Thiết kế phát triển sản phẩm (NPD) là gì

Author
Trước khi đi vào định nghĩa Thiết kế và Phát triển sản phẩm, chúng ta hãy cùng xem xét định nghĩa về “Sản phẩm”.
Sản phẩm là gì và nó quan trọng ra sao?
Sản phẩm là những gì mà doanh nghiệp đem đến cho khách hàng của mình. Với cách hiểu này, sản phẩm có thể là máy móc, công cụ, xe cộ, phần mềm, dịch vụ, trải nghiệm,…Thông thường, chúng ta xem xét các sản phẩm mang tính “vật lý”, ví dụ: ô tô, xe máy, bàn, ghế, sách,…Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại, các dịch vụ (mang tính phi – vật lý) như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ khách sạn, dịch vụ web,…cũng có thể được coi là các “sản phẩm”.
Sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều xoay quanh sản phẩm. Khó có thể đưa ra ví dụ về doanh nghiệp nào hoạt động mà không liên quan đến sản phẩm. Có thể coi việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Vì vậy, “Thiết kế và Phát triển sản phẩm” chính là cốt lõi của thành công trong doanh nghiệp. Sản phẩm tốt thì doanh nghiệp phát triển và ngược lại. Có thể thấy rõ ví dụ này thông qua sự thành công của Apple với iPhone, tương phản với Nok**, Bl**kb**ry là những doanh nghiệp đã từng bị rao bán do những sai lầm trong chiến lược phát triển sản phẩm của mình.
Định nghĩa về Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Có nhiều định nghĩa khác nhau về “Thiết kế và Phát triển sản phẩm”. Trong tài liệu này, chúng ta sẽ dùng định nghĩa của Ulrich, được nêu trong cuốn sách “Product Design and Development” và được chấp nhận rộng rãi. Định nghĩa được dịch như sau:
“Thiết kế và Phát triển sản phẩm là tập hợp các hoạt động bắt đầu bằng việc nhận thức cơ hội thị trường dành cho sản phẩm, kết thúc bằng việc sản xuất, bán và phân phối sản phẩm đến cho khách hàng”.
Với định nghĩa này, rõ ràng phạm vi của Thiết kế và Phát triển sản phẩm là rất rộng, hầu như bao trùm cả vòng đời của sản phẩm chứ không chỉ giới hạn ở các khâu vẽ, tính toán hay thử nghiệm nữa. Trong tài liệu này, chúng ta sẽ dùng cách tiếp cận theo nghĩa “rộng” này từ đây về sau.
Tại sao cần chú tâm đến Thiết kế và Phát triển sản phẩm?
Có rất nhiều lý do dẫn đến sự cấp thiết phải có ngành Thiết kế và Phát triển sản phẩm riêng biệt. Lý do đầu tiên phải kể đến chính là tầm quan trọng của sản phẩm đối với mỗi doanh nghiệp, như đã đề cập ở phần trên. Thiết kế và Phát triển sản phẩm chính là bước đầu tiên để hiện thực hóa sản phẩm, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín, xâm nhập hoặc chiếm lĩnh thị trường. Tương tự như sản phẩm, Thiết kế và Phát triển sản phẩm là hoạt động quyết định đến thành bại của doanh nghiệp. Công tác Thiết kế và Phát triển sản phẩm tốt thì doanh nghiệp thịnh vượng, và ngược lại.
Nok** thất bại do đâu?
“Nok** thất bại do những sai lầm trong chiến lược Thiết kế và Phát triển sản phẩm, không chịu đổi mới công nghệ để bắt kịp xu hướng thị trường. Trong khi các hãng khác đã bắt đầu phát triển hệ điều hành Android thì Nok** vẫn trung thành với hệ điều hành S**b**n đã lỗi thời. Đến khi Samsung bắt đầu thành công với Android thì Nok** mới chuyển sang hệ điều hành Windows Phone. Nhưng trên thực tế, hệ điều hành này không được người dùng đón nhận bởi nó khó sử dụng, tương tác, đôi khi còn gây phiền toái cho người dùng.”

