Xin hỏi về chức năng và cách dùng COSMOS Motion

  • Thread starter toantt1986
  • Ngày mở chủ đề
T

toantt1986

Author
em mới học Solidworks. Mọi người nói nhiều về COSMOS Motion, em chưa hiểu dùng để làm gì.
Nhờ anh em nào giải thích giúp.
Và muốn sử dụng nó ntn?
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Ðề: COSMOS Motion

em mới học Solidworks. Mọi người nói nhiều về COSMOS Motion, em chưa hiểu dùng để làm gì.
Nhờ anh em nào giải thích giúp.
Và muốn sử dụng nó ntn?
Cosmos là 1 phần mềm tính toán kỹ thuật. Trước đây, nó có 1 phiên bản chạy độc lập và 1 phiên bản chạy trong giao diện SolidWorks, tên là CosmosWorks. Hiện nay, SolidWorks đã tích hợp chính thức gói phần mềm này vào trong sản phẩm của mình, gọi là Simulation (có nghĩa là Giả lập-Mô phỏng).

Phần mềm này giúp người thiết kế thực hiện nhiều bài toán kỹ thuật thông thường:

  • Tĩnh học
  • Động học
  • Tối ưu
  • Nhiệt học
  • Rung chấn
  • Ổn định
  • Phá huỷ
Vân vân. Motion chính là phần nghiên cứu và tính toán sự chuyển động của mô hình thiết kế.

Đối với mỗi lĩnh vực thiết kế kỹ thuật, ta có thể cần những nghiên cứu tính toán lý thuyết và chế tạo thử nghiệm nhiều lần trước khi đi đến thiết kế chính thức. Đây là công việc chiếm khá nhiều thời gian và công sức cũng như kinh phí. Nhờ có những phần mềm giả lập này mà ta có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm sức lực và chi phí tài chính trong công tác thiết kế. Nó cho phép "chế tạo" những chiếc máy ảo, cho nó hoạt động để ta khảo sát và có những hiệu chỉnh cần thiết trước khi bắt tay vào chế tạo thật. Để sử dụng được phần mềm này, người thiết kế phải biết mình cần tính toán và thử nghiệm cái gì, cách thức thiết lập các điều kiện biên và hiểu được ý nghĩa và giá trị của các báo cáo kết quả, đồng thời cũng phải biết rõ về năng lực cũng như hạn chế của phần mềm.

Một ví dụ thật đơn giản: trước đây, cần thiết kế một cái dầm con-sơn dài 2,000 mm chịu lực 5,000 N ở đầu mút tự do. Như vậy, trước khi bắt tay vào thiết kế, ta phải có những tính toán rồi sau khi có những thông số cụ thể thì mới vẽ được. Sau đó, ta chưa thực sự tin tưởng lắm vào những tính toán này và nhiều khi thực tế sẽ chứng minh rằng ta đã sai lầm; khỏi nói, kết cục này rất đáng buồn và đáng xấu hổ, thậm chí rất nghiêm trọng. Nay thì đơn giản hơn, ta cứ vẽ đại 1 cái dầm, gán cho nó có các đặc tính của một vật liệu rồi mô phỏng trạng thái chịu lực của nó; ta sẽ thấy nó bị biến dạng ra sao, bị phá huỷ ở chỗ nào... để từ đó mà có cách gia cố hoặc thay đổi hình dạng hoặc chọn vật liệu cho thích hợp.
 

TAMAC

Active Member
Ðề: COSMOS Motion

Phần mềm này giúp người thiết kế thực hiện nhiều bài toán kỹ thuật thông thường:

  • Tĩnh học
  • Động học
  • Tối ưu
  • Nhiệt học
  • Rung chấn
  • Ổn định
  • Phá huỷ
Vân vân. Motion chính là phần nghiên cứu và tính toán sự chuyển động của mô hình thiết kế.
Xin hỏi Anh DCL: hiện nay ở VN sau khi thiết kế công nghệ một chi tiết đúc muốn mô phỏng các quá trình nhiệt (rót kim loại) thường phải chuyển chạy mô phỏng đúc trong Procast, tôi nghĩ SW chắc phải có phần mô phỏng đúc chứ nhưng là một modun riêng phải mua mới được? Vừa rồi khi đi Đài Loan tôi thấy sau khi vẽ thiết kế chi tiết trên SW 2010 người ta chạy mô phỏng quá trình đúc trên SW luôn không qua phần mềm thứ 2, vậy ở SW Motion bài toán Nhiệt học là như thế nào?
 

