Nhận được gì khi ứng dụng IoT ngành dược phẩm?

long8564

Active Member
Moderator
Không nằm ngoài xu thế phát triển IoT trong sản xuất, IoT ngành dược phẩm cũng đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt cho ngành công nghiệp triệu đô này. Những thay đổi ấy sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối mà còn cho cả bệnh nhân.

Doanh nghiệp sản xuất dược: Dự đoán bảo trì thiết bị
Đối với các nhà sản xuất, việc đảm bảo trạng thái máy móc luôn ở tình trạng ổn định là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc, bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thuốc thành phẩm, và những sai sót trong quá trình này sẽ đem lại hậu quả không thể đong đếm được. Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và cải thiện tuổi thọ máy là hai lý do chính khiến các nhà sản xuất thuốc chọn chuyển sang IoT.

Kiểm soát tình trạng hoạt động của máy trước khi ứng dụng IoT
Việc ứng dụng IoT trong việc kiểm soát chất lượng vận hành máy móc sản xuất và dự đoán bảo trì có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng thuốc thành phẩm. Nếu máy móc không được đảm bảo được hoạt động trong trạng thái tốt nhất, có thể gây dẫn tới những hậu quả cho sức khỏe của người bệnh. Viên nang thuốc với liều lượng sai, hoặc thiết bị y tế với tiêu chuẩn chất lượng kém tối ưu hoặc không an toàn, chỉ là hai kết quả tiềm tàng của việc không sử dụng dữ liệu vận hành để tạo ra một hệ thống bảo trì dự đoán. Chi phí thu hồi một loại thuốc, thiết bị y tế hoặc chân tay giả có thể lên tới hàng trăm triệu đô la, đó là chưa nói đến những chi phí phát sinh nếu xảy ra các vấn đề pháp lý.
Mặt khác, do đặc điểm đặc thù sản xuất, nên các thiết bị dùng trong nhà máy dược phẩm như thiết bị khử trùng, máy bơm và thiết bị chân không, đầu dò nhiệt độ và độ axit, v..v.. có giá thành rất cao. Để đảm bảo chi phí sản xuất, bài toán đặt ra là cần phải đảm bảo máy móc luôn hoạt động trong trạng thái tối ưu nhất và tuổi thọ kéo dài nhất có thể. Tuy nhiên, trước đây, rất khó để kiểm soát tuổi thọ và trạng thái hoạt động của các loại máy móc này do nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như điện áp quá mức, hao mòn hoặc ảnh hưởng đến thiết bị, ăn mòn hoặc hư hỏng do hóa chất hoặc rò rỉ, v.v….
Khi áp dụng IoT ngành dược phẩm, nhờ các cảm biến trên bo mạch và bảng điều khiển bảo trì kỹ thuật số, các doanh nghiệp có thể hiểu sâu hơn về tình trạng sử dụng và hiệu quả của máy, chủ động tìm và khắc phục sự cố trước khi gián đoạn hoạt động. Điều này giúp loại bỏ thời gian gián đoạn bất ngờ và giúp dễ dàng lập kế hoạch để sử dụng máy móc hiệu quả nhất trong khung thời gian hoạt động. Khi theo dõi và kịp thời thay thế những bộ phận riêng lẻ bị hao mòn cũng giúp thiết bị duy trì được tuổi thọ lâu nhất có thể, thay vì thay thế trước khi chúng cần thiết, như với bảo trì phòng ngừa truyền thống.
Nhà phân phối thuốc: Giám sát chặt chẽ quy trình vận chuyển
Thuốc và các thiết bị y tế là những sản phẩm có tính đặc thù rất cao và việc vận chuyển trong quá trình phân phối cần tuân theo một số tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Có thể kể ra đây một ví dụ về sự sai sót trong khâu vận chuyển thuốc có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Vào khoảng Từ năm 2014 đến 2015, hơn 4.000 trẻ em tại Mỹ đã phải tiêm lại vắc-xin sau khi một lô vắc-xin đã được bảo quản với nhiệt độ dưới mức cho phép trong quá trình vận chuyển.

