Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

Author
"Hầu như ai cũng biết đi xe đạp nhưng chẳng ai hiểu sao nó lại đi được. Vẻ đơn giản bề ngoài và sự dễ dàng đã dấu đi cái tinh tế của nó...". Đó là lời của một nhà nghiên cứu xe đạp viết năm 1970.

Xe đạp dễ đi, đi xe bỏ hai tay vẫn đi tốt, cầm yên đẩy xe đi vòng vèo tùy ý. Còn nữa, đoạn video sau cho thấy xe đạp có thể chạy ổn định một khoảng xa không cần người và muốn xô nó đổ cũng không dễ:


Không có kỹ thuật cao với các bộ cảm biến độ nghiêng để điều khiển động cơ như trong xe hai bánh hàng ngang Segways:


hay xe một bánh Honda:



xe đạp chỉ với kết cấu đơn giản, thuần cơ khí mà tính năng thật phi thường.

Từ xưa đã có nhiều nghiên cứu về xe đạp.

Thư viện Khoa học Hà Nội có bản gốc cuốn Traité des bicycles et bicyclettes (1) của C. Bourlet xuất bản năm 1894, 230 trang, đã dùng phương trình vi phân để xét tính ổn định của xe đạp, trong đó có nêu vai trò quan trọng của lực ly tâm và vai trò không đáng kể của hiệu ứng con quay trong chuyển động của xe đạp và chứng minh xe đạp có trọng tâm càng cao càng ổn định.

Một cuốn sách đầy đủ về xe đạp có trên Internet là Bicycling science viết bởi David Gordon Wilson, Jim Papadopoulos, Frank Rowland Whitt, xuất bản lần 3 năm 2004, 477 trang (chỉ cho đọc trực tuyến từng phần, không download được).

Ở ta khoảng những năm 1990, thầy Trần Doãn Tiến, ĐHBK Hà Nội, cũng có nghiên cứu về độ ổn định xe đạp.

Nay trên Internet vẫn thấy có nhiều bài viết gần đây về vấn đề này.
Một bài viết được trích dẫn nhiều là "The stability of the bicycle" (2) của David E. H. Jones:

http://www.phys.lsu.edu/faculty/gonzalez/Teaching/Phys7221/vol59no9p51_56.pdf

trong đó có các mẫu xe đạp thử nghiệm độc đáo. Tôi đã dịch ra tiếng Việt, không được tốt lắm vì có nhiều kiến thức khó, ai có hứng thú thì xem tạm:

Code:
http://www.mediafire.com/?anmwxu4zny4
Qua đó đủ biết lý thuyết về xe đạp rất phức tạp, có tác giả nói phức tạp hơn cả ô tô và đến nay người ta vẫn coi là chưa giải quyết xong.
Dưới đây là một số thông tin về vấn đề này.

1. Hình học bộ lái của xe đạp

Tiêu chuẩn quốc tế ISO 4210-1982 về an toàn cho xe đạp khuyến cáo kích thước hình học bộ lái như sau (xem hình):

Trục lái phải nghiêng với mặt đường một góc β không lớn hơn 75o và không nhỏ hơn 65o. Trục lái phải cắt đường vuông góc kẻ từ tâm bánh trước xuống mặt đường trong khoảng 15% đến 60% bán kính bánh xe R, tính từ mặt đường.

Điểm tiếp xúc của bánh trước với mặt đường B phải nằm sau giao điểm của trục lái với mặt đường C. Quy ước khi đó T > 0. Khoảng cách BC = T có ý nghĩa đáng kể đối với sự ổn định của xe. T càng lớn tính tự ổn định của xe càng lớn nhưng tính dễ điều khiển càng kém. Các thí nghiệm với xe có T khác nhau cho thấy điều đó. Nếu T < 0 (điểm tiếp xúc của bánh trước với mặt đường B nằm trước giao điểm của trục lái với mặt đường C) thì xe rất khó đi.

Để xe đạp đứng thẳng, nếu quay càng lái đi một góc, điều gì sẽ xẩy ra? Ít ai để ý, nhưng thực ra phần trước xe đạp đã được nâng lên một ít. Vậy nên tiêu chuẩn xe đạp BM6 của Hoa Kỳ, thay cho khuyến cáo trên, lại quy định nếu quay càng lái 45o thì ống cổ không được lên quá 4,8 mm.

Nhân tiện nói thêm: giải bài toán liên quan đến hình học của bộ lái không hề đơn giản. Bài toán này giúp hiểu thêm về khả năng tự ổn định của xe đạp.

Đầu bài như sau: xác định biến đổi thế năng của xe đạp khi quay càng lái một góc α ở vị trí xe đạp nghiêng một góc λ.