Bên cạnh lý do liên quan đến tầm quan trọng của sản phẩm, ngày nay, Thiết kế và Phát triển sản phẩm cũng được dùng như một “vũ khí” giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, trong thị trường điện thoại thông minh (smartphone), ngoài cuộc đua về công nghệ phần cứng và phần mềm (app), cuộc đua về thiết kế cũng rất căng thẳng. Các hãng cạnh tranh với nhau bằng thiết kế của sản phẩm và dùng các quyền sở hữu về bản quyền thiết kế sản phẩm để ràng buộc nhau. Ví dụ, vụ kiện trị giá 1 tỷ USD giữa 2 hãng Apple và Samsung xung quanh thiết kế điện thoại thông minh (năm 2012).
Thiết kế và Phát triển sản phẩm còn giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh trong tâm trí người dùng, đạt được giá trị thương hiệu vững chắc. Ví dụ, khi nói đến những sản phẩm đồng hồ của Omega, người ta nghĩ ngay đến những thiết kế đẹp, tinh xảo, sành điệu. Tương tự như vậy, khi nói đến những trang phục, dụng cụ thể thao của Nike, người ta có ấn tượng về những sản phẩm cá tính, mạnh mẽ, hiện đại. Đó là những ví dụ về dấu ấn của Thiết kế và Phát triển sản phẩm lên thương hiệu.
Phân loại các dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Một cách sơ bộ, có thể phân các dự án thiết kế sản phẩm thành 2 loại: Thiết kế cách mạng (revolutionary design) và Thiết kế tiến hóa (evolutionary design). Căn cứ của việc phân loại này dựa vào bản chất của sản phẩm được thiết kế.
Nếu sản phẩm mang tính đột phá, được tạo ra trên nền công nghệ mới hoàn toàn, chúng ta gọi đó là thiết kế cách mạng. Các thiết kế này thường thừa hưởng các kết quả nghiên cứu, phát minh có tầm ảnh hưởng lớn. Ví dụ, đối với loại hình thiết kế này là động cơ hơi nước của James Watt, loại động cơ đã góp phần quan trọng mở ra cuộc cách mạng công nghiệp.
Các ví dụ khác có thể kể đến là thiết kế của chiếc xe đạp đầu tiên, chiếc máy giặt đầu tiên hay máy rửa bát đầu tiên.
Nếu sản phẩm được phát triển trên nền các công nghệ đã có và từ các sản phẩm “đời trước”, thiết kế được gọi là “tiến hóa”. Các thiết kế này thường được tiến hành để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một trong những ưu điểm cơ bản của thiết kế tiến hóa là khả năng kế thừa: các model sau có thể kế thừa nhiều đặc điểm của model trước, nhờ đó mà doanh nghiệp giảm được chi phí thiết kế và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Phần lớn các dự án thiết kế sản phẩm thuộc thể loại thiết kế tiến hóa. Ví dụ điển hình có thể kể đến là các máy tính bảng iPad Pro (hình 1.1), các xe hơi Mercedes Benz dòng A – Class hay B – Class, các máy tính xách tay Dell dòng XPS, các điện thoại thông minh Samsung Galaxy dòng S,…
 
Author
Các hoạt động thiết kế chính
Các hoạt động thiết kế chính bao gồm thiết kế kỹ thuật và thiết kế công nghiệp. Thiết kế kỹ thuật liên quan đến các vấn đề về đặc tính cơ học, vật lý, hóa học,…của sản phẩm. Ví dụ, những tính toán về độ bền, vật liệu, mạch điện, độ ổn định, hiệu năng,…Thiết kế công nghiệp giải quyết vấn đề liên quan đến người dùng như: kiểu dáng sản phẩm, cảm nhận của người dùng, khả năng thao tác, sử dụng dễ dàng, an toàn khi sử dụng,…Sản phẩm “đẹp” và “hấp dẫn” hay không là do thiết kế công nghiệp.
Nhân sự tham gia dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Do tính chất quan trọng của sản phẩm và tầm ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của doanh nghiệp, các dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm thường huy động rất nhiều nhân sự từ nhiều chuyên môn khác nhau trong doanh nghiệp. Một cách tổng quát, hầu như tất cả các nhân sự trong doanh nghiệp đều “tham gia” các dự án sản phẩm ở những mức độ khác nhau. Tất nhiên, tùy theo đặc thù và quy mô của dự án, số lượng người tham gia có thể nhiều hay ít. Những dự án đơn giản thì chỉ cần một vài người tham gia.
Chuyên môn của những người tham gia dự án rất đa dạng: kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, họa sĩ – chuyên viên thiết kế công nghiệp, kỹ sư phần mềm, chuyên gia tài chính, chuyên gia marketing, chuyên gia thẩm mỹ, chuyên gia tâm lý,…Tuy nhiên, có 3 chuyên môn chính thường xuyên tham gia vào các dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm. Đó là Marketing, Thiết kế, và Chế tạo.
