chính xác các giá trị này theo các công thức có trong giáo trình THIẾT KẾ CHI TIẾT MÁY quen thuộc.

Lưu ý: các tham số này phải được nhập sát nhau, chúng phải liền kề và không được cách quãng dù chỉ 1 cột.

Tại các ô A5, gõ: Bước xích t, A6: Đường kích con lăn D, A7: số răng Z.
Tại các ô B5, gõ: 25.4, B6: 15.88, B7: 14.

Lưu ý: không được để phần dữ liệu này sát vào phần tham số kích thước bên trên, tối thiểu phải đặt cách 1 hàng.


Ta có công thức đường kính chia dc = t / sin ( Pi / Z ) ,

Như vậy, giá trị của dc tại ô B3 được tính như sau: Click ô B3 (giá trị 100) và gõ: =B5/sin(Pi()/B7) (lưu ý không được có dấu cách) rồi Enter. Ta thấy giá trị của B2 bây giờ đã trở thành 114.147.

Ta có công thức đường kính đỉnh De = t [ k + 1/tg ( Pi / Z ) ]

Ở đây lại xuất hiện thêm Hệ số chiều cao răng k, hệ số này có giá trị tùy thuộc vào số răng của đĩa xích như sau:
Z < 11, k = 0.58; Z =11~17, k = 0.56; Z =17~35, k = 0.53 và Z >35 thì k = 0.50.

Tại ô A8, gõ: Hệ số k và ô B8 gõ như sau: =IF(B7<11,0.58,IF(B7<18,0.56,IF(B7<36,0.53,IF(B7>35,0.5)))) rồi Enter.
Ta thấy giá trị của k tại ô B8 nhận giá trị bằng 0.56.

Trở lại giá trị đường kính đỉnh De, tại ô C3, gõ: =B5*(B8+1/tan(Pi()/B7)) rồi Enter, giá trị mới sẽ là 125.51.

Đường kích chân răng được tính theo công thức: Di = dc – D.
Tại ô D3, gõ: =B3-B6 rồi Enter, ta có giá trị mới là 98.27.

Như vậy là ta đã lập công thức tính toán cho 3 thông số chính của đĩa xích, sau này, nếu ta thay đổi các dữ liệu bạn đầu như bước xích, số răng, đường kính con lăn… thì các thông số này sẽ cập nhật những giá trị mới.

Để tạo tên cho chi tiết thiết kế, ta gõ Đĩa xích vào ô A3 rồi click vào vùng đồ họa để đóng bảng tính và cập nhật mô hình. Nhấn OK để xác nhận những kích thước đã được đưa vào bảng tính (bạn sẽ thấy các kích thước có màu tím, cho biết rằng chúng đã được đưa vào bảng tính). Trong cây thiết kế bên trái, ta thấy có thư mục Design Table mới được tạo ra.

Nếu là phiên bản SW 2006 trở đi, sau khi đóng bảng tính, bạn vẫn thấy mô hình không thay đổi, các giá trị kích thước vẫn giữ nguyên (80, 100 và 120). Bạn hãy click vào nhãn ConfigurationManager trên đỉnh Panel bên trái:


Bạn sẽ thấy như sau:


Ta thấy có hai "cấu hình" là DefaultĐĩa xích, hiện tại thì cấu hình Default đang được kích hoạt.
thư mục Đĩa xích để kích hoạt nó, ta thấy lập tức các kích thước được cập nhật giá trị mới như vừa tính toán trong bảng tính:


(Nếu kích hoạt lại Default, tất nhiên là các kích thước sẽ lấy lại giá trị cũ, song ta không làm thế làm gì, ta vẫn dùng cấu hình Đĩa xích để tiếp tục công việc).

Hãy mở lại nhãn FeatureManager Design Tree (trên đỉnh Panel bên trái) để trở lại cây thiết kế.

Mở một Sketch mới, vẫn trên Top Plane, chọn đường tròn lớn nhất rồi chọn công cụ Convert Entities để tạo biên dạng và lệnh Extrude với điều kiện Mid Plane để tạo đĩa xích với chiều dày 10mm, dĩ nhiên đĩa này có đường kính đúng rồi, nhưng chiều dày chưa chính xác. Ta đặt tên kích thước chiều dày là B và sẽ đưa nó vào bảng tính để điều khiển nó.