DCL

<b>Hội đồng Cố vấn</b>
Ðề: COSMOS Motion

Chào anh Lehai,

Tiếc là tôi chưa có bản SW2010 nên không dám có ý kiến gì về phiên bản này và không biết nó mô phỏng quá trình đúc ra sao. Với các phiên bản trước thì nó có module FlowWorks, cho phép nghiên cứu dòng chảy của chất lỏng thực, có thể áp dụng để nghiên cứu quá trình điền đầy khuôn của chất dẻo hoặc kim loại nóng chảy. Việc nghiên cứu quá trình nguội trong khuôn thì không cần đến module này mà có thể sử dụng ngay module Nhiệt học (Thermal) đã có từ nhiều phiên bản trước đây.

Anh có thể xem thêm từ bài #40 tại: http://meslab.org/mes/showthread.php?t=6112&page=4

Thermal có hai bài toán cơ bản, đó là nghiên cứu "cân bằng nhiệt" và "nhiệt tức thời".

Một cách nôm na thì phân tích cân bằng nhiệt cho phép ta xác định nhiệt độ của một vật thể tại từng vị trí của nó, khi nó được cấp nhiệt với công suất Q1 tại một số bề mặt này và bị tản nhiệt với công suất Q2 tại một số bề mặt khác, Q1 và Q2 không đổi theo thời gian. Chức năng này có thể dùng để tính toán tường chịu lửa của lò đúc khi biết nhiệt độ buồng đốt, nhiệt độ không khí và tốc độ gió; ta có thể xác định được nhiệt độ tường tại từng vị trí và dĩ nhiên dùng nó để chọn loại gạch, xác định mức độ biến dạng và ứng suất nhiệt từng lớp do chúng có nhiệt độ khác nhau. Tương tự, ta cũng có thể tính toán các bộ tản nhiệt cho động cơ hoặc linh kiện điện tử hoặc một số bài toán khác nhờ chức năng này.

Với chức năng phân tích nhiệt tức thời (tôi chưa biết nên dùng thuật ngữ gì hay hơn), ta có thể khảo sát quá trình tăng hoặc giảm nhiệt độ tại từng vị trí của vật theo thời gian, khi biết Q1 và Q2 thay đổi theo thời gian. Với chức năng này, ta có thể biết được quá trình nguội của kim loại nóng chảy trong khuôn đúc ra sao, với điều kiện biết các thông số sau:

  1. Nhiệt độ của kim loại khi rót
  2. Nhiệt dung riêng của kim loại tại các nhiệt độ khác nhau
  3. Hệ số dẫn nhiệt của kim loại tại các nhiệt độ khác nhau (để tính sự dẫn nhiệt trong nội bộ vật đúc)
  4. Hệ số truyền nhiệt giữa kim loại và vật liệu khuôn (dẫn nhiệt)
  5. Nhiệt độ khuôn lúc chuẩn bị rót
  6. Hệ số dẫn nhiệt của khuôn (để tính sự dẫn nhiệt trong nội bộ vật liệu khuôn)
  7. Hệ số truyền nhiệt của khuôn ra môi trường (dẫn nhiệt xuống nền và đối lưu ra không khí)
  8. Nhiệt độ môi trường
Nếu các thông số này mà phần mềm chưa có hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế của ta thì ta phải làm các thí nghiệm để xác định. Ví dụ, phần mềm không có đúng loại vật liệu mà ta cần, ta có thể phải hiệu chỉnh vài thông số nào đó. Sau khi nạp các điều kiện biên nêu trên, ta sẽ có kết quả diễn biến quá trình nguội của sản phẩm. Đối với kim loại, việc nguội quá nhanh hay quá chậm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng vật đúc, căn cứ vào đó, ta có thể thấy ngay rằng cần làm sao cho tốc độ nguội trở nên hợp lý hơn nhờ một hoặc vài giải pháp kết hợp, ví dụ:

  • Thay đổi nhiệt độ rót
  • Thay đổi nhiệt độ sấy khuôn
  • Thay đổi vật liệu và chiều dày thành khuôn
  • Áp dụng các biện pháp ủ nhiệt
Vân vân (không phải chuyên ngành của tôi nên tôi chỉ đoán có thế thôi). Lúc nào rảnh, tôi sẽ làm demo để anh rõ hơn (ở cơ quan thì công việc hơi bận còn về nhà thì laptop yếu quá).
 
Last edited:

TAMAC

Active Member
Ðề: COSMOS Motion

Xin cám ơn các chỉ dẫn của Anh DCL, thời gian vừa qua tôi mới chỉ tập trung vào các bài tập hướng dẫn vẽ của SW trên Box, tài liệu thì nhiều tôi cũng không dám tham vọng học được hết mà chỉ chọn lọc những điều cần phục vụ cho công việc cụ thể của mình. Thú thật trước đây tôi cứ nghĩ đơn giản CosmosWorks chỉ là phần tính toán về sức bền vật liệu nên mới đọc sơ qua chưa chú trọng nay mới biết kỹ về nó. Tôi đã dow sách hướng dẫn về CW của Anh (do Chị PhuongThao biên soạn) về để học, một lần nữa xin cám ơn các chỉ dẫn của Anh!
 
Top