2. Các luận điểm giải thích tính năng của xe đạp.

(Xin xem ở phần 2)
 
Last edited:
Author
Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy? Phần 2

2. Các luận điểm giải thích tính năng của xe đạp.

Các luận điểm này trình bày cho xe có hình học lái thông dụng hiện nay: điểm tiếp xúc với mặt đường của lốp bánh trước nằm sau giao điểm của trục lái với mặt đường.

2.1. Giữ cân bằng bằng cách di chuyển thân người hay quay tay lái. Ví dụ xe bị nghiêng về bên phải, người đi xe sẽ quay tay lái về bên trái. Điểm tiếp xúc với mặt đường của lốp bánh trước sẽ chuyển sang phải để đường cơ sở (đường nối hai điểm tiếp xúc với mặt đường của hai bánh) trở lại dưới trọng tâm khối người-xe. Lý luận này không được thuyết phục lắm vì khi xe không chạy, chẳng mấy người giữ được xe cân bằng.

2.2. Vai trò của lực ly tâm.
Tác động của lực ly tâm được vận dụng để giải thích tính ổn định của xe đạp như sau:

2.2a. Người đi giữ cân bằng xe nhờ lực ly tâm : Ví dụ khi xe nghiêng về bên phải, người đi xe sẽ quay tay lái về bên phải làm xe vòng sang phải. Lực ly tâm sinh ra do chuyển động cong đó có chiều hướng sang trái giúp xe không bị nghiêng phải nữa. Quá trình tập đi xe là quá trình tập khả năng này. Luận điểm này dễ được chấp nhận.

2.2b. Tự động cân bằng: ví dụ khi xe nghiêng về bên phải, do trọng tâm của khối càng và bánh trước lệch khỏi đường cơ sở, trọng lực của khối này sinh mômen làm quay tay lái sang phải, xe vòng sang phải và lực ly tâm làm xe đứng thẳng lại. Sự quay này có thể thấy được khi xe đứng yên: nếu nghiêng xe về bên phải, tay lái sẽ tự động quay sang phải.

2.3. Vai trò của hiệu ứng con quay: Xe đạp được coi như có hai con quay là bánh trước và bánh sau, trong đó bánh trước được để ý nhiều hơn vì nằm trong bộ lái. Lý thuyết con quay nói rằng:

2.3a. Trục con quay quay nhanh giữ một hướng gần như cố định trong không gian đối với một hệ quy chiếu quán tính, có tính chất ổn định đối với xung lượng của các lực tác dụng tức thời. Từ đó suy ra xe đạp khi đi có bánh xe quay thì trục bánh được giữ song song với mặt đất nên xe không thể đổ. Nhưng yếu tố này không phải là quyết định. Thật vậy, nếu cố định càng lái với khung, không cho quay, thì xe sẽ đổ ngay, dù hai bánh có quay.

2.3b. Nếu tác dụng lực vuông góc vào trục của con quay đang quay nhanh thì trục con quay không chuyển động theo hướng của lực mà quay trong mặt phẳng thẳng góc với lực theo hướng của vectơ mômen của lực đối với điểm cố định. Lực này trong cơ học lý thuyết gọi là lực tiến động.
Video sau minh họa hiệu ứng này.
http://www.youtube.com/watch?v=IEwAry0GARw
Trong video này bánh xe được treo bằng dây vào một đầu trục và cho quay khi trục nằm ngang: trục bánh xe sẽ quay trong mặt phẳng thẳng góc với trọng lực. Nếu bánh xe không quay, trọng lực tác động vào trục sẽ làm bánh xe đổ ngang.

Điều này được áp dụng dể giải thích khả năng tự cân bằng của xe đạp: Khi xe nghiêng phải, lực tiến động nói trên sẽ làm cho bánh xe quay sang phải, xe vòng phải và lực ly tâm sinh ra do đi vòng làm xe đứng thẳng trở lại. Trong cách lý luận này, xe tự động cân bằng, không cần sự can thiệp của người đi.

Cũng có ý kiến cho rằng tác động của hiệu ứng con quay đối với xe đạp là không lớn do mô men quán tính của bánh xe khá nhỏ, nó chỉ có tác dụng rõ đối với thí nghiệm xe không có người đi (khối lượng xe nhỏ). Đã có thí nghiệm xác nhận luận điểm này (tài liệu 2): gắn thêm bánh xe cạnh bánh trước nhưng không cho chạm đất và cho quay ngược chiều khi đi nhằm triệt tiêu hiệu ứng con quay đối với khối 2 (phần trước xe). Khi đó nếu cho xe chạy không người, xe đổ ngay, còn nếu có người đi thì xe đi bình thường.