Từ khi IoT ngành dược phẩm xuất hiện, người ta đã có phương pháp để kiểm soát và đảm bảo chính xác tình trạng dược phẩm trong quá trình vận chuyển. Các cảm biến được cài đặt ở mỗi lô hàng, xe vận chuyển, v..v… sẽ gửi các thông số về nhiệt độ bảo quản, cách thức và khu vực lưu trữ theo từng lô hàng tới hệ thống quản lý trung tâm. Hệ thống sẽ tự động theo dõi và ngay lập tức phát hiện và báo cáo các sai sót trong quá trình vận chuyển để đảm bảo không sự cố đáng tiếc nào có thể xảy ra.

Kỹ thuật viên đang giám sát chất lượng thuốc thành phẩm sau khi được vận chuyển
Mặt khác, nếu lô hàng được theo dõi thông qua IoT dựa trên vị trí và giám sát dựa trên đám mây, người ta có thể đưa ra cảnh báo cho đơn vị phân phối nếu giao thông, thời tiết hoặc các yếu tố khác có khả năng trì hoãn quá trình vận chuyển. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển hướng một lô hàng đến một cơ sở được trang bị phù hợp để tạm thời tránh bị hư hỏng, các nhà phân phối cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị tốt hơn.
Trong tương lai, các công nghệ được kết nối không chỉ đóng vai trò đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển mà còn tiếp tục cung cấp các phương tiện để theo dõi hoặc báo cáo về điều kiện của thuốc trong suốt quá trình từ nhà sản xuất tới tận tay người bệnh.
Kết
IoT ngành dược phẩm
xuất hiện sẽ giúp các doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu; cung cấp phương pháp mới để quản lý, giám sát và cải thiện một số quy trình quan trọng nhất trong ngành công nghiệp gắn liền trực tiếp tới sức khỏe con người này.
 

long8564

Active Member
Moderator
Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng trong sản xuất dược phẩm
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, mang đến cho con người cơ hội thay đổi bộ mặt các nền kinh tế. Nếu ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm đón được làn sóng này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ và đầy sáng tạo…
Điểm nổi bật của công nghiệp 4.0 là gì?
Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là thuật ngữ rút gọn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0), được bắt nguồn từ một dự án chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức về xúc tiến quá trình điện toán hóa (Computerization) nền sản xuất hàng hóa. Đó là quá trình thay đổi mô hình sản xuất và/hoặc kinh doanh, tạo ra doanh thu và giá trị mới bằng công nghệ số với đòn bẩy của công nghệ nền thế hệ thứ ba bao gồm: Điện toán đám mây (i-Cloud Computing), Big Data, internet kết nối vạn vật (IoT: Internet of Thing), công nghệ giám sát vận hành (OT: Operational Technology), công nghệ AI… Tất cả các công nghệ nói trên sẽ tạo ra các nhà máy kết nối, phân quyền, phân cấp một cách thông minh trong sản xuất (Smart Decentralised Manufacturing), hệ thống tự tối ưu hóa (Self-optimising System) và chuỗi cung ứng số hóa trong môi trường của hệ thống thực – ảo (Cyber – physical System) bao gồm phần cứng và phần mềm kết nối qua mạng không dây hoặc điện toán đám mây.