Chức năng marketing chính là cầu nối giữa khách hàng, thị trường và đội ngũ thiết kế sản phẩm. Chức năng này đảm nhiệm viêc truyền tải thông điệp về cơ hội thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng đến với nhóm thiết kế và truyền đạt nội dung thiết kế đến với người dùng. Các phần việc chính mà chức năng này có thể đảm nhận bao gồm: khảo sát thị trường, khảo sát nhu cầu khách hàng, thử nghiệm sản phẩm, thu thập phản hồi, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Thiết kế là chức năng chính trong bất kỳ dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm nào. Chức năng thiết kế chính là xương sống của toàn bộ dự án. Chức năng này đảm nhận các phần việc liên quan đến sự phát triển cốt lõi của sản phẩm, bao gồm: lên ý tưởng sản phẩm, chọn lọc ý tưởng, phát triển concept, tạo dáng sản phẩm, tính toán cơ điện, lựa chọn vật liệu, xây dựng các bản vẽ, lựa chọn dây chuyền và quy trình sản xuất.
Chức năng chế tạo thể hiện qua vai trò của các xưởng sản xuất. Ngay từ khi thiết kế, vai trò của chức năng chế tạo đã thể hiện tương đối rõ nét. Chức năng này phụ trách các vấn đề liên quan đến xây dựng và thử nghiệm hệ thống sản xuất, đưa ra các phản hồi để nhóm thiết kế chỉnh sửa sản phẩm cho phù hợp với năng lực và đặc điểm của dây chuyền hiện có. Ngoài ra, chức năng này còn phụ trách việc đào tạo công nhân, kỹ sư vận hành nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru khi bước vào giai đoạn sản xuất sản phẩm.
 
Author
Hình thái tổ chức đội ngũ thiết kế phát triển sản phẩm
Đội ngũ thiết kế thường rất đa dạng: kỹ sư, chuyên gia các ngành khác nhau. Vấn đề nảy sinh là cần tổ chức họ như thế nào, trong cách tổ chức này thì các cá nhân liên kết với nhau ra sao? Việc tổ chức này được gọi là xây dựng đội ngũ (team formation). Nó ảnh hưởng đến kết quả cộng tác và hiệu suất làm việc của các cá nhân cũng như toàn nhóm thiết kế. Tùy từng dự án mà có các kiểu liên kết giữa các cá nhân khác nhau, nghĩa là có cách tổ chức khác nhau.
Tổ chức theo phòng – ban chuyên môn
Theo cách này, các cá nhân được quản lý bởi các phòng, ban. Ví dụ: phòng marketing, phòng thiết kế, xưởng sản xuất, phòng cơ – điện,…Các cá nhân sẽ chịu sự quản lý từ trưởng phòng.
Ưu điểm
Việc tổ chức theo phòng – ban chuyên môn sẽ tạo ra sự chuyên môn hóa cao cho mỗi bộ phận. Hàng ngày, các bộ phận vẫn thực hiện các công việc của mình theo như kế hoạch đã đề ra. Khi có phát sinh hoặc yêu cầu, các bộ phận này mới thực hiện theo yêu cầu từ lãnh đạo dự án. Như vậy, vừa đảm bảo được công việc chuyên môn, vừa đảm bảo được các công việc của dự án phát triển sản phẩm.
Nhược điểm
Về lý thuyết, mô hình này khá hiệu quả. Nhưng trên thực tế, quá trình làm việc sẽ phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Ví dụ, công ty A phát triển sản phẩm điều hòa kết hợp tạo ion lọc không khí, doanh nghiệp sẽ phải khảo sát thị trường trước khi đi sâu vào thiết kế sản phẩm. Lúc này, số người kỹ sư sẽ không thể đi khảo sát hết được mà cần nhờ đến sự hỗ trợ từ nguồn nhân lực từ phòng marketing. Nhưng để điều động nhân sự của phòng ban khác thường gặp nhiều khó khăn vì phải trải qua nhiều bước đề xuất, phê duyệt khác nhau. Điều này dẫn đến sự bất cập khi phối hợp giữa các phòng ban của dự án.