2.4. Vai trò của lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường.

2.4a. Tự động cân bằng: ví dụ khi xe nghiêng về bên phải, điểm tiếp xúc của lốp với mặt đường không còn nằm trong mặt phẳng khung xe mà lệch sang phải. Ma sát giữa lốp với mặt đường tạo mômen quay đối với trục càng lái làm càng lái quay sang phải, xe vòng sang phải và lực ly tâm làm xe đứng thẳng lại. Tuy nhiên có ý kiến coi mômen này không đáng kể vì lực ma sát có tay đòn rất nhỏ, nhỏ hơn 1/2 chiều rộng lốp xe.

2.4b. Xe đạp tự giữ hướng đi thẳng khi đi bỏ hai tay: nếu vì một lý do gì mà tay lái hơi bị lệch, ví dụ sang phải, do hình học của bộ lái, điểm tiếp xúc với mặt đất dịch sang trái. Lực ma sát giữa mặt đường và lốp sẽ gây mômen quay tay lái trở lại vị trí thẳng.

2.5. Vai trò của mômen hạ trọng tâm (tài liệu 2). Thực nghiệm với xe được thiết kế có độ nghiêng thân xe cố định cho thấy có một một mômen tác động lên bánh trước gọi là mômen hạ trọng tâm, mà xe càng nặng thì ảnh hưởng của nó càng quan trọng đối với hoạt động của xe đạp. Tuy nhiên mô men này chưa được giải thích và tính toán đầy đủ.

Còn nhiều luận điểm khác nữa, cần kiến thức toán cơ cao mới hiểu ý tác giả nên không thể trình bày ra đây. Chỉ thấy rõ 1 điều là tính năng của xe đạp được giải thích theo nhiều kiểu khác nhau, chưa đạt được một lý thuyết thống nhất.

Dù sao với những kiến thức đã có, người ta vẫn làm xe đạp và nó vẫn chạy trên đường, phô diễn những tính năng mà người đời chẳng mấy ai hiểu thấu.
 
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

Hi vọng sẽ có nhiều bài viết hay như:bánh răng khuyết, xe đạp... từ anh( chú...) Nguyen Duc Thang, em thật sự rất thích những kiến thức này, chỉ mỗi tội dốt tiếng anh quá!!!^^
 
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

Bài viết tuyệt vời :D Ngoài lề chút, theo như giang hồ đồn, trước ĐHBKHCM có làm xe 2 bánh hàng ngang rồi thì phải. Cái này chính là cơ điện tử thứ thiệt. Chú nào làm đồ án về cái này thì tuyệt cú mèo, mỗi tội khó. Hy vọng năm tới dân cơ điện tử BKHN nhà mình có 1 em xe 2 bánh hàng ngang đi bảo vệ đồ án cho đàn anh mở mắt :D
 

lddung

Chuyên gia cao cấp
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

Không phải "mở mắt" nữa đâu là Bách Khoa Hà Nội làm, ! Cách đây 2 3 năm mình xem TV của VTC có giới thiệu về chiếc xe 2 bánh này này của 1 nhóm SV BKHN.Có quay phim chạy thử chiếc xe chỗ gần nhà nấm (TT hỗ trợ SV ..) thì phải.Hồi ấy cũng có ý tưởng thương mại hóa nhưng giờ không biết đến đâu rồi..
 
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

vừa rồi spkt tp.hcm cũng có làm xe hai bánh ngang như tất nhiên chạy chậm và chưa ồn định. em có xem mấy ảnh biểu diễn trước cả sân trường. ai có ý định đưa vào sản xuất liên hệ với khoa cơ khí máy. hình như thầy Hoảng Trí hướng dẫn. em không biết tên mấy anh đó. rất mong VN cũng đưa vào sản xuất.

cái xe một bánh kia kinh dị thật Hic!
 
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

vừa rồi spkt tp.hcm cũng có làm xe hai bánh ngang như tất nhiên chạy chậm và chưa ồn định. em có xem mấy ảnh biểu diễn trước cả sân trường. ai có ý định đưa vào sản xuất liên hệ với khoa cơ khí máy. hình như thầy Hoảng Trí hướng dẫn. em không biết tên mấy anh đó. rất mong VN cũng đưa vào sản xuất.

cái xe một bánh kia kinh dị thật Hic!
Đây là đoạn phim mà butchi đã nói. Xe này do các anh SV Cơ điện tử của ĐHSPKT Tp.HCM đã làm. Trông cũng tuyệt lắm. Các Thầy hình như muốn phát triển thành sp thương mại đó:
http://spkt.net/diendan/showthread.php?t=5567
 

Tieubu

Chuyên gia cao cấp
Ðề: Xe đạp: Đứng thì đổ, đi thì không đổ, sao vậy?