Trong cây thiết kế, right-click thư mục Design Table và chọn Edit Table, bảng tính lại xuất hiện, ta nhập kích thước chiều dày 10mm vào bảng. Do chiều dày đĩa được tính toán trên cơ sở Chiều dài con lăn C nên ta cần đưa thêm giá trị này vào bảng tại phần dữ liệu, bằng 15.88.

Chiều dày B được tính theo công thức B = 0.93C – 0.15, như vậy kết quả thực tế của B phải là 14.6184. Do từ đây, bạn đã biết cách thao tác trên bảng tính nên tôi không nêu cụ thể nữa.


Tiếp theo là phần vát đỉnh răng với chiều cao h = 0.8D và bán kính r3 = 1.7D cũng được đưa vào bảng tính.


Bạn thực hiện lệnh vát bằng công cụ Revolved Cut để vát được một bên đĩa theo biên dạng này, dùng lệnh Mirror để vát phía đối diện.

Tiếp theo, ta cắt răng theo biên dạng như sau:


Ở đây, cung đáy răng có tâm nằm trên đường chia và tiếp tuyến với đường chân răng. Cung sườn răng cũng có tâm trên đường chia và tiếp tuyến với cung chân răng; khoảng cách giữa tâm hai cung này tạm lấy bằng 30mm, sau đó ta sẽ đưa khoảng cách này vào bảng tính để "ép" nó phải bằng bước xích t. Trong giáo trình TKCTM, phần vẽ biên dạng trình bày quá rắc rối, tất nhiên các bạn vẫn có thể làm theo đúng như vậy, song ở đây, tôi dùng cách thức đơn giản hơn (và chắc chắn đĩa xích vẫn làm việc hoàn hảo) như đã nêu.

Cuối cùng, dùng lệnh Circular Pattern để tạo thành 14 răng. Ta cũng đưa giá trị 14 này vào bảng tính và có giá trị bằng số răng Z tại ô B7.


Phần còn lại là tạo lỗ, rãnh then… là những đặc điểm riêng và không tuân theo các công thức cố định, ta không cần đưa chúng vào bảng tính làm gì.

Giờ thì bạn có thể tạo ra thiết kế cho bất kể đĩa xích nào với số răng và bước xích bất kỳ, chỉ mất vài phút. Bạn hãy thử tạo đĩa xích khác bằng cách thay đổi các dữ liệu trong bảng tính mà xem, rất thú vị và nhanh chóng!

Bạn nên lưu file này để mỗi khi cần thiết kế đĩa xích, bạn chỉ cần mở nó ra, mở bảng tính của nó và nhập vài số liệu, sau đó Enter và nhận được bản thiết kế mới.
 
C

cnnb4884

BÀI NÀY RẤT CÓ ÍCH CHO EM.TẶNG ANH MỘT ĐIỂM,VÀ CẢM ƠN ANH.MONG ANH PHÁT HUY ĐƯỢC THẾ MẠNH CỦA MÌNH.
 

ME

Active Member
DCL nếu có thời gian thì viết những bài nâng cao như thế này đi. Mỗi bài nên làm một topic riêng, đừng để lẫn.
 
L

lnson

Chào anh, em là thành viên mới. Bài viết của anh rất hay. Em co 1 vấn đề khi thực hành bài này là: Từ phần đầu đến khi tạo chiều dày bánh xích thì khi em thoát bảng design table thì chiều dày 10 mm không thay đổi. Anh có thể chỉ giúp em được ko. cảm ơn anh nhiều.
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Chào bạn Inson,

Bạn viết không rõ lắm, nên tôi không biết vấn đề bạn mắc cụ thể là gì: không có kích thước nào cập nhật giá trị mới được tính toán trong bảng, hay chỉ có kích thước chiều dày 10mm là không thay đổi thôi?

Nếu tất cả các kích thước đều không cập nhật giá trị mới thì bạn vui lòng xem lại bài viết trên, trong đó tôi vừa mới sửa lại và bổ sung thêm vài thao tác mà trong lần viết đầu, tôi quên chưa làm rõ, thành thật xin lỗi các bạn.

Nếu chỉ có kích thước 10mm là "cứng đầu" không cập nhật, bạn kiểm tra lại địa chỉ của giá trị này có đúng là nằm tại ô E3 và công thức có đúng là =0.93*B9-0.15 không?
 