Tổ chức theo dự án
Theo cách này, các cá nhân có chuyên môn khác nhau sẽ được xếp chung vào một dự án. Ví dụ: dự án sản xuất iPhone, dự án sản xuất iPad,…Các cá nhân sẽ chịu sự quản lý từ trưởng dự án.
Ưu điểm
Khi tổ chức theo mô hình này, thành viên từ các phòng ban khác nhau có cơ hội để làm việc cùng nhau theo tổ chức dự án, việc phối hợp trở nên tốt hơn. Mỗi các nhân có một lợi thế khác nhau, vì vậy có thể bổ sung cho nhau kịp thời. Qua đó, mỗi thành viên sẽ được rèn luyện, trau dồi, hoàn thiện bản thân.
Nhược điểm
Mô hình này là tập hợp “đa màu sắc”, mỗi cá nhân mang một “màu sắc” khác nhau. Do đó, dễ dẫn đến sự bất đồng quan điểm trong qua trình triển khai. Khi các mâu thuẫn phát sinh, trưởng nhóm phải là người đứng ra giải quyết. Chính vì vậy, ngay từ đầu trưởng dự án phải tạo ra tư tưởng thống nhất, xuyên suốt giữa các thành viên.Trưởng dự án không những am hiểu về kiến thức đa ngành, kiến thức chuyên môn mà còn có kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng mềm,…Người này phải biết được điểm mạnh, điểm hạn chế của các thành viên trong dự án để sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho họ.
Tổ chức theo kiểu hỗn hợp
Đôi khi, các cá nhân vừa thuộc phòng ban, vừa thuộc các dự án khác nhau. Mỗi cá nhân chịu 2 sự lãnh đạo: từ trưởng phòng và từ trưởng dự án. Tùy trường hợp mà sức ảnh hưởng của trưởng phòng hay trưởng dự án sẽ mạnh hơn người còn lại. Nếu liên kết theo dự án mạnh hơn, chúng ta có loại hình tổ chức Heavy Weight Matrix. Nếu liên kết phòng – ban mạnh hơn, chúng ta có loại hình Light Weight Matrix (theo Ulrich).
Lựa chọn hình thức tổ chức đội ngũ như thế nào?
Tùy theo sản phẩm, tùy theo tiêu chí, tùy theo phong cách của doanh nghiệp mà có lựa chọn khác nhau về mặt tổ chức đội ngũ. Tổ chức phòng – ban có lợi đối với việc cần chuyên môn hóa sâu còn tổ chức dự án có lợi đối với trường hợp cần sự cộng tác nhanh và thông suốt.
Thực tế thì nhiều nơi dùng tổ chức hỗn hợp. Ngay trong một doanh nghiệp, có chỗ tổ chức kiểu này, chỗ khác lại có thể tổ chức kiểu khác, rất linh hoạt.
Đội ngũ thiết kế trong thời internet và toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa, và đặc biệt, nhờ có internet, làm cho việc cộng tác làm việc ở khắp nơi trên thế giới dễ dàng hơn. Điều này cho phép các công ty mở thêm chi nhánh ở những nơi nhân công rẻ hoặc thuận lợi tiếp cận thị trường.
Điều cần lưu ý khi cộng tác từ xa là sự chênh lệch về múi giờ, văn hóa, và sự thiếu hụt giao tiếp (communication). Tuy nhiên, nhiều công ty làm rất tốt việc điều hòa các vấn đề này.
 
Author
Dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm tốt cần có những gì?
Có nhiều tiêu chí đánh giá một dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, 5 tiêu chí chính cần được quan tâm, bao gồm: Chất lượng sản phẩm, Chi phí sản xuất, Chi phí thiết kế, Tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và Tính kế thừa của dự án thiết kế. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét 5 tiêu chí này.
Chất lượng sản phẩm
Đây là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá một dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm. Một dự án thành công cần phải tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng, hoạt động ổn định, an toàn. Chất lượng sản phẩm sẽ được thể hiện thông qua sự tín nhiệm của người tiêu dùng, thị phần mà sản phẩm chiếm được so với các đối thủ cạnh tranh. Một sản phẩm chất lượng là chìa khóa thành công của doanh nghiệp và ngược lại.
Chi phí sản xuất
Thiết kế tốt tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất với chi phí thấp nhất có thể. Lợi nhuận của doanh nghiệp là khoản còn lại sau khi lấy doanh thu bán sản phẩm trừ đi chi phí nên nếu giảm được chi phí sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Việc giảm chi phí còn giúp cho doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tăng doanh số. Một sản phẩm chất lượng tốt nhưng không tối ưu về chi phí sản xuất sẽ không thể làm nên một dự án thành công.