Quan điểm giải thích về hình dáng bộ lái xe đạp của mình có lẽ hơi khác với bạn NguyenDucThang, nhưng có thể lí giải được quan điểm về góc nghiêng của trục lái và độ lệch của trục lái so với tâm của bánh xe.
A/ Về góc nghiêng của trục lái
Trước hết, bạn Thang nói đến tính ổn định của xe (theo mình hiểu thì là đổ ngang hay là ổn định ngang của xe) còn mình thì cho rằng nó liên quan đến tính ổn định dọc (theo chiều dài xe).
Trong trường hợp xe chạy chèn vào chướng ngại vật (viên gạch chẳng hạn) thì lúc đó xe sẽ chịu một lực tác dụng là lực quán tính hướng ra phía trước và lực này tạo ra mômen gây lật xe gọi là mômen lật.

1/ Trường hợp trục lái nghiêng sang phải của hình vẽ (nghiêng về phía sau xe)
Lực P là trọng lực của người lái và của xe được phân tích thành P1, và P2, lúc đó thành phần P1 sẽ tạo ra một mômen ngược chiều với mômen lật và làm triệt tiêu hoặc giảm bớt mômen lật do quán tính gây ra -> Tăng tính ổn định dọc.
2/ Trường hợp ngược lại (hình 2) thì mômen do P1 tạo ra cộng thêm với mômen lật do quán tính -> Xe càng dễ lật.
Kết luận: cần có góc nghiêng của trục lái, góc nghiêng càng lớn thì tính ổn định dọc càng cao.
(Ví dụ như chiếc xe lăn của người khuyết tật là một ví dụ, góc nghiêng của càng trước rất lớn)



B/ Về độ lệch của trục lái so với tâm bánh xe:
Về độ lệch của trục lái so với tâm bánh xe thì mình cho rằng nó ảnh hưởng đến tính lái dễ hay khó. Lý do thì chỉ đơn giản là lệch khỏi tâm một khoảng L thì khi quay tay lái với cùng một lực thì mômen quay sẽ lớn hơn. Khoảng L càng lớn thì mômen quay càng lớn làm bánh xe càng dễ quay. Nhưng khoảng cách L lớn mãi thì sao? Lúc đó người lái động nhẹ vào tai lái thì bánh xe đã quay rồi như thế thì khó giữ để đi thẳng và lại trở thành khó điều khiển. Như vậy, thế nào là lái dễ? phải có một định nghĩa cho tính lái dễ để so sánh. Theo mình thì lái dễ phải thỏa mãn cả hai điều kiện:
1/ Bẻ lái dễ
2/ Giữ thẳng dễ

Tính giữ thẳng của bánh lái còn phụ thuộc vào chiều lệch so với tâm quay của bánh là về phía trước hay phía sau, nếu quay ra phía trước thì xe dễ bị lật như đã nói ở trên do vậy chỉ còn khả năng là lệch về phía sau. Nếu phần lệch về phía trước của xe thì tính giữ thẳng tăng nhưng xe lại thiếu ổn định dọc, điều này lí giải tại sao mà mấy bác xe thồ hàng (chở đất cát) ngày xưa hay quay ngược cái ghi đông lại để đẩy phía sau mà vẫn giữ được đi thẳng dù không điều khiểu tai lái khi chở nặng phía sau (do có vật nặng đè phía sau không sợ bị lật do mômen lật gây ra??). Hay một ví dụ khác là cái ghế xoay mà dân văn phòng chúng ta hay ngồi có trục lệch so với tâm quay của bánh, trục đang ở một hướng bất kỳ nếu ta đẩy ghế theo một hướng thì trục sẽ hướng bánh xe theo hướng bị đẩy rồi mới ổn định theo hướng mình muốn di chuyển, đồng thời ghế chỉ hơi vấp vào đâu đó thì người ngồi dễ bị lật nhào.
Đó là lý giải của mình về kết cấu hình học của bánh xe đạp tại sao lại phải nghiêng và có trục hơi lệch so với tâm quay của bánh, hướng nghiêng phải là hướng về phía sau xe chứ không phải phía trước.
Bạn nào có ý kiến khác thì cùng thảo luận nhé, đặc biệt là ý kiến về bảo toàn mômen quay (trong bài của bạn NguyenDucThang chưa đề cập đến vấn đề đó. Mình cũng sẽ suy nghĩ tiếp về tính ổn định ngang của xe đạp.
 
Last edited:
Top