L

lnson

Em làm dc rồi. Cảm ơn anh DCL. bài viết rất hay.
 

QuyenQCM

Active Member
bài viết của 1 bậc thầy
cháu tặng chú 1 point
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Trong học tập cũng như trong thực tế công việc, ta thường phải giải quyết bài toán TÌM HÌNH CHIẾU THỨ BA khi đã có hai hình chiếu của một vật thể. Để tìm được hình chiếu thứ ba, ta phải hình dung được vật thể từ hai hình chiếu đã cho, đây là kiểu bài toán rất thú vị và đôi khi khá hóc búa. Nhiều khi, các hình chiếu cho trước càng đơn giản bao nhiêu thì việc giải bài toán càng khó bấy nhiêu, vì nó cung cấp quá ít thông tin giúp ta tổng hợp thành hình dạng cụ thể của đề bài.

Nếu sử dụng phần mềm thiết kế 3D một cách khôn ngoan, ta sẽ dễ dàng đạt được kết quả, ta có ví dụ sau:

Cho hai hình chiếu của một vật thể như hình dưới, hãy xây dựng mô hình 3D cho nó:


Các bạn đừng xem phần giải bên dưới vội, hãy cố hình dung ra vật thể này đi, cũng khá khó tưởng tượng nhỉ?

Cả hình chiếu đứng và hình chiếu cạnh đều có hình dáng chữ U, ta hãy dựng 2 khối U có biên dạng nằm trên hai mặt tọa độ vuông góc, cho chúng giao nhau và tìm phần thể tích chung là được. Cụ thể như sau:

1. Chọn mặt Front Plane và vẽ biên dạng chữ U:


2. Dùng lệnh Extrude với tùy chọn Mid Plane và đẩy biên dạng với chiều dày chừng 100mm:


3. Tương tự, Chọn mặt Right Plane và vẽ biên dạng chữ U:


4. Cũng dùng lệnh Extrude với tùy chọn Mid Plane và đẩy biên dạng với chiều dày chừng 100mm, nhưng lần này nhớ hủy kiểm Merge Result để cho hai khối không hợp nhất với nhau:


5. Trong cây thiết kế (Panel bên trái), thư mục Solid Bodies(2) có hai biểu tượng khối đặc là Extrude1Extrude2 được tạo thành, hãy chọn cả hai khối này rồi right-click và chọn Combine.

6. Trong bảng thuộc tính Combine, chọn Common rồi OK. Ta có ngay kết quả như sau:


Khá bất ngờ đấy chứ? Kết quả này có giống như bạn đã hình dung khi đọc xong đầu bài không? Từ đó, ta có hình chiếu thứ ba, cũng đầy bất ngờ!


Qua ví dụ này, bên cạnh việc học cách vận dụng khôn ngoan các công cụ của SW, chúng ta còn rút ra một kinh nghiệm nữa là: trong thực tế, các bản vẽ kỹ thuật nên cân nhắc sao cho có ít hình biểu diễn nhưng vẫn thật rõ ràng và khó hiểu lầm.
 
H

hoc_hoi

Quá hay ....................................em đang học solidwork ...............đọc thêm bài này càng muốn học ............cám ơn anh rất nhiều
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Bạn Hoc_hoi thân mến,

Loạt bài viết của tôi chính là để giới thiệu, động viên và hỗ trợ các sinh viên đại học kỹ thuật, các kỹ sư trẻ... tiếp cận, làm quen và làm chủ phần mềm SolidWorks cũng như các phần mềm hỗ trợ tính toán và thiết kế khác. Trong quá trình áp dụng, nếu bạn (và các bạn) có vướng mắc gì, hãy chủ động nêu ra để mọi người (trong đó có tôi) cùng tham gia đóng góp.

Bạn chỉ nên trích dẫn những gì trực tiếp liên quan tới vấn đề mình quan tâm thôi nhé, để mọi người đỡ mất thời gian truy cập.

Chúc bạn thành công!
 

