Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015

  • Thread starter XTPro
  • Ngày mở chủ đề
X

XTPro

Author
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
________
Số: 145/2007/QĐ-TTg CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________________________
Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025
______

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến các Bộ, ngành và địa phương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển ngành Thép Việt Nam phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và ngành công nghiệp của cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và lộ trình hội nhập của Việt Nam.
b) Xây dựng và phát triển ngành Thép Việt Nam thành một ngành công nghiệp quan trọng, bảo đảm phát triển ổn định và bền vững, giảm thiểu sự mất cân đối giữa sản xuất gang, phôi thép với sản xuất thép thành phẩm, giữa sản phẩm thép dài với sản phẩm thép dẹt.
c) Xây dựng ngành Thép Việt Nam với công nghệ tiên tiến hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, bảo đảm hài hoà với bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn phát triển ngành Thép.
d) Coi trọng và khuyến khích các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế trong nước liên kết, hợp tác với nước ngoài đầu tư xây dựng một số tổ hợp mỏ - luyện kim, nhà máy thép liên hợp và nhà máy cán các sản phẩm thép đẹt quy mô lớn.
2. Mục tiêu phát triển
Mục tiêu phát triển tổng thể của ngành Thép Việt Nam là đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm thép của nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu, cụ thể như sau:
a) Sản xuất gang
Đáp ứng đủ gang đúc cho nhu cầu sản xuất cơ khí phục vụ trong nước và xuất khẩu, phấn đấu cung cấp phần lớn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước. Năm 2010 đạt 1,5 - 1,9 triệu tấn gang; năm 2015 đạt 5,0 - 5,8 triệu tấn gang; năm 2020 đạt 8 - 9 triệu tấn gang và sản phẩm hoàn nguyên; năm 2025 đạt 10 - 12 triệu tấn gang và sản phẩm hoàn nguyên.
b) Sản xuất phôi thép (thép thô)
Năm 2010 đạt 3,5 - 4,5 triệu tấn; năm 2015 đạt 6 - 8 triệu tấn; năm 2020 đạt 9 - 11 triệu tấn và năm 2025 đạt 12 - 15 triệu tấn phôi thép.
c) Sản xuất thép thành phẩm
Năm 2010 đạt 6,3 - 6,5 triệu tấn (18 - 2,0 triệu tấn sản phẩm dẹt); năm 2015 đạt 11- 12 triệu tấn (6,5 - 7,0 triệu tấn sản phẩm dẹt); năm 2020 đạt 15 - 18 triệu tấn (8 - 10 triệu tấn sản phẩm dẹt) và năm 2025 đạt khoảng 19 - 22 triệu tấn thành phẩm ( 11 - 13 triệu tấn sản phẩm dẹt và 0,2 triệu tấn thép đặc biệt).
d) Xuất khẩu gang thép các loại:
Năm 2010 xuất khẩu đạt 0,5 - 0,7 triệu tấn; năm 2015 xuất khẩu đạt 0,7 - 0,8 triệu tấn; năm 2020 xuất khẩu đạt 0,9 - 1,0 triệu tấn; năm 2025 xuất khẩu khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn.
Mục tiêu xuất khẩu trên có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể, nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong nước.
3. Nội dung quy hoạch
a) Nhu cầu về các sản phẩm thép
Nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt khoảng 10-11 triệu tấn; năm 2015 khoảng 15-16 triệu tấn; năm 2020 khoảng 20-21 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24-25 triệu tấn.
b) Quy hoạch các dự án đầu tư chủ yếu
Trên cơ sở phân bổ nguồn nguyên liệu quặng sắt, vị trí địa lý và điều kiện cơ sở hạ tầng cũng như phân bố nhu cầu tiêu thụ thép, thực hiện đầu tư các dự án chủ yếu sau:
Giai đoạn 2007 - 2015:
+ Liên hợp thép Hà Tĩnh, sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê: công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khoảng 2 - 2,5 triệu tấn. Hình thức đầu tư dự kiến hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian đưa vào sản xuất giai đoạn 1 dự kiến 2011 - 2012;
+ Liên hợp thép Dung Quất (Quảng Nghị) công suất 5 triệu tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng quặng sắt trong nước và nhập khẩu. Hình thức đầu tư - 100% vốn nước ngoài. Thời gian đưa vào hoạt động giai đoạn 2 dự kiến 2011 - 2015;
+ Dự án nhà máy thép cuộn cán nóng, cán nguội và mạ kẽm chất lượng cao với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 đạt 0,7 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư là Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), 100% vốn đầu tư nước ngoài;
+ Dự án nhà máy thép cuộn, thép lá cán nóng chất lượng cao, công suất 2 triệu tấn/năm. Hình thức đầu tư - liên doanh giữa Tập đoàn ESSA (Ấn Độ) và một số doanh nghiệp trong nước. Dự kiến triển khai xây dựng nhà máy trong giai đoạn 2007 - 2009;
+ Dự án mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: đầu tư đồng bộ các công đoạn mỏ, luyện kim (lò cao-lò thổi ôxy). Công suất khoảng 0,5 triệu tấn phôi vuông/năm, dự kiến đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2009 - 2010;
+ Liên hợp thép Lào Cai, sử dụng quặng sắt mỏ Quý Xa: luyện gang lò cao, luyện thép lò điện với công suất 0,5 triệu tấn phôi vuông/năm; dự kiến đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2009 - 2010. Trong giai đoạn 2016 - 2025 nếu có thị trường sẽ đầu tư thêm dây chuyền cán thép hiện đại công suất 0,5 triệu tấn/năm;
+ Phát triển các dự án sản xuất gang lò cao quy mô vừa và nhỏ tại Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn và Yên Bái với tổng công suất đạt khoảng 1 triệu tấn gang/năm; các nhà máy sản xuất phôi dẹt của Công ty Thép Cửu Long, phôi vuông của Công ty Thép Việt và Công ty Thép miền Nam (VSC)...;
+ Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác một số dự án cán sản phẩm thép dẹt quy mô nhỏ hơn: 2 nhà máy sản xuất thép tấm cán nóng của VINASHIN và của Công ty Thép Cửu Long; các nhà máy sản xuất thép cuộn cán nguội của LILAMA, giai đoạn 2 của Công ty Thép tấm là Phú Mỹ (VSC), Công ty Hoa Sen, Formosa Steel, Sun Steel, Công ty Bạch Đằng ....
Giai đoạn 2016 - 2025:
+ Dự án sản xuất thép lò điện từ sản phẩm hoàn nguyên trực tiếp (công nghệ luyện kim phi cốc Midrex hay HYL sử dụng khí thiên nhiên) với các công nghệ, thiết bị đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, quy mô 1,5 triệu tấn phôi thép dẹt (phương án 1) hoặc 1,5 triệu tấn thép tấm cán nóng (phương án 2) mỗi năm.
Thời kỳ đầu tư: phương án 1 dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 (đặt tại Bà Ria - Vũng Tàu, có thể cung cấp phôi dẹt cho các nhà máy cán nóng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); phương án 2 dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2025 (đặt tại Bình Thuận để sử dụng khí thiên nhiên khai thác từ bể Phú Khánh và diện tích phía Bắc của bể Cửu Long).
Hình thức đầu tư: 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh trong và ngoài nước.
+ Nghiên cứu đầu tư một số dự án luyện cán thép tấm, thép hình lớn và thép ống không hàn với công nghệ tiên tiến, quy mô công suất khoảng 1 triệu tấn thép thành phẩm/năm phục vụ các ngành đóng tầu, dầu khí, cơ khí chế tạo thiết bị siêu trường, siêu trọng. Hình thức đầu tư: 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh trong và ngoài nước.
+ Nghiên cứu đầu tư nhà máy thép đặc biệt quy mô công suất khoảng 0,3 - 0,5 triệu tấn/năm phục vụ ngành chế tạo máy và công nghiệp quốc phòng.
* Danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2025 của ngành Thép Việt Nam tại Phụ lục kèm theo.
c) Các giải pháp, chính sách chủ yếu
- Giải pháp về vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển của ngành Thép Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2025 ước vào khoảng 10 - 12 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2007 - 2015 khoảng 8 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư này, thực hiện một số giải pháp sau:
+ Đa dạng hoá vốn đầu tư cho ngành Thép từ các nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi (đối với các dự án sản xuất phôi thép), vốn vay thương mại trong và ngoài nước, vốn từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình, vốn đầu tư nước ngoài;
+ Linh hoạt sử dụng vốn của các tổ chức tài chính thông qua hình thức thuê mua thiết bị, mua thiết bị trả chậm; liên kết đầu tư với các hộ tiêu thụ thép lớn thuộc các ngành kinh tế quốc dân khác như ngành đóng tầu, sản xuất ôtô - xe máy, cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng, ngành xây dựng, giao thông, ...;
+ Đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước của ngành Thép để đa dạng hoá sở hữu nguồn vốn và huy động vốn từ các cổ đông. Khuyến khích các doanh nghiệp cổ phần trong ngành Thép thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán và phát hành cổ phiếu thu hút vốn đầu tư gián tiếp.
- Giải pháp về hợp tác đầu tư
Định hướng về hợp tác đầu tư với nước ngoài chủ yếu tập trung trong sản xuất gang, phôi thép và cán các sản phẩm thép dẹt, nhất là đối với các dự án có quy mô công suất lớn (trên 1 triệu tấn/năm).
- Giải pháp bảo đảm nguồn nguyên, nhiên liệu chính.
Trước mắt, thực hiện việc xuất quặng sắt để nhập đối lưu than mỡ, than cốc với các đối tác Trung Quốc. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu nguyên liệu khoáng chung của cả nước để bảo đảm nguồn than mỡ, than cốc cho ngành Thép phát triển bền vững.
- Giải pháp xuất nhập khẩu, phát triển thị trường:
+ Bảo vệ thị trường nội địa bằng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, môi trường hợp pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vào thị trường Việt Nam;
+ Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để hoàn thiện thị trường các sản phẩm thép, tạo liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi nhuận và cộng đồng trách nhiệm giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh thép;
+ Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực thực hiện pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, chống liên kết lũng đoạn thí trường, chống bán phá giá.
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng đội ngũ giáo viên cho các trường đào tạo công nhân kỹ thuật để có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động cho ngành luyện kim. Coi trọng hình thức đào tạo ở nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài đào tạo tại nhà máy.
- Giải pháp phát triển khoa học - công nghệ
Tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố mối quan hệ khoa học - công nghệ giữa các đơn vị sản xuất với các cơ quan nghiên cứu R&D, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ - kỹ thuật mới vào ngành Thép nước ta.
- Giải pháp bảo vệ môi trường
