Quản lý thiết bị: Ổn định nền tảng sản xuất

Minh Nguyen 34

Active Member
Author

Thiết bị là một trong những yếu tố rất quan trọng trong sản xuất. Thiết bị có hoạt động ổn định hay không quyết định rất nhiều tới chất lượng cũng như kì hạn giao hàng. Vì thế, việc quản lý thiết bị đóng vai trò quan trọng giúp ổn định nền tảng sản xuất.

1. Thiết bị hoạt động không ổn định sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sản xuất
Trong sản xuất, dù chúng ta có cố gắng kaizen thao tác đến mức nào đi chăng nữa mà thiết bị hỏng hóc hay dừng giữa chừng thì sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhân viên không có việc làm, nguyên vật liệu chất đống trong kho là những ảnh hưởng đầu tiêu có thể nghĩ tới.
Trong trường hợp, thiết bị vẫn chạy nhưng thiếu ổn định (ví dụ động cơ quay không đều, lực tạo ra thay đổi liên tục…) thì sẽ khó đảm bảo được chất lượng sản phẩm tạo ra. Ví dụ, khi tốc độ quay của trục thay đổi liên tục thì độ nhám bề mặt cũng không đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ số nguyên vật liệu gia công cùng với công sức gia công đã trở nên lãng phí.
Đó là lý do vì sao chúng ta có thể khẳng định khi thiết bị có vấn đề toàn bộ hệ thống sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Ba yếu tố QCD không được đảm bảo đồng nghĩa với việc lợi nhuận của công ty cũng đi xuống. Vì vậy, việc đảm bảo thiết bị luôn vận hành ổn định là điều kiện tiên quyết để ổn định sản xuất.

2. Quản lý thiết bị là yếu tố căn bản để ổn định sản xuất
Để thiết bị hoạt động ổn định thì chúng ta cần quản lý thiết bị. Mục đích của hoạt động quản lý thiết bị đó là đảm bảo máy móc hoạt động ổn định, đảm bảo ổn định về chất lượng sản phẩm, đảm bảo kéo dài tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm năng lượng. Để làm được những điều trên, chúng ta cần “Kiểm tra thiết bị hàng ngày” và “Bảo dưỡng thiết bị định kì“.

3. Công việc cần làm để quản lý thiết bị
Kiểm tra thiết bị hàng ngày là công việc kiểm tra thiết bị trước và sau khi vận hành. Nội dung kiểm tra sẽ được quyết định tuỳ vào đặc tính riêng của từng loại thiết bị. Thông thường, trước khi sử dụng thiết bị chúng ta sẽ cho vận hành thử để kiểm tra xem thiết bị có hoạt động bình thường hay không. Ngoài ra, sau một ngày vận hành, chúng ta cũng kiểm tra lại xem thiết bị có hoạt động bình thường không, tỷ lệ vận hành hay tỉ lệ phế phẩm thế nào. Nếu thấy có bất thường sẽ đưa ra giải pháp khắc phục ngay để không ảnh hướng tới hoạt động sản xuất ngày tiếp theo.

Ngoài ra, bảo dưỡng thiết bị định kì là công việc kiểm tra xem có bộ phận nào có khả năng sẽ xảy ra hỏng hóc trong tương lai hay không để bảo dưỡng thay thế trước. Công việc này thường được thực hiện định kì 1lần/tháng, 1lần/3 tháng hay 1 lần/năm…tuỳ từng loại thiết bị. Thời gian bảo dưỡng có thể kéo dài từ 1h cho đến nhiều ngày.
Tóm lại, quản lý thiết bị là công việc rất quan trọng để đảm bảo thiết bị có thể hoạt động ổn định.
 
Top