QuyenQCM

Active Member
Chú DCL cho hỏi là trong phần lắp ghép để thể hiện mối lắp ghen ren.làm thế nào khi ta gán thuộc tính quay của đai ốc thì nó tự tiến vào sâu bên trong bulong,liệu có cần gán chuyển động dọc trục bulong cho đai ốc không
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Chào Quyền,

Nói chung, người ta không có nhu cầu thể hiện quá trình lắp bu-lông trong các tổ hợp lắp ráp, vì chẳng để làm gì cả. Tuy nhiên, đôi khi cần mô phỏng quá trình hoạt động của bộ truyền vit-me và ê-cu. Khi đó, ta cần thiết kế hai chi tiết này với rãnh cắt răng đầy đủ và chính xác. Quyền làm thử xem có được không? (về nguyên tắc chắc là được, chỉ lo cấu hình máy tính không đủ mạnh thôi!).
 
L

lnson

Chào Anh DCL, em đang vẽ mô hình băng tải nhưng em không biết cách vẽ lưới băng tải. anh có thể giúp em được ko?
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
Chào Inson,

Tôi chưa hiểu ý bạn khi đề cập đến lưới băng tải là nói đến cái gì?

Băng tải thông thường có cấu tạo gồm nhiều lớp vải bạt PE tráng cao su rồi dán với nhau, chúng có tác dụng chịu lực (chủ yếu là lực kéo theo hướng chuyển động) trong quá trình băng tải hoạt động. Trên cùng và dưới cùng là các lớp cao su "bìa" có tác dụng chịu ma sát với vật liệu trên băng tải và các puly, con lăn đỡ của khung băng tải.

Với băng tải có độ dài rộng lớn và chở nhiều vật liệu nặng, người ta phải dùng động cơ công suất lớn để kéo và dĩ nhiên là lực kéo mà băng phải chịu cũng rất lớn. Khi đó, người ta dùng sợi thép làm vật liệu chịu lực. Chúng gồm rất nhiều cáp lụa thép nhỏ như sợi dây phanh và đặt cách nhau theo một mật độ xác định dọc theo băng tải, ngoài cũng vẫn là các lớp cao su bìa như băng tải PE nêu trên.

Với một số loại vật liệu dạng hạt nhỏ hoặc dạng bột và cần tải lên dốc cao, lớp bìa có thể được tạo gân để tránh tụt vật liệu hoặc có khi được gắn những tấm cong có dạng như những miệng gầu múc nước.

Dù sao, để diễn họa (Render) hoặc tạo hoạt cảnh (Movie), bạn có thể gán vật liệu dạng lưới cho đối tượng chứ không nhất thiết phải dựng mô hình như thật, cho đỡ phức tạp một cách không cần thiết.

Khi nêu các câu hỏi, bạn không nên "kiệm lời" quá, để những ai có thể giúp bạn được biết chính xác câu hỏi, như thế bạn sẽ dễ nhận được lời giải đáp chính xác hơn. Làm cho người khác hiểu mình là một nghệ thuật đấy, có khi còn khó hơn là để cho người khác không đoán được ý mình.
 

QuyenQCM

Active Member
DCL viết:
Chào Quyền,

Nói chung, người ta không có nhu cầu thể hiện quá trình lắp bu-lông trong các tổ hợp lắp ráp, vì chẳng để làm gì cả. Tuy nhiên, đôi khi cần mô phỏng quá trình hoạt động của bộ truyền vit-me và ê-cu. Khi đó, ta cần thiết kế hai chi tiết này với rãnh cắt răng đầy đủ và chính xác. Quyền làm thử xem có được không? (về nguyên tắc chắc là được, chỉ lo cấu hình máy tính không đủ mạnh thôi!).
Vâng nếu làm như thế thì được ạ,nhưng chắc chắn máy tính sẽ treo
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Author
THIẾT KẾ TỪ TRÊN XUỐNG
XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỪ HAI HÌNH CHIẾU

Trong bài viết đầu của chủ đề này, tôi có đề cập đến kỹ thuật Thiết kế từ trên xuống (Top-down Design), tức là thiết kế chi tiết máy trong môi trường Assembly, song chưa có ví dụ minh họa cụ thể.

Bài viết Tìm hình chiếu thứ ba bên trên đề cập đến việc phối hợp hai hình chiếu cho trước để xây dựng mô hình 3D cũng là một kỹ thuật hơi lạ và khá thú vị, được nhiều bạn quan tâm. Gần đây, có bạn đề nghị tôi làm rõ hơn kỹ thuật thiết kế này, cụ thể là thiết kế ống mềm (hoặc dây dẫn) nối giữa 2 vị trí đầu nối có sẵn.