+ Hạn chế, giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất luyện kim mới đầu tư xây dựng phải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến và được trang bị các thiết bị xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường. Không cấp phép đầu tư cho dự án luyện kim chưa có hoặc không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường;
+ Có kế hoạch di dời và đầu tư chiều sâu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở luyện cán thép nằm trong diện di dời ở các thành phố hoặc các khu vực làng nghề;
+ Thực hiện kế hoạch cải tạo, tiến tới loại bỏ dần việc sử dụng các công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao dưới 200m3 (ngoài các lò cao chuyên dùng sản xuất gang đúc cơ khí), lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ (không kể lò đúc chi tiết cơ khí), dây chuyền cán thép công suất dưới 100 tấn/ca (không kể cán thép không rỉ và thép chất lượng cao) và các loại máy móc, thiết bị phụ trợ lạc hậu khác;
+ Các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, thép cán khởi công xây dựng từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 trở đi ngoài việc phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp, còn phải thoả mãn điều kiện như sau:
. Lò cao (BF) có dung tích hữu ích không nhỏ hơn 700 m3;
. Lò điện (EAF) có công suất tối thiểu là 70 tấn/mẻ;
. Lò thổi ôxy (BOF) có công suất tối thiểu là 120 tấn/mẻ;
. Dây chuyền cán thép có công suất từ 500.000 tấn/năm trở lên.
+ Kiểm soát chặt chẽ an toàn hoá chất, khí thải, đặc biệt là những hoá chất có mức độ độc hại ở các cơ sở sản xuất sản phẩm thép dẹt cán nguội, mạ tráng kim loại, sơn phủ màng hữu cơ, các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất cốc, thiêu kết và hoàn nguyên quặng sắt.
- Giải pháp về quản lý: ban hành cơ chế, chính sách phát triển ngành Thép Việt Nam theo hướng khuyến khích cao và bảo hộ hợp lý đầu tư sản xuất ở thượng nguồn (khai thác, tuyển quặng sắt quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm hoàn nguyên, gang, phôi thép), xây dựng các liên hợp luyện kim và các nhà máy cán sản phẩm thép dẹt quy mô lớn.
- Đẩy mạnh công tác đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Khuyến khích việc thành lập công ty cổ phần có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1 . Bộ Công thương:
- Là cơ quan quản lý nhà nước về ngành Thép, có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của ngành Thép theo Quy hoạch được duyệt. Định kỳ tổ chức cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu hoàn thiện và đề xuất cơ chế, chính sách, công cụ mới trong việc:
+ Bảo vệ hiệu quả sản xuất thép trong nước trước sự cạnh tranh của sản phẩm thép nước ngoài phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam;
+ Tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; phát triển và xã hội hoá hệ thống phân phối thép góp phần bình ổn thị trường thép;
+ Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm gang thép.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển các dự án trọng điểm của ngành thép như mỏ quặng sắt Thạch Khê và nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh. Định hướng và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án nằm trong Quy hoạch này.
3 . Bộ Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính, chính sách thuế xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển và cơ cấu lại ngành Thép.
4. Bộ Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải, đặc biệt là đường sắt và cảng biển, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho công nghiệp thép tại Lào Cai, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Ria - Vũng Tàu, Quảng Ngãi và một số địa phương khác.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực luyện kim theo hướng tiếp thu, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của thế giới; hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ sản xuất phôi và thép chế tạo một cách hiệu quả.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên quặng sắt và các khoáng chất trợ dung; chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho hoạt động điều tra đánh giá, thăm dò quặng sắt và các khoáng chất trợ dung theo quy hoạch được duyệt;
- Tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép các hoạt động khoáng sản liên quan đến Quy hoạch phát triển ngành Thép.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo việc thực hiện đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất thép trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch này;
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch này; xử lý và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư và các cơ sở sản xuất thép trên địa bàn.
8. Hiệp hội Thép Việt Nam:
- Thực hiện vai trò cầu nối liên kết, đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành Thép với các cơ quan quản lý nhà nước;
- Chủ động đề xuất và tham gia với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây đựng cơ chế, chính sách phát triển; phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 134/2001 /QĐ-TTG ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành sau 1 5 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiềm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục đơn vị trực thuộc, Công báo;
-Lưu: Văn thư, CN (5b). Hà 315 THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
 