Chi phí Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Bản thân công tác Thiết kế và Phát triển sản phẩm cũng cần tiêu hao tài nguyên, tiền bạc và nhân lực của doanh nghiệp. Kiểm soát được chi phí dành cho khâu thiết kế ở mức hợp lý là yếu tố quan trọng của một dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm. Nếu chi phí dành cho khâu thiết kế quá cao, nó sẽ gián tiếp được cộng vào giá thành sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tốc độ Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Đây là một yếu tố khác cần được xét đến khi đánh giá một dự án thành công hay không. Tốc độ Thiết kế và Phát triển sản phẩm được đánh giá thông qua việc đội ngũ thiết kế đưa được sản phẩm ra thị trường trong bao lâu, có đủ nhanh hay không. Việc đưa sản phẩm kịp thời ra thị trường có vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh giành thị phần. Trong một số lĩnh vực như điện tử tiêu dùng (đồ gia dụng chẳng hạn), việc giới thiệu sản phẩm mới nhanh hơn hay chậm hơn đối thủ mang ý nghĩa sống còn. Với những sản phẩm có vòng đời ngắn, được cập nhật cải tiến liên tục như vậy, nếu sản phẩm ra muộn và người tiêu dùng đã chọn sản phẩm của đối thủ thì việc cạnh tranh sẽ trở nên vô cùng chông gai, việc để mất thị phần là điều có thể nhìn thấy.
Tính kế thừa của dự án
Với một dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm, tính kế thừa phản ánh một khía cạnh khác của sự thành công. Một dự án được tổ chức tốt cần có tính kế thừa, nghĩa là những gì chúng ta làm trong dự án này có thể được tái sử dụng ở các dự án trong tương lai. Việc này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí cho khâu thiết kế, rút ngắn thời gian thiết kế, đưa sản phẩm ra thị trường sớm hơn và kết quả là tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, việc phát triển liên tục các công nghệ, nền tảng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vững chắc hơn.
 
Author
Những khó khăn khi làm Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Thiết kế là hoạt động phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên môn, chịu sự tác động cùng lúc của nhiều yếu tố kinh tế, kỹ thuật nên nhà thiết kế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tiến hành dự án. Dưới đây là một số khó khăn điển hình.
Luôn phải thỏa hiệp giữa các tiêu chí
Một cách lý tưởng, nhà thiết kế luôn muốn tất cả các tiêu chí của sản phẩm đều ở mức “tốt nhất”. Ví dụ, sản phẩm phải bền trong khi vẫn đẹp và có giá rẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này không bao giờ có thể đạt được. Nhà thiết kế luôn phải tìm cách “thỏa hiệp”, tìm một sự kết hợp tốt nhất giữa các tiêu chí ở mức “tốt tương đối”. Thực tế thì khi tập trung làm tốt các tính năng kỹ thuật (bền, vật liệu tốt, đẹp) thì các chỉ tiêu kinh tế sẽ bị xấu đi (giá thành bị đội lên) và ngược lại. Cách tối ưu mà nhà thiết kế có thể làm là lựa chọn phương án “tốt nhất” đối với phân khúc khách hàng mà họ hướng đến. Chẳng hạn như, nếu làm sản phẩm cho người có thu nhập cao, yêu cầu về độ bền, thẩm mỹ, công nghệ khắt khe và có khả năng chi trả thì nhà thiết kế có thể hy sinh tính kinh tế để tập trung vào các chỉ tiêu kỹ thuật. Ngược lại, nếu làm sản phẩm cho người thu nhập thấp, quan tâm đầu tiên là giá bán thì nhà thiết kế cần hy sinh một số chỉ tiêu kỹ thuật để đảm bảo tính kinh tế của sản phẩm.
Áp lực cạnh tranh từ đối thủ
Khi làm sản phẩm, tình huống hay xảy ra là có khá nhiều công ty cũng làm sản phẩm tương tự như chúng ta. Đây là tình huống cạnh tranh rất phổ biến trên thị trường. Như đã nói ở phần về sự quan trọng của tốc độ Thiết kế và Phát triển sản phẩm, sự cạnh tranh là rất gay gắt. Nhà thiết kế luôn phải làm việc dưới áp lực về thời gian (tiến độ) và thường phải đưa ra các quyết định về thiết kế trong điều kiện thiếu thốn thông tin. Việc chạy đua cùng đối thủ luôn xảy ra.