Để kết hợp những vấn đề trên, chúng ta cùng xem xét ví dụ sau:

Trong mô trường Assembly, ta có hai chiếc bình đặt lệch nhau trên những cao độ khác nhau:


Và ta cần chế tạo một đoạn ống để nối hai mặt bích phía trước của chúng lại.

Đầu tiên, ta dựng các mặt bích của ống nối ngay trong môi trường Assembly này. Ta vào trình đơn Insert, Component, New Part....
Tại hộp thoại Save as, ta chọn nơi lưu tập tin Part của ống nối và đặt cho nó một cái tên rồi nhấn nút Save.
SW yêu cầu ta chọn một mặt phẳng để vẽ biên dạng cho ống nối, ta chọn bề mặt tròn của bích phía trên (tất nhiên là ta có thể chọn bích dưới cũng được), diện mạo các bình trở nên trong suốt và cửa sổ Assembly trở thành cửa sổ Part của ống nối. Dùng lệnh Convert Entities để chép các cạnh của bích cho biên dạng mới, trong minh họa là các nét màu đỏ.


Dùng lệnh Extrude để tạo thành mặt bích cho ống nối:


Làm tương tự với bích phía dưới, ta có mặt bích thứ hai của ống nối:


Như vậy, sau này, nếu ta có thay đổi kích thước các mặt bích của bình chứa hoặc vị trí tương đối giữa các bình chứa này thì các mặt bích của ống nối sẽ thay đổi theo cho phù hợp.

Bây giờ ta sẽ làm đoạn ống nối, ống này có tiết diện tròn (phù hợp với lỗ bích) và đường tâm cong trong không gian 3 chiều, ta sẽ dựng ống bằng lệnh Sweep. Muốn vậy, ta cần dựng được đường tâm. Ta muốn ở hình chiếu đứng thì đường tâm phải như thế này:


Còn theo hình chiếu cạnh, đường tâm phải như sau:


Sau khi dựng được các hình chiếu của đường tâm trên các mặt phẳng thích hợp, ta có kết quả:


Nếu dùng lệnh Extrude để tạo các mặt cong từ những đường cong này, ta sẽ có hai mặt cong và giao tuyến màu đỏ giữa chúng chính là tâm đường ống mà ta mong muốn:


Tuy nhiên, ta không cần dựng các mặt cong đó, chỉ cần dùng lệnh Insert, Curve, Projected... với tùy chọn Sketch onto Sketch rồi chọn hai đường cong này, ta sẽ được một đường cong 3D mà các hình chiếu của nó đúng như ta mong muốn:


Chọn mặt phẳng của một trong hai mặt bích ống, hãy vẽ biên dạng ống:


Sau đó, dùng lệnh Sweep để tạo ống nối:


Right-click vào vùng đồ họa và chọn Edit Assembly để đưa cửa sổ về chế độ Assembly bình thường, các bình chứa không còn trong suốt nữa:


Ta có thể right-click ống nối và chọn Open Part để mở tập tin Part của ống nối và thực hiện các hiệu chỉnh, sửa đổi cần thiết:


Thế là ta đã thiết kế xong ống nối và yên tâm là nếu ta có những thay đổi nào đó (kích thước bích hoặc vị trí các bình chứa...) thì toàn bộ ống nối và các mặt bích của nó cũng cập nhật theo tương ứng.

***​

Thầy ME có đề nghị tôi tách các bài viết thành những chủ đề riêng, nhưng tôi nghĩ những bài này đều được xâu chuỗi và có liên quan với nhau. Tuy nhiên, nếu BQT và các bạn xét thấy nên tách ra thì tôi cũng hoàn toàn nhất trí.
 

ME

Active Member
Bây giờ thì chưa thấy có vấn đề gì vì DCL mới đưa ra "vài kink nghiệm". Mấy tháng nữa khi số kinh nghiệm khá khá được post và nhiều bài liên quan của các thành viên khác thì chủ đề này sẽ dài dằng dặc đấy. Nên tốt nhất là "ra riêng". Có hẳn một mục cho SolidWork mà, lo gì!
 
Top