V

Vo HuyThanh

Author
Khiếp thiệt. Phen này ngành thép Việt Nam chắc sẽ đầu tàu sản xuất thép của toàn thế giới. Các chú trong MES ráng trau dồi võ nghệ đi , chắc sắp có đất dung thân rồi đó. Tôi không phải dân trong nghề luyện kim nhưng mà đọc xong muốn té ngữa luôn đó. Hy vọng cái quy hoạch này đừng có bá láp như cái quy hoạch phát triển công nghệ ô tô xe máy trình ra năm rồi.
 

ME

Active Member
Liên hợp thép Dung Quất (Quảng Nghị) công suất 5 triệu tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng quặng sắt trong nước và nhập khẩu. Hình thức đầu tư - 100% vốn nước ngoài. Thời gian đưa vào hoạt động giai đoạn 2 dự kiến 2011 - 2015;
Quảng Nghị là tỉnh nào nhỉ? ;D ;D ;D
 
D

dongbac

Author
huythanh viết:
Khiếp thiệt. Phen này ngành thép Việt Nam chắc sẽ đầu tàu sản xuất thép của toàn thế giới. Các chú trong MES ráng trau dồi võ nghệ đi , chắc sắp có đất dung thân rồi đó. Tôi không phải dân trong nghề luyện kim nhưng mà đọc xong muốn té ngữa luôn đó. Hy vọng cái quy hoạch này đừng có bá láp như cái quy hoạch phát triển công nghệ ô tô xe máy trình ra năm rồi.
Em nghĩ cái quy hoạch này thì khó thực hiện được 100% nhưng nó cũng không phi thực tế lắm đâu ạ. Mà nếu có thực hiện được cả 100% thì cũng đã là cái gì với các ngành thép của các nước phát triển đâu anh.
 
