Thực trạng PRD trên thế giới và Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế tại các quốc gia tăng cao, áp lực tạo ra các hàng hóa mới, dịch vụ mới “đủ sức chiến đấu” trên thị trường của các doanh nghiệp ngày càng lớn. Vai trò của R&D trong bối cảnh hiện nay quan trọng và đòi hỏi tính tập trung cao độ của các doanh nghiệp Việt để tránh tình trạng mắc kẹt, không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, cũng như chưa cạnh tranh được với nước đi trước có lợi thế công nghệ tiên tiến.

Hoạt động R&D trên thế giới

Theo báo của Statista, năm 2022 tổng chi phí đầu tư cho hoạt động R&D trên thế giới lên tới gần 2,5 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia chi tiêu cho hoạt động này lớn nhất với 680 tỷ đô la Mỹ và 550 tỷ đô la Mỹ. Các công ty công nghệ lớn như Google, Apple và Amazon tiếp tục đầu tư hàng tỷ đô la vào R&D để phát triển sản phẩm và dịch vụ tiên tiến. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), truyền thông không dây và năng lượng tái tạo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động R&D toàn cầu.

Hoạt động R&D tại Việt Nam, đã bắt đầu nhưng chưa đột phá

Việt Nam đã có những động thái tích cực trong thúc đẩy hoạt động R&D nhằm phát triển lên những cấp độ cao hơn của công nghệ chứ không chỉ dừng ở sản xuất, lắp ráp, gia công và đạt được những kết quả đáng kể, điển hình là hàng loạt “ông lớn” công nghệ đã và đang “chọn mặt gửi vàng” đặt các trung tâm R&D ở Việt Nam như Samsung, Apple, Intel...

Tuy nhiên, năng lực R&D nội địa của Việt Nam rất hạn chế trong khi chi phí cho hoạt động R&D ít mà lại dàn trải dẫn đến hệ thống R&D thiếu đà, động lực và môi trường thuận lợi để phát triển bứt phá.

Liên kết chưa chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất và các cơ sở đào tạo

Các cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam hiện hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước. Các doanh nghiệp chưa tạo được liên kết nhất định với các cơ sở nghiên cứu, dẫn đến việc các nghiên cứu nhiều khi chưa phù hợp với sản phẩm và khả năng sản xuất, cần nhiều thời gian để đưa vào ứng dụng thực tế.

Hiểu biết về R&D chưa đồng nhất

Hiểu biết khác nhau giữa các doanh nghiệp và bản thân trong nội bộ các doanh nghiệp về R&D dẫn đến đánh giá thấp tầm quan trọng và không ước tính đúng mức chi phí cần bỏ ra cho R&D (về nhân lực, vật lực, thời gian).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chú trọng nhiều hơn đến sản xuất các sản phẩm mang tính nhiệm vụ đột xuất để phục vụ nhu cầu trước mắt, không mang tính hệ thống mà thiếu chú trọng, đầu tư vào R&D cho tương lai.

Thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao

Hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đòi hỏi nhân sự có kiến thức R&D rộng và sự hiểu biết sâu về lĩnh vực sản phẩm mà họ đang phát triển. Tuy nhiên, các kỹ sư R&D ở Việt Nam có chuyên môn tốt song không được trang bị thêm các kiến thức về hoạt động của chuỗi cung ứng, hiểu biết về thị trường,...nên chậm thích nghi với công nghệ mới, khả năng thiết kế có tính dự phòng cho tương lai không tốt. Nhân sự R&D cũng thiếu đào tạo bài bản về nguyên tắc cộng tác khi làm dự án, nên khả năng phối hợp chưa tốt dẫn đến việc tổ chức, điều phối hoạt động R&D gặp nhiều khó khăn.

Nền tảng công nghệ yếu

Các nước phát triển nắm rõ các bí quyết công nghệ khi phát triển sản phẩm. Mặc dù hiện nay, việc tiếp cận các bí quyết này đã đơn giản hơn qua hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế…Tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp có thể hiểu và ứng dụng các phát sinh, sáng chế sẵn có và ứng dụng vào sản phẩm hiện tại.

Kết luận

Để tránh rơi vào tình trạng “mắc kẹt”, mất năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cần thay đổi nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của R&D, nhanh chóng có những kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực R&D, đầu tư công nghệ, nghiên cứu, phát triển sản phẩm; từ đó giữ vững vị thế và thị phần tại Việt Nam và trên thế giới.

  • Published
    25/3/2024
  • Page views
    475
Top