Một định nghĩa ngắn gọn hơn về Công nghiệp 4.0 là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ bởi công nghệ thông tin của nền sản xuất trong môi trường kết nối dữ liệu, con người, quy trình/quá trình, dịch vụ, hệ thống và cơ sở sản xuất với việc tạo ra các hệ sinh thái sản xuất mới, trên cơ sở công nghệ số là đòn bẩy và sử dụng các thông tin như là phương tiện để thực hiện nhà máy thông minh. Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn có hiệu quả và hiệu dụng tốt hơn.
Tác động của công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 cho phép nhà sản xuất có cái nhìn toàn diện về các công đoạn của quá trình sản xuất và buộc nhà sản xuất có trách nhiệm thông tin về nguyên liệu, về kiểm kê hàng hóa, chất lượng, về lãng phí, về kết quả đầu ra và về khách hàng đặt tiêu chuẩn GMP… nhằm bảo đảm các cơ hội cải tiến, tiết kiệm nguồn lực tài chính, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và cải thiện quan hệ với nhà cung cấp.
Việc kết nối các thiết bị, con người, quá trình/quy trình, dịch vụ và hệ thống cung ứng bổ sung cho IoT và công nghiệp 4.0. Thời đại của “công nghệ nhúng” (Embedded Technology) chính là phương thức các thông tin và các thiết bị này được kết nối với nhau và sẵn sàng chờ lệnh từ đầu ngón tay của người sử dụng. Lợi thế của công nghệ này rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong thời đại cạnh tranh thị trường toàn cầu.
Tiếp cận được với các thông tin có ý nghĩa giúp cho người quản lý sản xuất/dịch vụ có cái nhìn rõ ràng hơn về các công đoạn của quá trình/quy trình, cho phép phân tích tốt hơn thực trạng và có thể đưa ra các quyết định tức thời (Real Time) và có trách nhiệm để cải tiến liên tục và đạt được các quá trình/quy trình ưu việt. Theo các nhà phân tích, nền công nghiệp sản xuất/chế biến (Manufacturing Industry) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bởi internet kết nối vạn vật, và do đó cũng tác động đáng kể đến công nghiệp dược và công nghiệp y tế.

Sản xuất dược phẩm trong thời đại số hóa
Trong tương lai gần, tại các nhà máy dược phẩm, công nghệ phân tích quy trình (PAT: Process Analytical Technology) đã được thảo luận rất nhiều và thử nghiệm ở quy mô pilot trong các tập đoàn và công ty dược phẩm hàng đầu hàng chục năm qua nhưng chưa được áp dụng rộng rãi ở quy mô lớn, chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong các nhà máy dược phẩm hiện đại. Sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thiết bị thông minh được kết nối, hoặc nói như thuật ngữ công nghệ thông tin, được “nhúng” (embedded) vào các quá trình và công nghệ sản xuất dược phẩm để thu thập các dữ liệu và thông tin một cách “tức thời” (Real Time), ví dụ trong các nhà máy được điều hành bằng hệ thống SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition), để thay thế cho việc thực hiện các phép kiểm tra chất lượng theo truyền thống. Các “nhà máy dược phẩm thông minh” sẽ không còn sản xuất dược phẩm theo lô (Batch Process) mà là một quá trình sản xuất liên tục được thực hiện bởi các thiết bị và công cụ thông minh có khả năng giao tiếp với nhau (Machine to Machine Communication) và với con người (Human Machine Interface).

Xử lý dữ liệu thông minh – Chất lượng dược phẩm tốt hơn
Sẽ diễn ra việc số hóa một khối lượng khổng lồ các dữ liệu sản xuất theo truyền thống vẫn in trên giấy và/hoặc ghi chép trong sổ sách. Chắc chắn IoT sẽ hoàn toàn thực hiện một cuộc cách mạng trong công việc này. Hàng ngàn tỷ byte (Terabyte) dữ liệu điện tử về sản xuất/kinh doanh trong các nhà máy/công ty sẽ được tạo ra và lưu trữ thay vì phải xây dựng các kho để lưu trữ văn bản dữ liệu (theo yêu cầu của nhà sản xuất và yêu cầu của cơ quan quản lý). Các nhà sản xuất – kinh doanh dược phẩm sẽ ứng dụng các giải pháp “thuật toán đám mây” được hỗ trợ bởi công nghệ “chuỗi khối” (block chain) phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối dữ liệu liên kết với nhau trong đó các hoạt động của hệ thống sẽ được ghi lại tức thời theo thời gian. Tất cả các công nghệ này sẽ thách thức “não trạng” truyền thống của các nhà quản lý và các doanh nghiệp về các khái niệm “lưu trữ dữ liệu”, bảo đảm “sự toàn vẹn của dữ liệu”, về “bí mật” và “bảo mật” dữ liệu (Data Privacy and Protection). Các dữ liệu sẽ được xử lý một cách thông minh, kết nối với các phân tích và hợp nhất với thông tin của người sử dụng cuối cùng, cho phép sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn, có hiệu quả và hiệu dụng tốt hơn.
 
Top