Đọc xong bản quy hoạch, mình có một số ý kiến sau:

XTPro viết:
b) Quy hoạch các dự án đầu tư chủ yếu
Trên cơ sở phân bổ nguồn nguyên liệu quặng sắt, vị trí địa lý và điều kiện cơ sở hạ tầng cũng như phân bố nhu cầu tiêu thụ thép...
Bản quy hoạch thể hiện mong muốn phát triển ngành thép theo vùng miền. Trong đó ưu tiên phát triển miền Bắc (nơi có nguồn quặng sắt dồi dào) trước rồi mới đến các tỉnh miền Trung, Nam. Ưu điểm của nó là tránh đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, điều này không thoả đáng. Lấy ví dụ: các nhà sản xuất thép lớn của Trung Quốc tập trung ở miền Bắc, nơi có nguồn than dồi dào và nhập quặng sắt từ Ấn Độ và Úc; tương tự, các nước châu Âu nhập quặng sắt từ Brazil... Bản đồ quy hoạch phát triển ngành thép ở các nước cho thấy: họ quy hoạch ngành thép theo nguồn năng lượng chứ không phải theo "phân bổ quặng sắt". Lý do: giá quặng sắt ít biến động và rẻ hơn so với dầu, khí thiên nhiên và than.

Theo đó, Việt Nam nên quy hoạch ngành thép theo các vùng công nghệ. Ví dụ, miền Bắc có mỏ than thì nên tập trung vào Công nghệ luyện thép qua lò cao. Miền Trung và Nam có mỏ dầu thì nên tập trung vào Công Nghệ Sắt xốp. Đặc điểm của quy hoạch theo công nghệ là chọn nguồn năng lượng là ưu tiên một, sau đó mới đến quặng sắt và việc phát triển các vùng công nghệ cần tiến hành đồng thời.

Ngoài ra, nội dung "Quy hoạch phát triển ngành thép" đề cập đến nhu cầu địa phương mà không xét đến nhu cầu của các nước là một thiếu sót lớn. Thực tế cho thấy, trước khi quyết định đầu tư, các nhà sản xuất thép không chỉ nhắm vào thị trường mà còn xét đến vị trí địa lý của nước đó trên bản đồ thế giới. Lý do: nhà máy là trung tâm phân phối của các hãng thép trên toàn thế giới.

Do đó, hợp lý hơn cả là phát triển ngành thép theo vùng công nghệ và sản xuất các yếu tố đầu vào cho các hãng thép đầu tư vào Việt Nam, ví dụ Phôi Thép. Từ đây, các nước khi đầu tư vào Việt Nam, nếu muốn tiết kiệm chi phí sẽ giúp ta giải bài toán "yếu tố đầu vào", trong đó có Phôi Thép.

XTPro viết:
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng đội ngũ giáo viên cho các trường đào tạo công nhân kỹ thuật để có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động cho ngành luyện kim. Coi trọng hình thức đào tạo ở nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài đào tạo tại nhà máy.
Có một thực tế là: "Giới trẻ ngày nay thích vào nhà băng, công sở hơn là vào xưởng đúc, nhà máy luyện kim". Lý do:
- Công việc năng nhọc, độc hại.
- Thu nhập không cao.

Đây cũng là tình hình chung ở các nước. Giải pháp của ta chỉ tập trung vào đội ngũ giảng viên, các hình thức đào tạo chứ không tập trung vào đối tượng "trực tiếp làm việc" là: công nhân, kỹ sư và đặc biệt là học sinh (những người đưa ra quyết định cuối cùng). Ở các nước, học luyện kim giống như học sư phạm ở ta.

Bên trên là ý kiến cá nhân, có gì không hợp lý mong mọi người góp ý.
 
Vo Van Thinh viết:
Do đó, hợp lý hơn cả là phát triển ngành thép theo vùng công nghệ và sản xuất các yếu tố đầu vào cho các hãng thép đầu tư vào Việt Nam, ví dụ Phôi Thép. Từ đây, các nước khi đầu tư vào Việt Nam, nếu muốn tiết kiệm chi phí sẽ giúp ta giải bài toán "yếu tố đầu vào", trong đó có Phôi Thép.
Viết xong bài này, sau đó mở Vneconomy lên xem thì thấy quả đúng như vậy.


Hỏi chuyện ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành các dự án tại Đông Nam Á của Tata Steel.


Ông nhận định về sự phát triển của ngành công nghiệp thép ở Việt Nam như thế nào?

Với đà phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay, thị trường thép đang ở giai đoạn bùng nổ, theo chúng tôi, tốc độ tăng khoảng 15%/năm. Thị trường thép đang phát triển mạnh đòi hỏi có nhiều nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu phôi thép rất nhiều. Đó là thách thức rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Chính vì thế, đa số các dự án của Tata Steel nhắm vào sản xuất thép để có thể giúp cho thị trường Việt Nam thay thế phần nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Chúng tôi sẽ sử dụng những nguyên liệu khoáng sản sẵn có của Việt Nam. Cách thức của Tata Steel là đầu tư vào cả 3 khâu của quá trình sản xuất, từ thu gom nguyên liệu khai mỏ cho đến sản xuất và đưa ra sản phẩm cuối cùng là thép thành phẩm.