Tính phức tạp của dự án
Quá trình phát triển sản phẩm có thể kéo dài nhiều tháng hoặc 1-2 năm. Tuy không lâu dài như nghiên cứu nhưng để hoàn thiện một sản phẩm, cần thời gian phát triển từ vài tháng (với những thiết bị điện gia dụng, nội thất,…) đến nhiều tháng hoặc cả năm (sản phẩm máy móc, điện điện tử phức tạp,…).
Trong quá trình phát triển sản phẩm, không chỉ đội ngũ kỹ sư thiết kế mà còn cần có sự tham gia của đội ngũ sản xuất, đội ngũ marketing, mua hàng,…Những bộ phận này đều phải phối hợp ăn ý với nhau thì mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm, vật tư, tiến độ yêu cầu. Không những kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận mà doanh nghiệp còn cần cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và cộng đồng (khách hàng, cá nhân, tổ chức có uy tín, nhà khoa học,…).
Những khó khăn khác
Một khó khăn khác có thể kể đến là sự biến động của chính sách vĩ mô. Những quy định của nhà nước sở tại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển sản phẩm. Lấy ví dụ như ở Việt Nam, Nghị định 100/2019/NĐCP quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tiêu thụ mặt hàng này (đồ uống có cồn) trên thị trường.
Ngoài sự tác động của các chính sách vĩ mô, sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng cũng là yếu tố gây khó khăn rất lớn cho công tác Thiết kế và Phát triển sản phẩm. Đơn cử như với các sản phẩm về dịch vụ vận tải. Vào những năm 2010-2012, ở Việt Nam rất nhiều người dùng các dịch vụ của các hãng taxi truyền thống. Nhưng rồi, chỉ gần 2 năm sau, Grab bắt đầu thâm nhập và khai phá thị trường Việt Nam. Bằng những chính sách ưu đãi về giá và các gói dịch vụ đa dạng, Grab dần chiếm được lòng tin của người dân. Điều này dẫn đến các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Sự tỉ mỉ trong từng chi tiết cũng là thách thức thực sự với các nhà thiết kế khi làm sản phẩm. Một chi tiết rất nhỏ như con ốc lắp máy tính để bàn cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất khi nó được dùng cho hàng triệu bộ. Vì vậy, nó cần được thiết kế cẩn thận.
Hoạt động Thiết kế và Phát triển sản phẩm còn khó khăn ở chỗ nó tiềm ẩn rủi ro cao vì mức đầu tư lớn.
 
Author
Những điểm hấp dẫn khi làm Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Rất nhiều người say mê với công việc Thiết kế và Phát triển sản phẩm vì nó ẩn chứa những điều thú vị mà ngành nghề khác không thể mang lại. Các nhà thiết kế thường xuyên làm việc trong môi trường đội, nhóm và teamwork – tinh thần đồng đội – là một yếu tố thú vị. Cùng nhau làm việc, vượt thử thách và hưởng thành quả là trải nghiệm đáng nhớ. Nhà thiết kế cũng luôn có cơ hội để phát huy khả năng sáng tạo, thỏa thích khám phá và nhìn thấy những nỗ lực của mình mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Ngoài ra, khi làm việc trong môi trường có nhiều chuyên môn khác nhau như Thiết kế và Phát triển sản phẩm, mỗi thành viên của đội ngũ còn học hỏi được rất nhiều điều từ những người khác, hoàn thiện kiến thức và thế giới quan của mình.
Trải qua quá trình phát triển sản phẩm, được rèn luyện tư duy nhìn nhận vấn đề đa chiều sẽ giúp các thành viên nhận thấy những điểm cần phải cải thiện để làm việc hiệu quả hơn, cũng như nhìn ra những điểm mấu chốt giúp tiến xa hơn trong công việc.
Quy mô các dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm
Các dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm có quy mô rất khác nhau, từ rất nhỏ cho đến rất lớn. Khi nói đến sản phẩm, đó có thể là chiếc ô tô hay thậm chí máy bay, nhưng đó cũng có thể là chiếc cốc, chiếc chén hay thậm chí nhỏ hơn như cái ghim kẹp giấy. Bảng 1.1 dưới đây đưa ra ví dụ về một số dự án Thiết kế và Phát triển sản phẩm.
 
Top