Mới đây, Tata Steel đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Thép Việt Nam về dự án xây dựng một nhà máy sản xuất thép tổng hợp, có công suất 4,5 triệu tấn/năm, được triển khai thành nhiều giai đoạn trong vòng 10 năm tại Hà Tĩnh. Nhà máy sản xuất thép tổng hợp này sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Vốn đầu tư cho dự án này là bao nhiêu, thưa ông?

Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Với công suất 4,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư ước sẽ khoảng 4,5-5 tỉ USD. Con số thực tế chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ công bố khi hoàn thành.

Dự kiến khi nào Tata Steel sẽ khởi công dự án?

Hiện Công ty tư vấn Corus Consulting đã được chọn làm công ty tư vấn đánh giá tính khả thi và thực hiện các hoạt động của dự án. Chúng tôi cũng đang tiến hành đăng ký địa điểm xây dựng nhà máy và làm việc chặt chẽ với các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Tỉnh và Khu kinh tế Vũng Áng. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ động thổ của dự án xây dựng nhà máy và bắt đầu công tác chuẩn bị xây dựng ngay sau khi chúng tôi nhận được đất.

Sản phẩm phôi thép của nhà máy khi sản xuất ra sẽ được sử dụng tại thị trường Việt Nam hay xuất khẩu, thưa ông?

Về sản phẩm đầu ra của nhà máy thép đa phần tập trung chủ yếu sử dụng tại thị trường Việt Nam. Phần còn lại chúng tôi sẽ cân bằng giữa nhu cầu của thị trường trong nước và nhu cầu xuất khẩu.

Như tôi nói lúc đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường hiện nay khoảng 15%/năm nên chúng tôi sẽ tính đến sự tăng trưởng này để cân đối sản xuất để phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng tôi cũng tính toán phù hợp để lượng sản xuất ra không vượt quá nhu cầu của thị trường mà phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngoài lĩnh vực thép, Tập đoàn Tata còn có kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam?

Tata Steel nhìn thấy ở thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Bản thân Tập đoàn Tata hoạt động trên 7 lĩnh vực. Các nhóm công tác của Tata đã đến nghiên cứu thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều tiềm năng lớn ở Việt Nam như lĩnh vực khách sạn, điện lực, viễn thông.

Nhưng hiện nay quan tâm chính của Tata là đầu tư vào một lĩnh vực then chốt để có hiệu quả đầu tư cao nhất là lĩnh vực thép. Ưu tiên hiện nay của Tập đoàn Tata tại thị trường Việt Nam hiện nay là ngành thép.

Tata Steel là một bộ phận trong Tập đoàn Tata. Các bộ phận khác cũng sẽ nhìn từ Tata Steel để tìm thấy những bài học thành công ở thị trường Việt Nam để qua đấy họ sẽ có những phương thức đầu tư vào Việt Nam hiệu quả.

Tata Steel đã hoạt động tại Việt Nam một thời gian dài và kết quả của họ rất tốt nên tôi tin những nhóm khác trong tập đoàn Tata sẽ có nghiên cứu đầu tư tăng cường vào thị trường Việt Nam.

(Theo Vneconomy)
 
L

Liễu Ngân Đình

Author
ME viết:
Liên hợp thép Dung Quất (Quảng Nghị) công suất 5 triệu tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng quặng sắt trong nước và nhập khẩu. Hình thức đầu tư - 100% vốn nước ngoài. Thời gian đưa vào hoạt động giai đoạn 2 dự kiến 2011 - 2015;
Quảng Nghị là tỉnh nào nhỉ? ;D ;D ;D
Chắc tại người đánh máy thôi bác ạ!
mà đến năm 2015 thì em cũng bạc đầu râu rồi, chẳng biết có còn nhận em vào ko nữa.
Vậy mà giờ đây vẫn chưa đào tạo được những Công nhân đạt CHUẨN thì lại giống INTELL tuyển 1000 người nhưng chỉ nhận vào 200 người đáp ứng được yêu cầu.
 
Top